"Điểm tựa" của bản

  • 14:15 | Thứ Sáu, 05/11/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - “Muốn làm trưởng bản thì học Hồ Hơn”, đó là lời khẳng định chắc nịch của ông Võ Thành Đồng, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Xuân (Quảng Ninh) khi nghe chúng tôi hỏi chuyện về Hồ Hơn, người trưởng bản kỳ cựu tròn 30 năm gắn bó với những đổi thay của bản Lâm Ninh, xã Trường Xuân.
 
Người trưởng bản tâm huyết
 
Từ chân cầu Long Đại, con đường bê tông phẳng lỳ nối đường Hồ Chí Minh với Lâm Ninh-1 trong 4 bản đồng bào Vân Kiều thuộc xã Trường Xuân. Trong nếp nhà nhỏ ở trung tâm bản, Hồ Hơn chân tình chia sẻ, tuổi trẻ của ông là những tháng ngày được chiến đấu, được cống hiến cho cách mạng. Sau khoảng thời gian dài làm nhiệm vụ giao liên ở binh trạm 17, ông được giao nhiệm vụ làm A trưởng A du kích rồi được điều động theo đơn vị, làm nhiệm vụ khu vực bắc-nam cầu Quán Hàu, trực tiếp cầm súng bảo vệ tọa độ lửa.
 
Thời điểm xã Trường Xuân được thành lập, Hồ Hơn được giao làm thôn đội trưởng, trực tiếp lăn lộn cùng bà con, tham gia phát triển sản xuất ở vùng Rào Đá. Và có lẽ, chính những tháng ngày trực tiếp cầm súng, trực tiếp lao động sản xuất đã rèn cho ông tính mạnh mẽ, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm.
 Lúa nước ở Lâm Ninh góp phần bảo đảm an ninh lương thực.
Lúa nước ở Lâm Ninh góp phần bảo đảm an ninh lương thực.
Năm 1991, Hồ Hơn được dân bản tin tưởng bầu làm Trưởng bản Lâm Ninh. Những ngày đầu nhận trọng trách trước chính quyền và bà con, Hồ Hơn luôn trăn trở với đói nghèo, lạc hậu. Ông suy nghĩ, với người trong bản, điều đầu tiên cần thay đổi chính là tư duy trong sản xuất. Nghĩ là làm, hàng ngày, sau giờ lao động, Trưởng bản Hồ Hơn lại kiên trì đến nhà từng người dân, vận động, tuyên truyền bà con tiếp cận với phương thức sản xuất mới.
 
Hồ Hơn chân tình: “Mình là cán bộ, phải làm cho dân tin. Phải thật tin thì mình nói, bà con mới nghe mình”. Nói là làm, bản thân Hồ Hơn tự đăng ký, rồi kiên trì theo học các lớp về kỹ thuật chăn nuôi, bảo vệ thực vật. Bởi vậy, hễ trong bản có cây trồng, vật nuôi gì xuất hiện triệu chứng lạ, Hồ Hơn đều kiểm tra tận nơi để “bắt bệnh” và hướng dẫn bà con tìm mua thuốc.
 
Lâm Ninh là 1 trong 3 bản đồng bào Vân Kiều ở Trường Xuân trồng được lúa nước. Từ chỗ phải thuê người gieo hộ, đến nay, dân bản Lâm Ninh đã hoàn toàn chủ động canh tác trên diện tích 5,1ha, gieo 2 vụ, năng suất lúa bình quân trên 50 tạ/ha, ngang với nhiều xã khu vực đồng bằng.
 
Không chỉ hỗ trợ người dân canh tác sản xuất, Hồ Hơn còn đăng ký cho bà con đi tập huấn, tiếp cận phương pháp canh tác mới, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, tạo điều kiện cho dân bản tham gia hưởng lợi từ các dự án liên kết.
 
Anh Hồ Minh, bản Lâm Ninh chia sẻ: "Gia đình tôi được tham gia tập huấn, kết nối và hưởng lợi từ các dự án giảm nghèo. Từ các nguồn vốn hỗ trợ và kỹ thuật mới được tiếp thu qua các lớp tập huấn thông qua các kênh kết nối, gia đình tôi đã phát triển được mô hình kinh tế tổng hợp gồm nuôi dê, trâu, bò, trồng rừng và là một trong những hộ có kinh tế khá ở bản."
 
Cùng với lúa nước, thế mạnh của Lâm Ninh hiện nay chính là trồng rừng. Cả bản hiện có trên 200ha rừng trồng với gần 50 hộ tham gia trồng rừng kinh tế. Theo tính toán của Trưởng bản Hồ Hơn: “Sau gần 4 năm chăm sóc, mỗi ha keo cho thu nhập 25 triệu đồng. Từ nguồn thu nhập này, nhiều hộ gia đình ở bản Lâm Ninh thoát nghèo và vươn lên khá giả. Bản có 55 hộ với 189 khẩu, hiện tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo đang giảm nhanh. Với đà này, chỉ ít năm nữa, bản Lâm Ninh sẽ có hộ vươn lên khá, giàu”.
 
Tiên phong hiến đất xây trường học
 
Bản Lâm Ninh có 61 em trong ở bậc học mầm non, tiểu học. Từ trước đến nay, việc học của con em trong bản được duy trì tại điểm trường cũ, khu vực ven sông Long Đại nên thường xuyên bị ngập lụt. Đỉnh điểm là trong đợt mưa lũ tháng 10-2020, điểm trường bản Lâm Ninh bị ngập sâu 1,5m làm hư hỏng nhiều đồ dùng dạy học. Việc học của con em trong bản vì thế càng trở nên khó khăn.
 
Để bảo đảm nhu cầu học tập của con em, phương án xây dựng điểm trường mới ở Lâm Ninh đã được huyện, xã tính đến. Tuy nhiên, việc tìm địa điểm xây trường vừa thuận lợi cho việc học của con em trong bản, vừa cao ráo, không bị ngập mỗi mùa mưa lũ đến lại là vấn đề rất khó khăn.  
 Lúa nước ở Lâm Ninh góp phần bảo đảm an ninh lương thực.
Lúa nước ở Lâm Ninh góp phần bảo đảm an ninh lương thực.
Với suy nghĩ, đầu tư cho việc học của con em là đầu tư xây dựng cuộc sống mới của bản, Trưởng bản Hồ Hơn liền bàn với vợ, hiến toàn bộ 1.500m2 đất để xây trường học cho con em dân bản. Nhờ đó, trên nền đất bằng phẳng ngay trung tâm bản, với nguồn vốn đầu tư trên 3 tỷ đồng, công trình điểm trường Lâm Ninh đã được khởi công trong niềm vui, sự phấn khởi của bà con.
 
Ông Lê Ngọc Huân, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho biết: “Việc hiến 1.500m2 đất để xây dựng điểm trường tại bản Lâm Ninh của ông Hồ Hơn là việc làm ý nghĩa, tạo điều kiện thuận lợi để UBND huyện triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng điểm trường học tại bản Lâm Ninh. Dự kiến công trình gồm 2 tầng với đầy đủ hệ thống phòng học, phòng sinh hoạt, vừa là điểm trường, vừa là nhà tránh lũ cộng đồng cho người dân bản Lâm Ninh”.
 
Tròn 30 năm làm trưởng bản, bằng trách nhiệm, uy tín và sự am hiểu tâm lý đồng bào, Trưởng bản Hồ Hơn đã đề xuất nhiều ý kiến, chuyển tải kịp thời các chương trình, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với dân bản.
 
Đặc biệt, trong phong trào xây dựng nông thôn mới, Trưởng bản Hồ Hơn đã tiên phong gương mẫu đi đầu, hiến đất và ngày công để xây dựng đường giao thông nông thôn, đường tránh lũ và các công trình khác, lan tỏa phong trào hiến đất đến dân bản. Mỗi lời ông nói, mỗi việc ông làm luôn được bà con tin yêu làm theo.
 
Tiên phong, gương mẫu đi đầu, vừa là bí thư chi bộ, vừa là người có uy tín, Trưởng bản Hồ Hơn đã đón nhận nhiều bằng khen từ Trung ương đến tỉnh, huyện. Song đối với ông, phần thưởng lớn nhất, hạnh phúc nhất chính là niềm tin của Đảng, của dân bản, là sự ấm no, đổi mới của từng hộ dân ở Lâm Ninh.
 
Thanh Hải

tin liên quan

"Tuổi trẻ Quảng Bình làm đẹp biển cùng Huda"

(QBĐT) - Ngày 31-10, tại bãi biển Nhật Lệ, TP. Đồng Hới, Tỉnh đoàn Quảng Bình và Công ty TNHH Bia Carlsberg Việt Nam - Nhãn hàng Bia Huda phối hợp tổ chức chương trình "Tuổi trẻ Quảng Bình làm đẹp biển cùng Huda" năm 2021.

Khởi công xây dựng 2 ngôi nhà nhân ái cho học sinh nghèo

(QBĐT) - Triển khai chương trình "Điều ước cho em", ngày 30-10, Văn phòng Báo Giáo dục và Thời đại (GD&TĐ) khu vực miền Trung -Tây Nguyên phối hợp với các cơ quan trên địa bàn tỉnh, nhà hảo tâm khởi công xây dựng 2 ngôi nhà nhân ái cho 2 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại huyện Lệ Thủy. 

Loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động nổi bật tuần qua

Nghị định hướng dẫn 4 nhóm giải pháp miễn, giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp, người dân; Giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến hết năm 2023… là những thông tin chỉ đạo nổi bật trong tuần.