Tai nạn đuối nước ở trẻ em: Cần những giải pháp quyết liệt, đồng bộ để phòng ngừa

  • 14:44 | Thứ Tư, 16/06/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, cảnh báo nhưng tình trạng trẻ em bị tử vong do tai nạn đuối nước (TNĐN) vẫn còn xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Làm thế nào để hạn chế thấp nhất TNĐN cho trẻ; làm thế nào để việc phổ cập bơi cho trẻ mang lại hiệu quả thiết thực... là những câu hỏi cần được giải đáp kịp thời để nhanh chóng chấm dứt tình trạng TNĐN thương tâm ở trẻ em.
 
Tai nạn thương tâm liên tiếp xảy ra
 
Chắc hẳn nhiều người vẫn còn nhớ câu chuyện TNĐN đau lòng xảy ra ngày 23-5-2019, khi chỉ trong vòng 1 ngày, TNĐN đã cướp đi sinh mạng của 5 em học sinh trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, ngày hôm đó, có 8 em học sinh rủ nhau ra sông Gianh (đoạn qua xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch) để tắm, không may 3 em học sinh nữ lớp 6 đã bị đuối nước tử vong. Cũng trong chiều cùng ngày, 2 em học sinh tiểu học khác ở bản La Trọng (xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa) đã bị chết đuối khi tắm tại thượng nguồn sông Gianh.
 
Mới đây, vào ngày 18-5-2021, 3 em học sinh (2 em ở huyện Lệ Thủy, 1 em ở huyện Tuyên Hóa) được nghỉ học về nhà ông bà ngoại ở xã Tân Thủy, huyện Lệ Thủy chơi. Rất đáng tiếc, trong lúc ông bà bận việc, các em đã tự ý mở cửa ra ao cá sau nhà chơi, không may bị rơi xuống ao và tử vong.
 
Theo số liệu thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), từ năm 2015 đến tháng 5-2021, số trẻ em bị TNĐN tăng khá nhiều. Năm 2015, toàn tỉnh có 17 em tử vong do đuối nước, năm 2016 có 36 em, năm 2017 có 32 em, năm 2018 có 18 em, năm 2019 có 41 em, năm 2020 có 26 em và 5 tháng đầu năm 2021 có 16 em.
Hoạt động dạy kỹ năng an toàn dưới nước và bơi lội được Trường tiểu học Chu Văn An triển khai hiệu quả.
Hoạt động dạy kỹ năng an toàn dưới nước và bơi lội được Trường tiểu học Chu Văn An triển khai hiệu quả.
Ông Trịnh Đình Dương, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho biết, TNĐN ở trẻ em có nhiều nguyên nhân, nhưng qua thống kê các trường hợp tử vong do TNĐN trên địa bàn tỉnh thì chủ yếu do các nguyên nhân cơ bản, như: thiếu sự quan tâm, giám sát của gia đình, nhà trường, cộng đồng và xã hội.
 
Các em chưa thực sự ý thức về sự nguy hiểm của việc tắm biển, sông, suối; mặt khác, hệ thống biển báo, cảnh báo nguy hiểm ở các khu vực có nguy cơ cao xảy ra đuối nước chưa được các địa phương, cơ sở quan tâm đúng mức; trong khi đó, địa hình của tỉnh có nhiều ao, hồ, sông, suối; khí hậu khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài.
 
Những TNĐN thường tập trung tại một số địa phương còn gặp nhiều khó khăn, có nhiều sông suối, thiếu các điểm vui chơi giải trí, hồ bơi cho trẻ em, học sinh, như các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Bố Trạch… Số lượng bể bơi kiên cố đạt chuẩn của tỉnh còn rất hạn chế.
 
Bên cạnh đó, trẻ em còn thiếu kỹ năng bơi lội và các kỹ năng an toàn, cứu bạn, ít có khả năng phòng tránh các hiểm họa trong môi trường nước nên không tự bảo vệ được bản thân và các bạn. Tỷ lệ trẻ em biết bơi đạt thấp. Hiện nay, tỷ lệ học sinh bậc tiểu học trên địa bàn tỉnh biết bơi an toàn mới đạt khoảng 10-12%.
 
Cần có giải pháp quyết liệt, đồng bộ
 
Tình trạng TNĐN ở trẻ em ngày càng gia tăng về số vụ lẫn số người chết. Nỗi đau, mất mát do TNĐN mãi là nỗi ám ảnh, khó có thể xoa dịu theo thời gian và không có gì bù đắp được. Để không phải chứng kiến những vụ tai nạn sông nước thương tâm đối với trẻ em rất cần sự chung tay của toàn xã hội.
 
Những năm gần đây, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh ta đã nỗ lực thực hiện chủ trương phổ cập bơi cho học sinh bậc tiểu học nhằm hạn chế tối đa những TNĐN. Trường tiểu học Chu Văn An (TP. Đồng Hới) là một trong những trường chú trọng đưa môn bơi vào chương trình dạy học và mang lại hiệu quả cao.
Với địa hình nhiều sông, suối, nguy cơ TNĐN sẽ luôn tiềm ẩn đối với trẻ em.
Với địa hình nhiều sông, suối, nguy cơ TNĐN sẽ luôn tiềm ẩn đối với trẻ em.
Bà Đặng Thị Trà, Hiệu trưởng Trường tiểu học Chu Văn An cho biết: “Với mục tiêu giúp học sinh phát triển toàn diện, nhà trường đã đưa bộ môn bơi lội vào thời khóa biểu chính khóa cho học sinh từ khối 1 đến khối 5. Trường cũng thành lập câu lạc bộ ngoài giờ lên lớp để học sinh có cơ hội phát triển năng khiếu bơi lội. Nhằm bảo đảm các điều kiện tốt nhất cho việc tổ chức dạy học, trường đã không ngừng đầu tư xây dựng và nâng cấp các hạng mục bể bơi, các phòng tắm trong khu vực bể bơi; kiểm tra, chuẩn bị kỹ càng bể bơi trước mỗi giờ học để bảo đảm an toàn cho học sinh”.
 
Nhờ được trang bị và rèn luyện thường xuyên những kỹ năng an toàn dưới nước và bơi lội, những năm qua, Trường tiểu học Chu Văn An không có học sinh gặp TNĐN, các em luôn ý thức và hiểu rõ cách xử lý khi tiếp xúc với các nguồn nước, như: ao, hồ, biển, sông, suối... và còn trở thành những tuyên truyền viên tích cực trong việc phòng tránh TNĐN với các thành viên trong gia đình và người thân.
 
Việc phổ cập bơi cho học sinh tiểu học và THCS là rất cần thiết và cấp bách. Cùng với Trường tiểu học Chu Văn An, một số trường học ở TP. Đồng Hới và các địa phương lân cận đã bắt đầu đưa môn bơi và kỹ năng phòng, chống TNĐN ở trẻ vào dạy học. Tuy nhiên, việc triển khai rộng rãi chủ trương này tại các trường học vẫn còn gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí đầu tư xây dựng bể bơi, nhiều trường học, địa phương chưa thực sự quan tâm thực hiện…
 
Huyện Quảng Ninh là địa phương có địa hình đủ cả biển, sông, suối, ao, hồ, tiềm ẩn nguy cơ TNĐN ở trẻ rất cao. Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn huyện đã có 19 trường hợp trẻ bị tử vong do TNĐN. Bà Phạm Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Quảng Ninh cho biết, để ngăn ngừa tình trạng TNĐN ở trẻ em, hàng năm, Hội Chữ thập đỏ huyện đã có các lớp tập huấn đuối nước cho các trường học (bậc tiểu học và THCS); phối hợp với Phòng GD-ĐT, Đoàn Thanh niên tổ chức dạy bơi an toàn. Bên cạnh đó, hội cũng phối hợp với một số dự án đầu tư xây bể bơi tại trường học để học sinh có chỗ tắm, vui chơi, hạn chế việc ra sông suối; phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh trao 300 chiếc áo phao cho xã Hải Ninh…
 
Đặc biệt, trong năm 2021, với sự hỗ trợ của Dự án Bơi an toàn Swim for life, hội đã triển khai hoạt động cắm 32 biển cảnh báo chống đuối nước tại 4 xã vùng giữa, gồm: Hiền Ninh, Duy Ninh, Hàm Ninh và Tân Ninh. Dự án Swim for life cũng đã tổ chức hoạt động truyền thông về kỹ năng bơi an toàn và chống đuối nước cho học sinh tiểu học tại xã Tân Ninh và Hàm Ninh.
 
Được biết, ngoài việc triển khai hoạt động cắm biển cảnh báo, tuyên truyền ở huyện Quảng Ninh, Dự án Bơi an toàn Swim for life cũng triển khai hoạt động này ở các huyện Lệ Thủy, Quảng Trạch và TX. Ba Đồn. Đây là hoạt động ý nghĩa nhằm góp phần nâng cao kỹ năng bơi an toàn, chống đuối nước cho trẻ.
 
Ông Trịnh Đình Dương, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho biết, thời gian qua, UBND tỉnh, các sở, ngành, đoàn thể đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống tai nạn thương tích, đặc biệt là TNĐN trẻ em. Để tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống TNĐN ở trẻ, Ban Điều hành bảo vệ trẻ em đã có Công văn số 444/SLĐTBXH-BĐH, ngày 20-4-2021 về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống TNĐN trẻ em; UBND tỉnh có Công văn số 871/UBND-NCVX, ngày 28-5-2021 về việc tăng cường thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
 
Các công văn đã có các nội dung chỉ đạo liên quan đến việc phòng, chống TNĐN, như: tiếp tục rà soát, phát hiện kịp thời các khu vực hồ ao, sông ngòi… nguy hiểm thường xảy ra TNĐN hoặc có nguy cơ xảy ra TNĐN để có biện pháp chủ động phòng ngừa, bảo đảm an toàn cho trẻ em; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước trẻ em đến từng trường học, lớp học, thôn, xóm, bản, làng; vận động gia đình thường xuyên quan tâm, trông giữ, giám sát trẻ, tránh nguy cơ TNĐN. Bên cạnh đó, các cấp, ngành cần quan tâm hỗ trợ trang thiết bị, cơ sở vật chất để dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em…
 
Lê Mai