Lệ Thủy: Hói Phú Thọ bị bồi lắng gây ô nhiễm môi trường

  • 08:22 | Thứ Năm, 29/07/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Từ rất lâu, nhánh cuối cùng của sông Kiến Giang thuộc xã An Thủy (Lệ Thủy) mà người dân địa phương thường gọi là hói Phú Thọ làm nhiệm vụ cung cấp nguồn nước cho ba thôn của xã An Thủy là Thạch Bàn, Phú Thọ và Tân Lệ. Tuy nhiên, gần đây, nhất là sau trận mưa lũ lịch sử cuối năm 2020, hói bị bồi lắng nghiêm trọng, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm hộ dân sinh sống trong khu vực.  
 
Theo người dân sống dọc hai bên hói Phú Thọ, trước đây, nguồn nước trong và sạch sẽ, bà con thường sử dụng để phục vụ sinh hoạt và tưới cây cối trong vườn.
 
Tuy nhiên, những năm gần đây, nhánh sông cuối nguồn Kiến Giang bị bồi lắng do phù sa; cùng với lượng lớn rác sinh hoạt của những hộ dân thiếu ý thức thải xuống càng làm cho hói bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Hói Phú Thọ thuộc xã An Thủy, huyện Lệ Thủy bị bồi lắng gây ô nhiễm môi trường.
Hói Phú Thọ thuộc xã An Thủy, huyện Lệ Thủy bị bồi lắng gây ô nhiễm môi trường.
Bà Trần Thị Lý ở thôn Thạch Bàn, xã An Thủy cho biết, khi hói chưa bị ô nhiễm, hàng ngày, gia đình bà và bà con vẫn xuống đây tắm, giặt quần áo và bơm nước tưới tiêu cho cây trồng trong vườn. Nhưng những năm gần đây, vào mùa khô hạn, nước hói cạn kiệt, bùn non với rác nổỉ lềnh bềnh gây mùi hôi, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân nơi đây.
 
Dọc hai bên nhánh sông có hơn 800 hộ dân sinh sống. Ngoài chức năng dẫn nước ra sông chống ngập úng các đồng ruộng của các xã An Thủy, Hoa Thủy, Liên Thủy, nhánh sông này còn phục vụ sinh hoạt, tưới tiêu cho các hộ dân sống dọc hai bên.
 
Nhưng, những năm trở lại đây, rác thải từ nhiều nơi đổ về gây ứ đọng, tắc dòng chảy. Đặc biệt, sau đợt lũ lịch sử vào tháng 10-2020, lòng sông bị phù sa bồi lấp nghiêm trọng khiến dòng nước không thể chảy thoát, gây ô nhiễm.
 
Ông Lê Văn Thương, Trưởng thôn Phú Thọ, xã An Thủy cho biết, chính quyền địa phương và cán bộ thôn thường xuyên tuyên truyền, vận động các hộ dân sống hai bên bờ hói giữ gìn vệ sinh, không xả rác bừa bãi. Tuy vậy, mức độ ô nhiễm của hói vẫn chưa giảm mà nguyên nhân chính là do lòng hói hẹp, lượng bùn quá nhiều, những hôm nắng nóng, hói bốc mùi tanh bùn rất khó chịu. Bà con chỉ mong chính quyền sớm xử lý, nạo vét để làm thông luồng chảy, tạo sự lưu thông để cảnh quan sạch sẽ như trước đây.
Dù nước hói Phú Thọ không bảo đảm vệ sinh nhưng người dân vẫn phải sử dụng sinh hoạt hàng ngày.
Dù nước hói Phú Thọ không bảo đảm vệ sinh nhưng người dân vẫn sử dụng sinh hoạt hàng ngày.
Theo ông Lê Văn Quyết, Chủ tịch UBND xã An Thủy tình trạng bồi lắng và ô nhiễm môi trường tại nhánh sông này đã tồn tại nhiều năm qua, có nhiều đoạn hai bên bờ sạt lở làm cho đường sá bị thu hẹp. Việc xử lý thực trạng này là chính đáng nhưng cần nguồn kinh phí tương đối lớn, trong khi ngân sách xã không đáp ứng được.
 
UBND xã cũng đã có báo cáo đề nghị UBND huyện Lệ Thủy và các phòng, ban liên quan tiến hành kiểm tra, khảo sát thực trạng để có biện pháp khắc phục nhằm bảo đảm sinh hoạt của người dân ở các thôn.
 
“Rất mong cấp trên quan tâm hỗ trợ xã thực hiện dự án nạo vét hói Phú Thọ, cứng hóa đoạn bờ hói phía thôn Tân Lệ để tạo cảnh quan, không gian sống xanh, sạch cho người dân vùng cuối nguồn Kiến Giang”, ông Lê Văn Quyết kiến nghị.
 
                                                                        Thanh Trung