Bánh chưng xanh đậm đà vị Tết

  • 08:01 | Thứ Sáu, 28/01/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - “Bánh chưng xanh bên dưa hấu đỏ. Nhành mai vàng bên cành đào tươi” là hình ảnh từ lâu đã trở nên quen thuộc, đi vào tâm thức của mỗi người dân Việt Nam trong ngày Tết cổ truyền dân tộc. Khi trời đất giao hòa, ngập tràn sắc xuân, trên mọi nẻo đường, miền quê lại náo nức chuẩn bị đón Tết. Và để có cái Tết đủ đầy thì không thể thiếu chiếc bánh chưng trên mâm cỗ- linh hồn của dân tộc Việt.
Bánh chưng là món ăn không thể thiếu trong dịp Tết của mỗi gia đình Việt
Bánh chưng là món ăn không thể thiếu trong dịp Tết của mỗi gia đình Việt
 
Trong tâm thức của người Việt, bánh chưng ra đời bắt nguồn từ truyền thuyết Lang Liêu, gắn với sự tích “Bánh chưng, bánh dày”. Truyền thuyết kể rằng, vào đời Hùng Vương thứ 6, nhân dịp đầu xuân, nhà vua triệu tập các con đến và nói rằng: Ai đem lễ vật hợp ý vua đến dâng cúng Tiên Vương thì sẽ được truyền ngôi. Các hoàng tử đua nhau tìm kiếm của ngon vật lạ, hy vọng lấy được ngai vàng. Lang Liêu, người con thứ 18 của Hùng Vương vì mẹ mất sớm, gia cảnh khó khăn nên lo lắng không biết chuẩn bị thế nào.
 
Một đêm, chàng nằm mơ có vị thần đến bảo: Trời đất không có gì quý bằng hạt gạo, hãy lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông để tượng hình trời và đất; lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột bánh để tượng hình cha mẹ sinh thành. Nhờ làm theo lời thần dặn, lễ vật của Lang Liêu rất hợp ý vua Hùng nên được nhà vua truyền ngôi. Kể từ đó, mỗi khi đến Tết Nguyên đán, dân chúng làm bánh chưng, bánh dày để dâng cúng tổ tiên, trời đất, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt.
 
Lưu giữ nghề truyền thống
 
Vào một ngày se nắng giữa tiết trời đương xuân, chúng tôi đến thăm gia đình anh Hoàng Minh Hải-chị Hoàng Thị Hương ở tổ dân phố (TDP) Diêm Bắc 1, phường Đức Ninh Đông, TP. Đồng Hới. Trong căn nhà 2 tầng nằm giữa khu vườn xanh tươi, vợ chồng anh Hải đang miệt mài gói bánh chưng để kịp nấu giao khách.
 
Vừa làm, anh Hải vừa kể cho chúng tôi nghe nghề anh đã chọn và lưu giữ. Anh Hải cho biết, từ xưa, gia đình anh đã có nghề làm bánh chưng. Ngày nhỏ, anh thường ngồi xem và phụ giúp mẹ, rồi dần học được kinh nghiệm gói bánh. Lớn lên, anh Hải đi học, làm việc ở xa nhưng “cái duyên” với nghề truyền thống đã thôi thúc anh trở về quê hương, tiếp nối nghề làm bánh chưng của mẹ.
Vợ chồng anh Hoàng Minh Hải (phường Đức Ninh Đông, TP. Đồng Hới) cẩn thận từ khâu chuẩn bị nguyên liệu đến khâu gói bánh chưng.
Vợ chồng anh Hoàng Minh Hải ở phường Đức Ninh Đông (TP. Đồng Hới) cẩn thận từ khâu chuẩn bị nguyên liệu đến khâu gói bánh chưng.
Anh Hải chia sẻ: “Mẹ tôi là một trong những người có thâm niên gói bánh chưng lâu nhất ở TP. Đồng Hới. Khi tuổi già, sức yếu, không thể tiếp tục làm, mẹ đã truyền nghề cho tôi. Sau khi mẹ mất, tôi vẫn luôn gìn giữ nghề truyền thống của gia đình. Nghề gói bánh chưng đã ngấm sâu vào trong máu thịt của tôi, là cả ký ức về mẹ, về tuổi thơ tôi”.
 
Làm bánh chưng cũng là nghề truyền thống của gia đình chị Trần Thị Hồng Chiến, phường Quảng Thuận, TX. Ba Đồn. Sau 10 năm thành lập, cơ sở bánh chưng Chiến Luận của chị Chiến là một trong những địa chỉ uy tín, chất lượng được nhiều người tiêu dùng biết đến.
 
Trò chuyện cùng chúng tôi, chị Chiến cho biết: “Gói bánh chưng là nghề truyền thống của gia đình tôi từ thời ông bà. Trước đây, tôi chỉ gói bánh để phục vụ gia đình và bà con thân thiết. Sau này, do số người đặt gói bánh nhiều, tôi mới quyết định phát triển thành cơ sở bánh chưng Chiến Luận, vừa giữ nghề truyền thống, vừa giúp người bận rộn có bánh chưng đón Tết”.
 
Đậm vị Tết cổ truyền
 
Từ sau Tết ông Công ông Táo, không khí sắm Tết của mỗi gia đình bắt đầu nhộn nhịp. Để Tết đầy đủ hương vị truyền thống, ngoài cành đào, mứt gừng, chả lụa…, mỗi gia đình Việt đều có ít nhất vài cặp bánh chưng trong ngày Tết. Tuy nhiên, do cuộc sống bận rộn nên đa phần việc chuẩn bị bánh chưng được các bà, các mẹ chọn cơ sở uy tín, chất lượng đặt mua. Cũng vì thế, vào những ngày giáp Tết, không khí làm việc của các cơ sở bánh chưng rất khẩn trương, bận rộn.

Anh Hoàng Minh Hải cho biết, các công đoạn làm bánh của gia đình anh hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, theo đúng phong tục cổ truyền của dân tộc. Để có những cặp bánh thơm ngon, vuông vắn và bảo đảm chất lượng, lá gói bánh phải rửa sạch, là lá dong hoặc lá chuối sứ để khi luộc bánh cho ra màu xanh, bắt mắt; bánh phải gói nhiều lá để nước không vào, chín ngon hơn. Thịt lợn phải lấy ở địa chỉ uy tín, tươi ngon, không quá nạc cũng không quá mỡ. Gạo nếp, đậu xanh phải vo kỹ, đãi sạch và ngâm nước trong thời gian phù hợp…

Là nghề truyền thống của gia đình, anh Hải mong muốn những chiếc bánh chưng của mình làm ra phải giữ được hương vị, nét riêng có. Do đó, bánh chưng khách đặt đều do chính tay anh Hải gói. Dù không quảng bá, giới thiệu nhưng từ những người thân quen, bạn bè…, mọi người dần biết đến thương hiệu bánh chưng của gia đình anh. Vì vậy, số lượng khách có nhu cầu đặt bánh chưng do anh Hải gói ngày càng đông, đặc biệt là dịp Tết.
1.Bánh chưng của vợ chồng anh Hoàng Minh Hải-chị Hoàng Thị Hương ở phường Đức Ninh Đông (TP. Đồng Hới) được nhiều người ưa chuộng, chọn mua.
Nghề gói bánh chưng vừa giải quyết việc làm, tạo thu nhập vừa góp phần duy trì và phát triển nghề truyền thống của địa phương

Anh Hải chia sẻ: “Sản phẩm truyền thống của gia đình được nhiều người biết đến, tôi rất vui. Khách hàng ở TP. Đồng Hới và các vùng lân cận đặt rất nhiều nhưng vì để bảo đảm chất lượng và uy tín, tôi chỉ nhận gói bánh chưng trong khả năng cho phép. Trung bình, mỗi dịp Tết, tôi gói từ 400-500 cặp bánh chưng to; ngày bình thường, gói từ 200-300 cặp bánh chưng nhỏ, 50-100 cặp bánh to, cung cấp cho các chợ, nhà hàng, đơn vị có nhu cầu”.

Là người có công việc bận rộn, ngày Tết, chị Nguyễn Cẩm Lan, phường Đức Ninh Đông, TP. Đồng Hới không có nhiều thời gian để tự gói bánh chưng. Nhưng theo chia sẻ của chị Lan, bánh chưng là món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ gia đình chị trong ngày Tết. Mỗi dịp Tết, chị Lan đều đặt mua bánh chưng của gia đình anh Hải, chị rất hài lòng với chất lượng bánh ở đây.
 
Khi cuộc sống với bao bộn bề công việc, Tết đến, nhiều gia đình đã lựa chọn đặt bánh chưng tại các cơ sở gia truyền, uy tín để có được những chiếc bánh thơm ngon, đậm hương vị truyền thống. Cơ sở bánh chưng Chiến Luận cũng là một trong những địa chỉ được đánh giá bánh ngon, chất lượng, nhiều người chọn mua làm quà biếu bạn bè, người thân xa quê.
 
Chị Trần Thị Hồng Chiến, chủ cơ sở bánh chưng Chiến Luận cho biết: “Mỗi dịp Tết, cơ sở chúng tôi nhận gói khoảng 1.000 cặp bánh chưng. Ngoài những khách đặt bánh ăn liền còn có khách đặt bánh để làm quà cho người thân, bạn bè ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, nước ngoài… Để giữ bánh trong một thời gian dài, ngoài khâu gói cẩn thận, đúng kỹ thuật, chúng tôi còn hút chân không để bảo quản bánh”.
 
Thấy bánh chưng là thấy Tết! Vậy nên người Việt dù ở đâu, làm gì, vẫn luôn mong ngóng trở về quây quần bên gia đình. Cùng nhau kể chuyện xưa cũ, thưởng thức hương vị thơm ngon của chiếc bánh chưng xanh, đón chào một năm mới bình an, hạnh phúc.
 

Ông Bùi Ngọc Quýt, Phó Chủ tịch UBND phường Đức Ninh Đông cho biết, với truyền thống văn hóa của người phương Đông và đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", theo phong tục, tập quán địa phương, người dân phường Đức Ninh Đông thời gian qua vẫn duy trì truyền thống gói bánh chưng thờ cúng ông bà, tổ tiên, phục vụ gia đình, người thân mỗi khi Tết đến, xuân về.

Hiện nay, trên địa bàn phường còn khoảng 250 hộ gia đình duy trì hoạt động gói bánh chưng. Trong đó, có những hộ hoạt động gói bánh thường xuyên, là nghề kinh doanh chính của gia đình, như: Bà Hoàng Thị Tế (TDP Diêm Nam), anh Hoàng Minh Hải (TDP Diêm Bắc 1), anh Nguyễn Văn Lợi (TDP Bình Phúc)… Ngoài việc giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người dân, gói bánh chưng còn góp phần duy trì và phát triển nghề truyền thống của địa phương.

 
Lê Mai
 
 

tin liên quan

Mang Tết ấm áp đến mọi nhà

(QBĐT) - Sau hơn 1 năm phải gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề từ dịch Covid-19, không ít hộ dân, đặc biệt là các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Minh Hóa đã mất đi một nguồn thu nhập đáng kể do phải  tạm ngừng lao động sản xuất. Thấu hiểu và sẻ chia với những khó khăn của người dân, vào dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, các cấp chính quyền huyện Minh Hóa đã triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ, mang Tết ấm áp đến mọi nhà…

Trao quà của "Mẹ đỡ đầu" cho các cháu mồ côi

(QBĐT) - Chiều nay, 27/1,  đoàn công tác của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh do đồng chí Diệp Thị Minh Quyết, Chủ tịch Hội dẫn đầu đã trao quà từ chương trình "Mẹ đỡ đầu" cho các cháu mồ côi tại hai huyện Quảng Ninh và Bố Trạch.

Gần 31 tỷ đồng chăm lo Tết cho người nghèo và các đối tượng chính sách

(QBĐT) - Trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tỉnh đã trích ngân sách, các nguồn quỹ và vận động các tổ chức, cá nhân với số tiền gần 31 tỷ đồng để tổ chức các hoạt động chăm lo Tết cho người nghèo, các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh.