Người lính và cánh võng rừng

  • 15:42 | Thứ Sáu, 30/04/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong ngôi nhà ấm cúng tại làng Cổ Hiền, một trong "tứ danh hương" của huyện Quảng Ninh “Văn, Võ, Cổ, Kim”, một buổi sáng tháng tư lịch sử, khi ngày hội thống nhất non sông đang cận kề, chúng tôi được trò chuyện cùng ông, người thầy-người lính một thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai!”.
 
Bài ca bên cánh võng
 
“Ấy là vào những năm 1970 thế kỷ trước, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của
- Bài thơ “Chiếc võng rừng” của thầy giáo-người lính Trần Đình Mới viết năm 1971. Bài thơ “Chiếc võng rừng” của thầy giáo-người lính Trần Đình Mới viết năm 1971. 
dân tộc ta đang ở thời kỳ khốc liệt nhất, đặc biệt là chiến trường Trị-Thiên. Những người lính chúng tôi sống, chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn, chiến trường Quảng Trị đều thuộc lòng bài hát “Bài ca bên cánh võng” của nhạc sỹ-người lính Nguyên Nhung, sáng tác cũng trong khoảng thời gian này.”, người thầy-người lính già bắt đầu vào chuyện bằng những lời ca bên cánh võng.
 
Người thầy-người lính già ấy là Trần Đình Mới (sinh năm 1944), nguyên giáo viên Trường “Hai giỏi” Quảng Bình. Năm 1970, ông tạm xếp lại công việc nhà giáo xung phong ra mặt trận, vì ở chiến trường miền Nam, thầy Trần Đình Mới có anh, có bố vợ và lớp lớp thanh niên đồng trang lứa như mình đang chiến đấu, tất cả cho Tổ quốc liền về một mối, Nam-Bắc sum họp một nhà.
 
“Người lính chúng tôi ra chiến trường, hành trang ngoài cây súng còn có thêm chiếc võng làm bạn. Võng như là tri kỷ, tri ân không thể tách rời dấu chân người lính. “Bài ca bên cánh võng” của nhạc sỹ Nguyên Nhung cũng đã “nói giùm” tất cả tình cảm trân quý của người lính chúng tôi với chiếc võng nơi chiến trường.”, người lính già Trần Đình Mới tâm sự.
 
Dù thầy giáo, người lính trẻ năm xưa ấy giờ đây tóc râu đều bạc, nhưng kỷ niệm về chiến trường, về tình yêu và những kỷ vật thiêng liêng thì vẫn còn theo suốt chặng đường dài. Đang say chuyện, thầy giáo già Trần Đình Mới dừng lại… Câu chuyện quanh chiếc võng Trường Sơn bất chợt chùng xuống, tiếng thầy giáo già Trần Đình Mới bâng khuâng: “Rất tiếc, chiếc võng chiến trường gắn liền với bác nay không còn, chỉ còn lại một bài thơ cũng về cánh võng bác viết trên đường Trường Sơn, nơi chiến trường Quảng Trị để tri ân kỷ vật thiêng liêng này!”.
 
“Chiếc võng rừng”-kỷ vật cha tặng cho con
 
Ông Trần Đình Mới xây dựng gia đình với bà Nguyễn Thị Quỳnh (sinh năm 1944), quê ở xã Diễn An, huyện Diễn Châu (Nghệ An). Bố vợ ông tên Nguyễn Đình Kỳ (sinh năm 1920), nguyên cán bộ cao cấp của Cục Tiền phương, Đoàn 559-Bộ đội Trường Sơn, từng là chiến sỹ Điện Biên, tham gia hai cuộc chiến vệ quốc thần thánh của dân tộc.
 
Năm 1970, ông Trần Đình Mới vào chiến trường Quảng Trị. Đến năm 1971, trong một lần hành quân trên đường Hồ Chí Minh, ông Mới bất ngờ gặp bố vợ là ông Nguyễn Đình Kỳ. Nơi chiến trường khốc liệt, “giữa hòn tên mũi đạn”, ông Nguyễn Đình Kỳ thân thương tặng cho con rể chiếc võng-trở thành người bạn tri kỷ theo ông suốt dặm trường chinh dài.
Ông Trần Đình Mới và người vợ hiền- cô giáo Nguyễn Thị Quỳnh đầm ấm, hạnh phúc bên nhau.
Ông Trần Đình Mới và người vợ hiền- cô giáo Nguyễn Thị Quỳnh đầm ấm, hạnh phúc bên nhau.
Cha con gặp nhau được chút thời gian ngắn ngủi, chia tay rồi mỗi người đều cuốn theo nhiệm vụ riêng. Nhận chiếc võng từ bố vợ trao, ông Trần Đình Mới xem như kỷ vật thiêng liêng của đời mình. Đêm đó, giữa rừng Trường Sơn, mắc tấm võng bố vợ cho, nằm đung đưa theo từng nhịp võng, trân trọng, nhớ thương tình cảm của người bố, nhớ quê hương, nhớ người thân…, bất chợt từng lời thơ hiện lên trong tâm trí ông. Ông vùng dậy, bấm đèn pin, lấy tấm tăng trùm kín để bảo đảm bí mật chiến trường rồi tốc ký ghi trọn vẹn bài thơ. Bài thơ có tựa đề “Chiếc võng rừng”:
 
“Thầy tôi đi chiến trường xa/Gửi lại chiếc võng làm quà cho tôi/Tôi cầm chiếc võng bồi hồi/Mà nghĩ đến võng thầy tôi năm nào/Trường Sơn vực thẳm núi cao/Bạn đường khăng khít cùng vào tiền phương/Mỗi khi nghỉ lại bên đường/Võng ru, võng ấp yêu thương vô vàn/Võng người đâu quản gian nan/Khe Sanh, Dốc Miếu giặc tan, giặc hàng/Võng ơi! ta quý vô vàn/Võng theo ta lại lên đường hôm nay/Võng ru ta dưới ngàn cây/Những ngày nắng hạ trời đầy trăng sao/Võng ấp ta ấm khi nào/Mùa đông lạnh gió mưa ào ào tuôn/Võng cùng ta vượt Trường Sơn/Cho ta nối tiếp con đường ông cha/Ta đi là để quê nhà/Xanh ngắt đồng lúa, con ta đến trường/Võng người mang nặng tình thương/Của cha của cả hậu phương đang chờ/Sáng nay con viết bài thơ/Lòng con rạo rực trước giờ hành quân/Nối gót thầy con vững đôi chân/Tiến lên cùng với đoàn quân diệt thù”.
 
Tròn 50 năm, chiếc võng kỷ vật-tình cha con-nghĩa chiến trường trao gửi giữa ông Nguyễn Đình Kỳ và con rể Trần Đình Mới tuy không còn nữa nhưng bài thơ ngày nào ông viết vẫn theo ông cho đến tận bây giờ, để mỗi lúc con cháu sum vầy, ông lại đọc, nhắc nhớ những kỷ niệm như chưa hề phôi phai.
 
Và như lời thơ của một nhà thơ đã khuất: “Anh lính trẻ năm xưa, giờ đã bạc tóc râu/Mọi lẽ dại, điều khôn đã vùi sâu vào lớp tầng trầm tích/… Những lúc buồn vẫn mở ra xem/Ký ức quay về thuở xẻ dọc Trường Sơn” thì ông Trần Đình Mới vẫn luôn trọn vẹn ký ức về chiếc võng, về chiến trường, về đồng đội, đồng chí đã ngã xuống… và về chân lý bình dị của những người lính như ông bình thản đi vào cuộc chiến: “Võng cùng ta vượt Trường Sơn/Cho ta nối tiếp con đường ông cha/Ta đi là để quê nhà/Xanh ngắt đồng lúa, con ta đến trường”…
 
Hương Trà