Kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2021):

Nhà báo và triết lý… pha trà!

  • 08:41 | Thứ Hai, 21/06/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nếu bản thân nhà báo là một loại trà thì môi trường khó khăn, thử thách của người làm báo chính là… nước sôi, để nếu được tôi luyện và trưởng thành trong môi trường này, nhà báo sẽ tặng cho đời và cho chính mình những tách trà. Và muốn có tách trà ngon, hữu ích cho đời, trách nhiệm của mỗi nhà báo là phải luôn rèn luyện, tu dưỡng để bản thân là một loại trà có đầy đủ hương vị, sẵn sàng đương đầu với thử thách, gian khó nhưng vẫn giữ được phẩm chất thanh tao, đạo đức trong sáng của nhà báo, nghề báo!
 
Dù chỉ là hình ảnh so sánh trong câu chuyện lúc nhàn tản bên tách trà của chúng tôi lúc nói về nghề, về bản thân, về đồng nghiệp, nhưng ngẫm kỹ, sự so sánh này khá đúng. Nếu ví nhà báo là một loại trà, thì những hương vị nhất thiết phải có chính là sự trung thực, tử tế, khách quan, dũng cảm, lòng bao dung, tâm hồn trong sáng, đồng cảm, biết vì lợi ích chung, không ngừng học hỏi… cùng nhiều phẩm chất khác nữa.
 
Theo thời gian, môi trường của nhà báo, nghề báo dần thay đổi. Những thế hệ làm báo đi trước được tôi luyện và trưởng thành trong chiến tranh, giữa bom rơi đạn nổ, bản lĩnh của nhà báo thể hiện rõ hơn ở lằn ranh mong manh giữa sống và chết. “Tách trà” mà những người làm báo anh dũng thời ấy tặng cho cuộc sống chứa đựng tinh thần quả cảm, sự dấn thân và sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc.
 
Tiếp đó là thế hệ những anh chị làm báo ở giai đoạn đất nước vừa bước ra khỏi cuộc chiến với đầy thương tích. Họ làm báo trong sự thiếu thốn đủ bề “cơm áo không đùa với khách thơ” nhưng những tác phẩm của họ vẫn mang đầy hơi thở cuộc sống. Họ nỗ lực không ngừng nghỉ để vượt lên những khó khăn, gian khổ, thiếu thốn để báo chí thực sự là tấm gương phản ánh và làm lan tỏa những điều đẹp đẽ của cuộc sống…
 
Thế hệ chúng tôi, môi trường làm báo có nhiều thuận lợi, nhưng cũng đầy những cạm bẫy, khó khăn và cám dỗ. Đó là trước những thông tin ngồn ngộn trên mạng xã hội, có những nhà báo sẵn sàng nhặt nhạnh và cho ra đời những bài viết vô thưởng vô phạt, thậm chí gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội.
 
Đó là những “viên đạn bọc đường” trong cuộc chiến chống tiêu cực mà có nhà báo đã đầu hàng bởi không chống lại được sự cám dỗ ngọt ngào. Đó là sự khó khăn khi đối diện với những vấn đề nhạy cảm, đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc, tình yêu và trách nhiệm với nghề. Hay giản đơn là trong thiên tai, bão lũ, hoàn cảnh tác nghiệp đầy hiểm nguy, bất trắc. Đó còn là sự cạnh tranh khốc liệt về thông tin, để nhiều nhà báo, tờ báo phải chạy đua với mạng xã hội, với các báo bạn để có thông tin nhanh nhạy, kịp thời, chính thống nhất…
 
Có một câu hát, rằng “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai” đúng với nhiều nghề, đặc biệt là nghề báo. Nên bên cạnh những nhà báo sẵn sàng dấn thân, không ngại khó, ngại khổ xông pha đến những nơi nguy hiểm, khó khăn nhất, thì cũng có những nhà báo luôn chọn việc nhẹ nhàng hoặc thoái thác trách nhiệm.
và trong đợt mưa lũ tháng 10-2020
Nhà báo tác nghiệp trong đợt mưa lũ tháng 10-2020.
Có những nhà báo tâm huyết với nghề nghiệp, động cơ trong sáng, vì sự tốt đẹp của cuộc sống, thì có không ít nhà báo đi ngược lại tôn chỉ, mục đích và sứ mệnh của nhà báo, nghề báo chỉ vì động cơ cá nhân và những lợi ích không chính đáng của bản thân. Lại có nhà báo ảo tưởng về quyền lực của nghề báo, tự đặt mình lên trên những quy định, nguyên tắc của pháp luật và cuộc sống mà tất cả mọi người đều cần phải tuân thủ. Nên bên cạnh niềm tin mà bạn đọc dành cho nhà báo, nghề báo, đã có không ít sự thất vọng, phai nhạt niềm tin...
 
Nhà báo lão thành Hữu Thọ từng khẳng định, trung thực là yêu cầu số một của báo chí, nó cũng là đạo đức nghề nghiệp. Bác Hồ, người thầy của báo chí, cũng là một nhà báo, căn dặn: Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Đó là những bài học mà mỗi một nhà báo không được phép quên, để khi đặt bút viết bất cứ một bài báo nào, yêu cầu trung thực phải đặt lên hàng đầu.
 
Sự thiếu trung thực của nhà báo, tác phẩm báo chí ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống xã hội bởi đặc tính của báo chí đối với sự tiếp cận của bạn đọc. Thiệt hại về vật chất có thể đong đếm, khắc phục được, nhưng thiệt hại về tinh thần, sự suy giảm, mất niềm tin với nhà báo, nghề báo, với cuộc sống là khó có thể bù đắp.
 
Nên nếu ví nhà báo là một loại trà, thì nhất định phải là loại trà quý với đầy đủ hương vị vốn có của trà. Tiếp theo sự trung thực là rất nhiều những phẩm chất khác mà nhà báo bắt buộc phải có như sự tử tế, khách quan, dũng cảm, lòng bao dung, tâm hồn trong sáng, đồng cảm, biết vì lợi ích chung…
 
Vì lợi ích chung, dù là những tác phẩm đấu tranh chống tiêu cực, phê phán những thói hư, tật xấu, nhà báo cũng sẽ có cách nhìn xây dựng và hướng thiện. Những thông tin mà nhà báo, tờ báo đưa ra sẽ chứa đựng những thông điệp tích cực, cân nhắc sự lợi - hại đối với công chúng, tác động với đời sống xã hội, thay vì “giật gân, câu khách” hay vì mục tiêu, lợi ích cá nhân như một số nhà báo, tờ báo hiện nay.
 
Cuộc sống không ngừng biến đổi, kéo theo sự thay đổi của môi trường hoạt động của báo chí. Do đó, bên cạnh những phẩm chất cốt lõi, mỗi một nhà báo cần không ngừng học tập, trau dồi, bổ sung kiến thức để thích ứng với yêu cầu của nghề nghiệp trong từng giai đoạn. Không bằng lòng với chính mình, luôn sẵn sàng dấn thân, tôi luyện trong môi trường hiểm nguy, gian khó, nhà báo vẫn giữ vững bản lĩnh của mình và cho ra đời những tác phẩm báo chí hữu ích. Đó chính tách trà thơm, đắng và ngọt hậu mà nhà báo, nghề báo mang lại cho cuộc sống, cho bản thân mình!
 
Ngọc Mai