Sáu nhiệm vụ để phục hồi và phát triển thị trường lao động hiệu quả

  • 08:26 | Chủ Nhật, 19/12/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động mới ban hành hướng tới từng bước phục hồi và phát triển thị trường lao động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế.
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Rhythm Precision Việt Nam, khu công nghiệp Nội Bài (Hà Nội).
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Rhythm Precision Việt Nam, khu công nghiệp Nội Bài (Hà Nội).
Từng bước phục hồi và phát triển thị trường lao động hiệu quả
 
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động (sau đây gọi tắt là Chương trình).
 
Mục tiêu tổng quát của chương trình là từng bước phục hồi và phát triển thị trường lao động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế. Cùng với đó, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, hạn chế thấp nhất những tiêu cực từ dịch bệnh tới thị trường lao động. Tiến tới xây dựng và hình thành thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, linh hoạt, thống nhất, hội nhập nhằm thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển nguồn nhân lực cho phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của đất nước.
 
Chương trình đề cập tới sáu mục tiêu cụ thể.
 
Trước hết, duy trì tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn dưới 2%.
 
Cùng với đó, hỗ trợ người lao động làm việc tại các doanh nghiệp thuộc vùng kinh tế trọng điểm, các địa phương có các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao yên tâm làm việc, tham gia phục hồi sản xuất kinh doanh; đặc biệt hỗ trợ để thu hút người lao động ngoại tỉnh quay trở lại làm việc.
 
Thêm vào đó, hỗ trợ xây dựng, phát triển các mô hình sản xuất an toàn tạo việc làm cho người lao động nhằm tạo việc làm tốt, có thu nhập bền vững cho người lao động.
 
Bên cạnh đó, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng lao động đáp ứng yêu của người sử dụng lao động, đặc biệt là đáp ứng yêu cầu phục hồi sản xuất kinh doanh của của các doanh nghiệp tại các tỉnh phía nam.
 
Ngoài ra, thiết lập hệ thống thông tin, dữ liệu kịp thời phục vụ hoạt động kết nối cung - cầu lao động; tạo môi trường điều kiện để người lao động và người sử dụng lao động gặp gỡ, trao đổi thông tin về lao động, việc làm.
 
Cuối cùng là giữ vững quan hệ lao động hài hòa, ổn định.
 
Sức khỏe, tính mạng người dân, người lao động là trên hết
 
Chương trình khẳng định, phục hồi thị trường lao động nhưng vẫn phải tiếp tục đặt sức khỏe, tính mạng người dân, người lao động lên trên hết.
 
Bên cạnh đó, gắn chặt việc phục hồi và phát triển thị trường lao động với các yêu cầu về phục hồi và phát triển kinh tế, ổn định an sinh xã hội của cả nước và từng địa phương.
 
Nhiệm vụ, giải pháp thực hiện có tính trọng tâm, trọng điểm, tác động chủ yếu vào địa bàn và ngành nghề có cung cầu lớn. Chú trọng tới an sinh của người lao động trong thị trường lao động để ổn định và phát triển lâu dài thị trường lao động.
 
Bảo đảm bổ sung và hỗ trợ cho thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và các chương trình mục tiêu quốc gia.
 
Hướng tới nhiều đối tượng
 Lao động tại phiên giao dịch việc làm trực tuyến của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tháng 12-2021 (Ảnh: Minh Duy).
Lao động tại phiên giao dịch việc làm trực tuyến của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tháng 12-2021 (Ảnh: Minh Duy).
Chương trình nêu sáu nhiệm vụ chủ yếu, tập trung vào nhiều nhóm đối tượng khác nhau.
 
Thứ nhất, nghiên cứu xây dựng và tổ chức triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động bảo đảm an sinh xã hội, thu hút người lao động quay trở lại làm việc.
 
Cụ thể như, hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường và được bảo đảm an sinh xã hội. Hỗ trợ thu hút người lao động ngoại tỉnh đến làm việc tại địa phương có các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.
 
Thứ hai, hỗ trợ người sử dụng lao động phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh tạo việc làm cho người lao động. Trong đó, có một số giải pháp cụ thể.
 
Hướng dẫn doanh nghiệp để xây dựng mô hình sản xuất an toàn, phục hồi sản xuất kinh doanh.
 
Rà soát các quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo hướng không áp dụng giới hạn số giờ làm thêm trong 1 tháng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 107 Bộ luật Lao động khi người sử dụng lao động thỏa thuận với người lao động về việc làm thêm giờ và tổng số giờ làm thêm của người lao động không quá 300 giờ trong 1 năm mà không bị giới hạn nhóm ngành, nghề, công việc hoặc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 107 Bộ luật Lao động (trong 1 khoảng thời gian nhất định).
 
Hỗ trợ chi phí tuyển dụng lao động thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm; khuyến khích doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm trên địa bàn giảm giá tư vấn, cung ứng lao động.
 
Hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đăng ký tuyển chọn nguồn lao động trực tiếp, tổ chức đào tạo trực tiếp cho người lao động tại địa phương phù hợp với diễn biến của dịch bệnh trong trạng thái bình thường mới.
 
Có chính sách giảm lãi suất, bổ sung thêm nguồn vốn vào Quỹ quốc gia về việc làm để cho các hộ kinh doanh vay vốn phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh tạo việc làm cho người lao động.
 
Thứ ba là tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng lao động đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển thị trường lao động
 
Thứ tư là hỗ trợ kết nối cung - cầu lao động
 
Thứ năm là phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, lành mạnh và ổn định nhằm quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực
 
Thứ sáu là, xây dựng quan hệ lao động lao động hài hòa, ổn định.
 
Về tổ chức thực hiện, các đơn vị thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm xây dựng, ban hành kế hoạch của đơn vị với các nhiệm vụ, đề án chương trình cụ thể, có lộ trình và phân công trách nhiệm thực hiện.
 
Đối với những nhiệm vụ không phải xây dựng đề án, chương trình cần tổ chức triển khai ngay, bảo đảm thực hiện kịp thời và có hiệu quả những nội dung liên quan trong Chương trình.
 
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan để tổ chức, đào tạo nâng cao kỹ năng lao động cho người lao động; chủ trì phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng để đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề và tham gia phương án điều tiết, bổ sung lao động trong trường hợp cần thiết.
 
Cục Việc làm theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Chương trình này, định kỳ báo cáo và đề xuất với lãnh đạo Bộ về việc triển khai nhiệm vụ.
 
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện một số hoạt động cụ thể.
 
Trong đó, chú trọng xây dựng phương án với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để phục hồi kinh tế tạo việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, bảo đảm nguồn lao động, ngăn ngừa thiếu hụt lao động cho phục hồi sản xuất kinh doanh.
 
Cũng cần khảo sát, nắm chắc nhu cầu sử dụng lao động của các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn, nhu cầu tìm việc làm của người lao động trên địa bàn để chủ động nguồn lao động bảo đảm khôi phục sản xuất, tránh việc thiếu hụt lao động cục bộ gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, đặc biệt là thời điểm cuối năm và sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
 
Chỉ đạo và có biện pháp giúp doanh nghiệp, người sử dụng lao động trên địa bàn thực hiện duy trì việc làm, giữ chân người lao động, hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 để người lao động yên tâm làm việc, ổn định sản xuất, kinh doanh.
 
Nghiên cứu, ban hành các chủ trương, chính sách, giải pháp ổn định, giới thiệu, tạo việc làm cho người lao động trở về từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trọng điểm phía nam. Hỗ trợ để người lao động trở lại làm việc tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.
 
Tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm để hỗ trợ kết nối cung - cầu lao động trên địa bàn và cả nước để bảo đảm nguồn lao động phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó quan tâm đẩy mạnh các hình thức kết nối trực tuyến có hiệu quả, linh hoạt trong phòng, chống dịch Covid-19…
 
Theo Báo Nhân Dân

tin liên quan

Bão số 9 đổi hướng liên tục, các tỉnh Thừa Thiên Huế đến Phú Yên gió giật mạnh

Dự báo bão số 9 sẽ thay đổi hướng liên tục trong vài ngày tới, từ đêm 18-12 đến ngày 20-2, trên đất liền các tỉnh, thành phố Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa có gió mạnh cấp 5 - 6, giật cấp 7; trên đất liền các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên có gió mạnh cấp 6 - 7, vùng ven biển có nơi cấp 8, giật cấp 9.

Một người bạn Lào nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp

(QBĐT) - Gần đây, tôi có sang thủ đô Viêng Chăn (Lào) thăm con cháu gần nửa tháng. Vào 6 giờ sáng hàng ngày, tôi vẫn giữ thói quen đi ra công viên (cách nhà con trai tôi chưa đến 1km) để tập thể dục. 

Hướng dẫn cụ thể cách tính lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội khi tăng 7,4% từ 1-1-2022

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng theo Nghị định số 108/2021/NĐ-CP.