Chuyện của mẹ

  • 10:08 | Thứ Sáu, 30/04/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi đã về thăm, chuyện trò cùng Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) Nguyễn Thị Can (thôn Thế Lộc, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh).
 
Mẹ Nguyễn Thị Can sinh năm 1922 tại xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Trong những lần vận chuyển gạo lên vùng chiến khu Rào Trù (xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh), cô thôn nữ  Nguyễn Thị Can khi ấy đã nên duyên cùng anh Xã đội trưởng Nguyễn Văn Mịch (quê ở xã An Thủy, huyện Lệ Thủy). 
Những lúc nhớ chồng, nhớ con, mẹ lại thắp hương, lần giở từng kỷ vật xưa cũ.
Những lúc nhớ chồng, nhớ con, mẹ lại thắp hương, lần giở từng kỷ vật xưa cũ.
Niềm hạnh phúc ngắn ngủi, mẹ Can bàng hoàng khi nhận được tin chồng mình hy sinh khi đang làm nhiệm vụ. Máy bay giặc càn quét dội bom vùi lấp cả căn hầm nơi mà ông Mịch cùng đồng đội đóng quân. Mẹ nén nỗi đau, vừa nuôi con, vừa tham gia phục vụ cách mạng. Noi gương cha mình, những người con của mẹ là Nguyễn Thế Chiến, Nguyễn Thế Chuyên, Nguyễn Thế Thông, Nguyễn Thị Hồng và Nguyễn Thị Tâm lần lượt xung phong ra trận khi tuổi đời vừa tròn mười tám, đôi mươi.
Những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác chăm lo cho thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng; trong đó công tác tri ân, chăm lo, phụng dưỡng các bà mẹ VNAH đã trở thành một chính sách lớn. Danh hiệu cao quý bà mẹ VNAH chính là sự ghi nhận của Tổ quốc đối với công lao trời biển và đức hy sinh vô bờ bến của mẹ trong cuộc chiến tranh giải phóng giành độc lập dân tộc. Những việc làm thiết thực, từ phong trào “Áo lụa tặng bà” của thiếu nhi cả nước, phong trào “Tấm chăn tặng mẹ” của các tổ chức, đoàn thể xã hội đến việc xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa, đăng ký chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời những bà mẹ VNAH chính là sự tri ân, lòng biết ơn của thế hệ hôm nay đối với những mất mát, hy sinh của mẹ.
 
Nhớ lại lúc tiễn người con trai lớn Nguyến Thế Chiến lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, mẹ Can nghẹn ngào: “Chiến hiếu thảo, thông minh. Học đến lớp 10, khi chỉ còn 3 tháng nữa là đến kỳ tốt nghiệp, Chiến và các bạn học đã tình nguyện xếp bút nghiên, xung phong lên đường nhập ngũ. Cùng đợt tòng quân hôm ấy có tổng cộng 30 người, riêng Chiến tham gia lực lượng thanh niên xung phong đóng quân tại Binh trạm 16.”
 
Ngày tiễn con lên đường ra trận, nơi bến đò quê, mẹ Can nắm tay con, bóp chặt, nghẹn ngào: “Dô hò…/Cờ hồng phấp phới bay xa/Con đi đánh giặc, nước nhà bình yên”. Mẹ hát, giấu nước mắt và nhớ thương vào trong, tỏ rõ sự mạnh mẽ để con trai yên tâm ra trận.
 
Năm 1968, mẹ Can đau đớn nhận tin con trai hy sinh khi vừa tròn 20 tuổi. Giấu nước mắt vào lòng, mẹ lại lặng thầm “chắt đau thương” thành “nhựa sống”, một lòng phục vụ cách mạng. Đáp lời Tổ quốc, mẹ lại tiếp tục tiễn đưa những người con khác lên đường ra trận.
 
Giờ đây, trong căn nhà nhỏ ở thôn Thế Lộc, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, mẹ Can đang sống cùng đứa con gái áp út và cháu ngoại. Dù đã gần trăm tuổi nhưng mẹ vẫn còn minh mẫn. Những lúc nhớ chồng, nhớ con, mẹ lại lần giở từng kỷ vật xưa cũ. Khóe mắt nhăn nheo, ngân ngấn nước, mẹ Can nhìn di ảnh chồng và con trai...
 
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những ngày tháng 4 lịch sử này, mỗi người con của đất mẹ Việt Nam đều sống chậm lại, sâu lắng hơn để chiêm nghiệm về lòng biết ơn, đức hy sinh, về lẽ sống, sự cống hiến của mẹ Can và những người mẹ anh hùng đã hiến dâng những gì quý giá nhất của đời mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Sự hy sinh đó là tài sản tinh thần vô giá, trường tồn cùng lịch sử dân tộc và lan tỏa trong lòng bao thế hệ mai sau.
 
 
Theo số liệu từ Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Quảng Bình đã xác lập, công nhận và quản lý gần 150.000 người có công với cách mạng với gần 14.000 liệt sỹ, trên 100 người tham gia kháng chiến được tặng thưởng huân chương, huy chương, trên 1.000 cán bộ lão thành cách mạng và cán bộ tiền khởi nghĩa, khoảng 20.000 thương bệnh binh và gần 1.000 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày…
 
Đặc biệt, đến nay, toàn tỉnh có hơn 1.300 bà mẹ được Đảng, Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu “Bà mẹ VNAH” và hiện có 15 mẹ còn sống. Sự hy sinh cao cả, kiên trung của các mẹ chính là tấm gương sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, cho các thế hệ mai sau đời đời ghi nhớ, tri ân.
 
Thanh Hải