Tăng 7,4% lương hưu từ năm 2022: Triển khai sớm đến người hưởng

  • 08:21 | Thứ Ba, 14/12/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Việc tăng lương hưu với quan điểm để cải thiện đời sống của người về hưu, giảm bớt khó khăn, đặc biệt là những người có mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) thấp..., luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm.
Việc chi trả lương hưu cho người dân được bưu điện thực hiện đảm bảo an toàn. Ảnh: HT
Việc chi trả lương hưu cho người dân được bưu điện thực hiện đảm bảo an toàn. Ảnh: HT
Theo Nghị định 108/2021/NĐ-CP, từ ngày 1-1-2022, mức lương hưu sẽ được tăng 7,4% mức hiện tại; đồng thời, Nghị định còn điều chỉnh tăng thêm 200.000 đồng nữa đối với những trường hợp sau khi điều chỉnh vẫn thấp hơn mức 2,3 triệu đồng/tháng.
 
Về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội (nay là Ủy ban Xã hội), cho biết, đây là chủ trương đúng đắn đã được Quốc hội ra Nghị quyết. Việc tăng lương hưu theo lộ trình thì sẽ thực hiện từ năm 2021, nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngân sách nhà nước khó khăn, nên Đảng, Nhà nước đã quyết định lùi lại. 
 
“Tuy nhiên, đến nay, do là vấn đề cấp thiết, đặc biệt người về hưu trước năm 1995 với mức lương hưu rất thấp, không đủ chi tiêu trong gia đình nên Chính phủ quyết tâm tăng 7,4% bắt đầu từ năm 2022 với nhiều nhóm đối tượng. Đặc biệt là với những người về hưu trước năm 1995 với mức lương thấp dưới 2,5 triệu đồng", ông Bùi Sỹ Lợi cho biết.
 
Cụ thể, tăng thêm 200.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng từ 2.300.000 đồng/người/tháng trở xuống; tăng lên bằng 2.500.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng từ 2.300.000 đồng/người/tháng đến dưới 2.500.000 đồng/người/tháng.
 
Trao đổi về tăng lương, trợ cấp Bảo hiểm xã hội từ 1/1/2022, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho rằng, việc tăng lương hưu trong bối cảnh đất nước còn khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh rất đáng hoan nghênh.
 
Ông Phạm Minh Huân cho rằng, mức điều chỉnh tăng 7,4% còn khá khiêm tốn so với nhu cầu cuộc sống của người về hưu. Đặc biệt, những người về hưu trước năm 1995 có lương hưu rất thấp.
 
Theo ông Huân, dù mức tăng 7,4% chưa thể tương xứng với tốc độ trượt giá, cũng như chưa đáp ứng được hết mong muốn của người nghỉ hưu là muốn tăng cao hơn. Tuy nhiên, xét trong điều kiện hiện nay còn khó khăn, Nhà nước vẫn dành nguồn ngân sách để điều chỉnh lương là điều ý nghĩa.
Trước đó, trả lời chất vấn trước Quốc hội vừa qua về vấn đè tăng lương hưu, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: Về vấn đề điều chỉnh lương hưu với những người về hưu trước năm 1995, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã bàn thảo, lấy ý kiến nhiều về vấn đề này và đã báo cáo Quốc hội. Do khó khăn do dịch bệnh nên việc cải cách tiền lương phải hoãn lại nhưng với vấn đề lương hưu vẫn cho phép điều chỉnh, nhất là những người về hưu trước năm 1995 và lương hưu thấp.
 
Tổng kinh phí điều chỉnh lương hưu từ năm 2022 là 12.650 tỷ đồng. Ngân sách Nhà nước bổ sung cho những người về hưu trước năm 1995 là 3.648 tỷ đồng; trong đó bù cho những người có lương thấp hơn 2,5 triệu đồng/người.
 
Theo TTXVN

tin liên quan

Công điện của Thủ tướng về bảo đảm an toàn giao thông dịp lễ, Tết 2022

Theo Công điện, các bộ, ngành, địa phương tập trung tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật, hướng dẫn kỹ năng bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phòng, chống dịch khi tham gia giao thông cho dân.
 

Đại hội CLB Doanh nhân cựu chiến binh tỉnh lần thứ hai

(QBĐT) - Ngày 13-12, Câu lạc bộ (CLB) Doanh nhân cựu chiến binh (CCB) tỉnh tổ chức Đại hội lần thứ hai, nhiệm kỳ 2021-2026. 

Quảng Bình công bố hết dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò

(QBĐT) - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình vừa thông báo hết dịch bệnh viêm da nổi cục trên địa bàn tỉnh.