Hiệu quả từ phong trào "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương"

  • 07:21 | Thứ Năm, 22/07/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” (ĐHCPNBC) là chương trình do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh và Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh phối hợp, đã tạo sự đổi thay tích cực cho nhiều gia đình phụ nữ ở vùng biên giới. Chương trình không chỉ tạo động lực, tiếp sức để phụ nữ có ý chí vươn lên, mà còn tạo cơ hội cho phụ nữ vùng biên giới có sinh kế, giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo... góp phần bảo vệ vững chắc vùng biên giới.
 
Trường Sơn là xã khó khăn vùng biên giới của huyện Quảng Ninh. Xã có 1.079 hội viên, phụ nữ, đa số chị em làm nương rẫy, tự cung, tự cấp nên đời sống còn nhiều bấp bênh. Bên cạnh đó, tình hình dịch Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp khiến cuộc sống của người dân nơi đây vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.
 
Để giúp hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế, vươn lên ổn định cuộc sống, Đồn Biên phòng Làng Mô và Hội LHPN xã Trường Sơn đã vận động hội viên, phụ nữ, các nhà hảo tâm chung tay, góp sức, đồng hành cùng những phụ nữ đang gặp khó khăn trên địa bàn bằng cách hỗ trợ sinh kế là cây trồng, vật nuôi, công cụ sản xuất. 
 
Gia đình chị Hoàng Thị Dịch ở bản Bến Đường thuộc diện hộ nghèo. Để giúp gia đình chị phát triển kinh tế, Đồn Biên phòng Làng Mô và Hội LHPN xã Trường Sơn đã hỗ trợ 1 cặp lợn giống và hướng dẫn, tập huấn, "bắt tay chỉ việc" giúp chị biết cách chăm sóc. Đến nay, cặp lợn giống đã sinh được 8 lợn con, giúp gia đình chị có thêm nguồn thu nhập và mở ra hướng đi mới.
Đồng hành cùng phụ nữ biên cương - Hỗ trợ sinh kế giúp nhiều hội viên phụ nữ các xã biên giới vươn lên phát triển kinh tế
Đồng hành cùng phụ nữ biên cương - Hỗ trợ sinh kế giúp nhiều hội viên phụ nữ các xã biên giới vươn lên phát triển kinh tế
Hay gia đình chị Hồ Thị Thanh, bản Trung Sơn là hộ khó khăn, có 4 con, cháu lớn nhất mới học lớp 5, được Đồn Biên phòng Làng Mô và Hội LHPN xã Trường Sơn hỗ trợ 1 con lợn nái và 50 con ngan. Nhờ cần cù, chịu khó chăm sóc, lợn nái và đàn ngan của gia đình chị phát triển khá tốt, trở thành tài sản lớn mà trước kia chị chưa từng dám nghĩ tới. 
 
Chị Trần Thị Thùy Dung, Chủ tịch Hội LHPN xã Trường Sơn cho biết: Từ năm 2018, xã được Hội LHPN tỉnh chọn để thực hiện chương trình ĐHCPNBC, đã tạo ra nhiều thay đổi trong đời sống chị em phụ nữ nói riêng, các hộ dân trong xã nói chung. Đồn Biên phòng Làng Mô và Hội LHPN xã Trường Sơn đã kết nối với các đoàn thiện nguyện thăm, tặng quà cho bà con các bản: Dốc Mây, Sắt, Chân Trộông, Đá Chát, Bến Đường với trị giá hơn 80 triệu đồng; khoan 3 giếng nước sạch phục vụ bà con bản Đá Chát, Cổ Tràng với tổng kinh phí 150 triệu đồng.
 
Nhiều tổ chức, cá nhân hảo tâm cũng trao tặng 14 máy xát lúa, tuốt lúa và máy cày cho các bản, kết nối khoan 9 giếng tại bản Đá Chát, Cổ Tràng, thôn Tân Sơn với tổng kinh phí 300 triệu đồng; hỗ trợ hơn 13.000 con lợn, gà, vịt, ngan giống giúp những hộ khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống.
 
Xã Trường Sơn là 1 trong 9 xã thuộc 5 huyện biên giới được hỗ trợ từ chương trình ĐHCPNBC. Thực hiện chương trình, 9 xã biên giới của tỉnh đều nhận được sự hỗ trợ của Hội LHPN cấp huyện, thành phố và đồn biên phòng đóng quân trên địa bàn. Để chương trình ĐHCPNBC có sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội, Ban Thường vụ Hội LHPN và Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh đã tích cực chỉ đạo các cấp hội, cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình.
 
Từ đây, phụ nữ các xã biên giới của tỉnh được đón nhận sự quan tâm, sẻ chia, giúp đỡ của các cấp, các ngành thông qua việc hỗ trợ mô hình sinh kế như nuôi bò sinh sản, cây, con giống, phân bón, khoa học kỹ thuật, xây dựng, sửa chữa nhà, đồ dùng, trang thiết bị, tặng quà học sinh nghèo… Qua đó, nhiều hộ gia đình phụ nữ đã giảm bớt khó khăn, có hộ đã thoát nghèo, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, giữ vững ổn định an ninh biên giới.
 
Tuy nhiên, quá trình thực hiện chương trình vẫn còn những khó khăn, vướng mắc, do các xã biên giới địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn nên công tác phối hợp khảo sát địa bàn, triển khai mô hình, kiểm tra, giám sát các hoạt động chưa được chặt chẽ, thường xuyên. Trình độ nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, đặc biệt thiếu kiến thức chăn nuôi, sản xuất; phong tục tập quán lạc hậu, thiếu ý thức vươn lên thoát nghèo, còn trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành...
 
Bà Nguyễn Minh Tâm, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, các cấp hội và các đồn biên phòng trên hai tuyến biên giới đã kêu gọi các nhà hảo tâm tặng quà, tặng khẩu trang, dung dịch sát khuẩn cho các gia đình khó khăn trị giá gần 47 triệu đồng.
 
Phát huy kết quả đã đạt được, thời gian tới, các cấp hội và các đồn biên phòng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các chính sách liên quan đến phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao kiến thức cho phụ nữ dân tộc khu vực biên giới; duy trì, xây dựng mới các mô hình sinh kế bền vững; nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức hội cơ sở cũng như vận động, hướng dẫn phụ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; đẩy mạnh các hoạt động an sinh xã hội cùng nhiều hoạt động khác…
 
Theo thống kê của Hội LHPN tỉnh, trong khuôn khổ chương trình ĐHCPNBC giai đoạn 2018-2020, Hội LHPN tỉnh và Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh đã huy động sự hỗ trợ của các cấp, ngành, doanh nghiệp, nhà hảo tâm ở trong và ngoài tỉnh cho các xã biên giới được trên 6 tỷ đồng để thực hiện các hoạt động như: hỗ trợ xây dựng mái ấm tình thương,  xây dựng phòng học, hệ thống nước sạch, tặng máy móc sản xuất nông nghiệp... Chương trình còn triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa, mang tính bền vững cao và có sức lan tỏa đến với nhân dân địa bàn biên giới như: “Xuân ấm áp, Tết vì người nghèo”, “Biên cương vui hội trăng rằm”, “Tết yêu thương”, “Tết ấm biên cương”...
 
Phạm Hà