Đồng hành cùng người lao động đi làm việc tại nước ngoài

  • 07:51 | Thứ Năm, 30/12/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - “Thúc đẩy phụ nữ có việc làm xứng đáng, an toàn và hợp pháp khi tham gia thị trường lao động ở nước ngoài thông qua cải thiện tiếp cận công lý về lao động” là 1 trong 19 sáng kiến thuộc Dự án EU JULE do Liên minh châu Âu tài trợ. Sáng kiến do Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển (HTPNPT) tỉnh thực hiện, sau hơn một năm triển khai đã cơ bản đạt các mục tiêu đề ra và được đánh giá là 1 trong 19 sáng kiến được triển khai hiệu quả nhất, góp phần đồng hành cùng người lao động (NLĐ) đi làm việc tại nước ngoài.

Chương trình đối thoại về nội dung đưa người Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài.
Chương trình đối thoại về nội dung đưa người Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài.
 
Bà Đỗ Thị Bích Thủy, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, Giám đốc Quỹ HTPNPT tỉnh chia sẻ, Quảng Bình là tỉnh có tỷ lệ người dân tham gia thị trường lao động nước ngoài cao, trong đó, huyện Bố Trạch là một trong những địa phương dẫn đầu. Bên cạnh những hiệu quả tích cực từ nguồn lao động này, thời gian qua cũng đã xảy ra nhiều bất cập, tồn tại và hậu quả nặng nề. Đó là tình trạng NLĐ tham gia các “đường dây” bất hợp pháp, thiệt hại về tính mạng và tài sản, điển hình như vụ 39 lao động bị tử vong tại Anh cuối năm 2019, trong đó có nhiều công dân huyện Bố Trạch. Đối với lao động nữ còn đối mặt với việc bị buôn bán, bóc lột sức lao động, lạm dụng tình dục…
 
Bên cạnh những nguy cơ và hậu quả nặng nề nêu trên, việc một số người dân tham gia đường dây “chui”, bỏ trốn, vi phạm pháp luật… của Việt Nam và nước sở tại đã khiến nhiều nước tạm dừng tiếp nhận lao động của tỉnh Quảng Bình nói chung, huyện Bố Trạch nói riêng, ảnh hưởng đến chính sách đưa người Việt Nam đi lao động tại nước ngoài.
 
“Với mong muốn nâng cao kiến thức cho người dân nói chung, lao động nữ nói riêng, tham gia lao động tại nước ngoài bảo đảm an toàn, hiệu quả, đúng quy định pháp luật, Quỹ HTPNPT tỉnh đã triển khai thực hiện sáng kiến “Thúc đẩy phụ nữ có việc làm xứng đáng, an toàn và hợp pháp khi tham gia thị trường lao động ở nước ngoài thông qua cải thiện tiếp cận công lý về lao động” tại địa bàn 4 xã Thanh Trạch, Hải Phú, Đức Trạch và Nhân Trạch (Bố Trạch)” (gọi tắt là dự án - PV), Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đỗ Thị Bích Thủy cho biết thêm.
 
Với chủ đề “Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền cho các nhóm đối tượng yếu thế, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo ở Việt Nam trong lĩnh vực lao động, việc làm và thực thi thủ tục hành chính trong lĩnh vực lao động và y tế ”, dự án đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của các địa phương.
 
Sau hơn 1 năm triển khai (tháng 9-2020 đến tháng 12-2021), dự án đã đào tạo được 40 học viên với các kiến thức về Luật Lao động năm 2019, các văn bản luật liên quan đến việc đưa người Việt Nam tham gia lao động tại nước ngoài để tham gia tuyên truyền, tập huấn. 8 khóa tập huấn với trên 230 người tham gia; 12 câu lạc bộ “Lao động và việc làm" với gần 400 thành viên tham gia sinh hoạt định kỳ hàng tháng; trên 2.200 người được tiếp cận thông tin về thị trường lao động nước ngoài... là những kết quả mà dự án đạt được, đã góp phần quan trọng hỗ trợ NLĐ nói chung, lao động nữ nói riêng, tiếp cận thông tin pháp luật để lựa chọn con đường tham gia lao động tại nước ngoài an toàn, hợp pháp.
Một buổi tập huấn tại xã Nhân Trạch (Bố Trạch).
Một buổi tập huấn tại xã Nhân Trạch (Bố Trạch).

Nhân Trạch là 1 trong 4 xã hưởng lợi từ dự án. Chủ tịch Hội LHPN xã Nhân Trạch Nguyễn Thị Thành cho biết: Xã có số người đi lao động tại nước ngoài lớn, trong đó có nhiều người thông qua môi giới của các “đường dây” bất hợp pháp nên bị mất tiền hoặc công việc không đúng như hứa hẹn ban đầu, đồng thời ảnh hưởng đến uy tín của địa phương trong quá trình tham gia thị trường lao động nước ngoài.

Vì vậy, các hoạt động của dự án thông qua 3 câu lạc bộ cùng nhiều chương trình giao lưu, tuyên truyền, đối thoại... đã tác động tích cực đến ý thức và lựa chọn của người dân. Lao động nói chung, lao động nữ nói riêng đánh giá cao những hoạt động của dự án, người dân đồng thời được tiếp cận với các địa chỉ tuyển dụng người Việt Nam đi lao động tại nước ngoài đáng tin cậy, yên tâm.

“Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số lượng người đi lao động nước ngoài trên địa bàn giảm, nhưng tỷ lệ người lựa chọn các công ty, doanh nghiệp chính thống tăng lên, thay vì thông qua môi giới của các đường dây bất hợp pháp như trước. Dự án đã góp phần nâng cao nhận thức cho bà con, đây là điều rất vui và sẽ tiếp tục tác động tích cực trong thời gian tới”, chị Thành phấn khởi chia sẻ.

Dự án đã triển khai 12 phiên trợ giúp pháp luật lưu động; tổ chức 4 cuộc đối thoại trực tiếp giữa NLĐ và Cục Quản lý lao động nước ngoài, các ban, ngành, doanh nghiệp về di cư an toàn hợp pháp; tổ chức đối thoại với Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh với NLĐ trên truyền hình thu hút gần 12.000 lượt khán giả xem và tương tác.

Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh, dự án đã thành lập 5 kênh truyền thông thông qua các ứng dụng trên mạng xã hội như: Zalo, facebook, messenger, fanpage, website. Dự án đã tư vấn, trợ giúp cho NLĐ trong vụ án lừa đảo chiếm dụng tài sản tại xã Thanh Trạch, can thiệp lấy lại “tiền cọc” cho người dân tại xã Nhân Trạch…, góp phần mang lại niềm tin cho NLĐ.

Trong khuôn khổ dự án, NLĐ đã trực tiếp đặt nhiều câu hỏi trong chương trình đối thoại với Đoàn ĐBQH tỉnh và các sở, ngành liên quan. Nội dung các câu hỏi đề cập đến các chính sách, trình tự, thủ tục đưa người Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài; làm gì khi vướng vào “đường dây” bất hợp pháp; đối tượng và cách thức tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, các địa chỉ đưa người Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài hợp pháp, tin cậy…

Chương trình đã tạo sự tương tác lớn, được khán giả nói chung, NLĐ nói riêng chú ý theo dõi và đánh giá cao. Các câu hỏi, đề xuất, kiến nghị của NLĐ đã được các sở, ban, ngành chức năng giải đáp đầy đủ, kịp thời; một số nội dung được tập hợp và kiến nghị lên cấp có thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chính sách pháp luật phù hợp với cuộc sống, bảo đảm lợi ích hợp pháp, chính đáng cho NLĐ tham gia làm việc tại nước ngoài.

“Từ những hiệu quả tích cực nêu trên, tháng 10-2021, Quỹ HTPNPT tỉnh tiếp tục được EU JULE tài trợ sáng kiến “Nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật về bảo vệ môi trường cho phụ nữ, trẻ em và đồng bào dân tộc thiểu số nhằm thực hiện quyền được sống trong môi trường trong lành” tại 2 xã Trường Xuân và Vạn Ninh (Quảng Ninh). Chúng tôi sẽ nỗ lực thực hiện tốt dự án, góp phần mang lại những khởi sắc cho môi trường sống của phụ nữ, trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số!”, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đỗ Thị Bích Thủy khẳng định.

Bà Nguyễn Minh Tâm, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh: Dự án đã mang lại những hiệu quả tích cực đối với lao động nói chung, đồng hành, hỗ trợ lao động nữ nói riêng có việc làm xứng đáng, an toàn, hợp pháp khi tham gia thị trường lao động nước ngoài. Đoàn ĐBQH tỉnh đã ghi nhận 2 nội dung, gồm những bất cập trong việc cấp phiếu lý lịch tư pháp số 2 và mở rộng đối tượng cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội đối với người dân có nhu cầu, để kiến nghị lên cấp có thẩm quyền ở Trung ương nhằm tháo gỡ rào cản, tạo cơ chế thuận lợi cho người dân khi tham gia thị trường lao động nước ngoài.
 
 
Ngọc Mai

tin liên quan

Tăng cường vận động người dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ

(QBĐT) - Tiếp tục thực hiện kế hoạch tấn công tội phạm bảo vệ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, kế hoạch đẩy mạnh công tác phòng ngừa đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo, Công an TP. Đồng Hới đã thực hiện quyết liệt công tác tuyên truyền đến tận người dân thông qua các hội nghị tuyên truyền, gửi thư ngỏ.

Tuyên truyền pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ tại Bến xe Nam Lý

(QBĐT) - Ngày 29-12, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh phối hợp với Trung tâm Dịch vụ và quản lý bến xe Quảng Bình đã tổ chức buổi tuyên truyền pháp luật và tiếp nhận vũ khí, vật liệu nổ và pháo tại bến xe Nam Lý.

Tiếp nhận động vật hoang dã để chăm sóc, cứu hộ

(QBĐT) - Ngày 29-12, thông tin từ Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật thuộc Ban quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận 13 cá thể động vật hoang dã để tiến hành chăm sóc, cứu hộ.