Đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số:

Cần cái "bắt tay" từ nhiều phía

  • 07:53 | Thứ Hai, 10/01/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thay đổi tư duy, quyết tâm rời bản làng để học nghề, tìm kiếm một việc làm ổn định chính là mục tiêu hướng đến của nhiều con em đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Thế nhưng, đào tạo nghề và giúp những học viên DTTS có được việc làm sau khi rời ghế nhà trường vẫn là bài toán cần nỗ lực tháo gỡ từ nhiều phía.
 
Nhiều chính sách hỗ trợ
 
Theo ông Đào Hoài Linh, Hiệu trưởng Trường cao đẳng kỹ thuật Công-Nông nghiệp Quảng Bình, những năm gần đây, các chính sách giáo dục và đào tạo vùng dân tộc, miền núi đã góp phần đặc biệt quan trọng trong quá trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững.
 
“Tại trường chúng tôi, đối tượng học sinh, sinh viên là đồng bào DTTS chiếm khá lớn, với gần 20% tổng số quy mô đào tạo của nhà trường. Các em đến từ tất cả các xã vùng biên giới của tỉnh. Ngành nghề đào tạo chủ yếu là chăn nuôi, thú y, lâm sinh, vận hành máy… Một số khác thì theo học chế biến món ăn, quản lý bán hàng và siêu thị. Do các chương trình đào tạo với 70% là thực hành nên học sinh DTTS vẫn đáp ứng được dù phần đông các em được phân luồng vừa học nghề, vừa học văn hóa từ lớp 9”, Hiệu trưởng Trường cao đẳng kỹ thuật Công-Nông nghiệp cho biết thêm.
 
Trường cao đẳng Nghề Quảng Bình cũng là một trong những cơ sở đào tạo nghề thu hút nhiều học viên là con em đồng bào DTTS. Xuất phát từ nhu cầu thực tế tại địa phương và bản thân, tại trường, 90% học viên nữ là con em đồng bào DTTS tham gia học nghề may, học viên nam chủ yếu học nghề hàn và máy thi công nền. Một số khác theo học ngành công nghệ ô tô. 
Các chương trình đào tạo cần gắn với nhu cầu thực tế, các thế mạnh sẵn có của địa phương.
Các chương trình đào tạo cần gắn với nhu cầu thực tế, các thế mạnh sẵn có của địa phương.

Theo số liệu thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2013-2020, đã có 2.565 người DTTS được quan tâm, đào tạo nghề. Riêng trong năm 2021, số lượng tuyển sinh học nghề đối tượng đồng bào DTTS là 421 người. Tỷ lệ người DTTS được đào tạo và có chứng chỉ nghề có xu hướng tăng là kết quả của một loạt chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho người DTTS.

Những chính sách của Đảng và Nhà nước đáp ứng nhu cầu thực tế của đồng bào, phù hợp với yêu cầu ổn định và phát triển toàn diện cho đồng bào DTTS. Nhiều chính sách chăm lo cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo nghề đã giúp đồng bào DTTS từng bước nâng cao trình độ, nghề nghiệp, tạo việc làm, ổn định cuộc sống.

Điển hình, như: Nghị định số 49/2015/NĐ-CP, ngày 15/5/2015 của Chính phủ quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”; chính sách nội trú theo Quyết định số 53/2015/QĐ-TTg, Nghị định số 86/2016/NĐ-CP…

Nhờ các chính sách hỗ trợ này mà con em đồng bào DTTS được miễn giảm học phí, ngoài ra còn được hỗ trợ khoản kinh phí hàng tháng giúp trang trải việc học và sinh hoạt cho đến lúc tốt nghiệp. Đây cũng là đối tượng học sinh, sinh viên luôn được các cơ sở đào tạo nghề quan tâm, hỗ trợ thông qua các chương trình học bổng. Nhiều em đã nỗ lực vượt khó và đạt thành tích cao trong học tập. Đội ngũ trí thức là con em DTTS vì thế ngày càng tăng cao.
 
Tránh học rồi… bỏ đó
 
23 tuổi, Hồ Ngọc Trai (bản Pa Choong, xã Trọng Hóa, Minh Hóa) chỉ quanh quẩn trên nương, rẫy. Không có công việc ổn định, cuộc sống gia đình càng khó khăn hơn khi Trai lấy vợ, sinh con.
 
Một ngày, các giáo viên Trường cao đẳng kỹ thuật Công-Nông nghiệp Quảng Bình cùng với chính quyền xã đến tận nhà vận động thanh niên người Khùa này đến trường để học nghề. Đi học là cơ hội để có việc làm ổn định, hơn là chỉ biết trông chờ vào lúa rẫy, Trai quyết định xuống phố, học hệ trung cấp ngành máy công trình tại Trường cao đẳng kỹ thuật Công-Nông nghiệp Quảng Bình.
 
Sau hai năm vừa học nghề, vừa học văn hóa tại trường, Trai đang chuẩn bị cho kỳ thực tập trước khi tốt nghiệp. Trai chia sẻ: “Lúc đầu, các thầy cô với các anh chị ở xã lên vận động thì tôi cũng đi học thôi. Nhưng càng học càng thấy thích nghề lái máy xúc. Tôi chỉ mong, sau khi tốt nghiệp sẽ xin được việc làm ở một công ty nào đó”. Mong muốn của Trai cũng là ước mơ chung của nhiều con em đồng bào DTTS đang theo học nghề tại các trường, cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh.
Nhiều học sinh, sinh viên DTTS được vào nhận vào làm việc tại các doanh nghiệp sau khi tốt nghiệp nghề vận hành máy công trình.
Nhiều học sinh, sinh viên DTTS đượcnhận vào làm việc tại các doanh nghiệp sau khi tốt nghiệp nghề vận hành máy công trình.

Thế nhưng, do nhiều nguyên nhân mà số lượng học sinh, sinh viên DTTS sau khi tốt nghiệp vẫn phải loay hoay tìm việc làm. Không ít em sớm trở lại bản, bỏ dở ước mơ. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã cùng chung tay hỗ trợ, tạo việc làm cho đồng bào DTTS ngay khi các em vừa tốt nghiệp, như: Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh, Công ty cổ phần xây dựng Thăng Long, Binh đoàn 12 (Bộ Quốc phòng)… Tuy nhiên, tỷ lệ cung-cầu vẫn còn khá chênh lệch. Một trong những nguyên nhân là do trình độ của người DTTS chưa cao nên khả năng tiếp thu kiến thức nghề nghiệp bị hạn chế.

Theo ông Đào Hoài Linh, để xóa dần khoảng cách chênh lệch về giáo dục giữa miền ngược và miền xuôi, đòi hỏi công tác đào tạo cho đồng bào DTTS cần phải tiếp tục được quan tâm, đầu tư hơn nữa.
 
“Chính sách hỗ trợ dạy nghề cho người DTTS chưa thực sự hấp dẫn, mức hỗ trợ còn khá thấp, trong khi phần nhiều hộ DTTS là hộ nghèo nên không thể chi trả phần còn lại của kinh phí học tập, đi lại, ăn ở. Thực tế là đã có nhiều em vì vậy mà bỏ học giữa chừng. Cũng cần có sự hỗ trợ từ phía các doanh nghiệp, xã hội hóa giáo dục để tạo thêm nhiều chính sách học bổng cho các em DTTS, động viên các em vượt khó”, ông Linh trao đổi.
 
Đào tạo nghề là một trong những giải pháp tốt nhất để giúp cho lao động nông thôn nói chung và lao động DTTS nói riêng từng bước chuyển dịch lao động, thay đổi phương thức sản xuất.
 
Thế nhưng, để những ước mơ bên trong những bản làng heo hút không còn dang dở và tránh học rồi… bỏ đó, các chương trình đào tạo cần gắn với nhu cầu thực tế, các thế mạnh sẵn có của địa phương và trên hết cần có cái “bắt tay” từ nhiều phía, bao gồm: Người lao động, chính quyền địa phương, cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp.
 
Quyết định số 53/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 20/10/2015 về chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên học cao đẳng, trung cấp quy định học sinh, sinh viên người DTTS thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật sẽ được hưởng mức học bổng bằng 100% mức tiền lương cơ sở/tháng. Ngoài ra, các em còn được nhận các khoản hỗ trợ mua đồ dùng cá nhân, trong dịp Tết Nguyên đán và hỗ trợ đi lại.

 

 
Diệu Hương
 

tin liên quan

Giải quyết việc làm cho gần 3.400 lao động trong năm 2021

(QBĐT) - Mặc dù bị ảnh hưởng do tác động của dịch Covid-19, nhưng huyện Bố Trạch đã thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ, tạo việc làm cho người lao động trên địa bàn.
 

Tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông

(QBĐT) - Thời điểm cận kề Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nhu cầu đi lại, vận tải hàng hóa của người dân tăng cao. Nhằm bảo đảm cho nhân dân đón Tết an toàn, Công an TX. Ba Đồn đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm kiềm chế tình trạng mất an toàn giao thông (ATGT) diễn ra trên địa bàn.

Xảy ra vụ đuối nước làm một người chết

(QBĐT) - Ông Hồ Quang Ba, Phó Vhủ tịch UBND xã Dân Hoá (Minh Hóa) cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra vụ đuối nước thương tâm làm một người chết.