Nhân kỷ niệm 58 năm Ngày Báo Quảng Bình ra số đầu tiên:

Lần đầu...

  • 08:05 | Thứ Bảy, 27/03/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhân kỷ niệm 58 năm Ngày Báo Quảng Bình ra số đầu tiên (27-3-1963 - 27-3-2021), chúng tôi nhớ lại những ngày gian khó và những “thao tác kỹ thuật”của nghề báo chỉ còn là kỷ niệm…
 
1. Năm 1992 khi đang công tác ở Văn phòng Hội Nhà báo tỉnh, một hôm, bác Nguyễn Văn Dinh, Phó Thư ký Hội Nhà báo tỉnh, Phó Tổng Biên tập Báo Quảng Bình là thủ trưởng trực tiếp của tôi, bảo viết báo đi. Tôi hỏi lại bác, viết về đề tài gì. Bác bảo cứ nhằm vô nông nghiệp, nông thôn mà “ghè”. Có lẽ, từ cái “định hướng” bất ngờ này của bác Dinh mà bài báo đầu tiên của tôi trên Báo Quảng Bình có nhan đề “Quả ớt, cây ngò” và sau này nông nghiệp, nông thôn cũng là lĩnh vực mà tôi có rất nhiều bài viết tâm huyết. 
Bức ảnh chuyển qua internet đăng trên số báo ra ngày 25-8-2006.
Bức ảnh chuyển qua internet đăng trên số báo ra ngày 25-8-2006.
Bài báo nói về chuyện làm ăn của một bà nông dân đã luống tuổi ở xóm Nam Lý (cũ). Với mảnh vườn nho nhỏ khoảng năm, bảy chục mét vuông trên đó là ớt chỉ thiên và cây ngò mà bà đã có thu hoạch kha khá, cải thiện đời sống gia đình... Tất nhiên, khi viết bài xong, tôi phải đưa “sư phụ” xem lại. Bác Dinh sửa khá nhiều nhưng ấn tượng nhất là cái kiểu “móc sót” như “rồng bay phượng múa” mà tôi chưa thấy và chưa làm thế bao giờ. Và tôi đã học theo cách làm đó suốt chặng đường làm báo khi còn sửa bài trên giấy. Nhuận bút bài viết này là mười nghìn đồng chẵn.
 
Sau bài báo này, tôi viết tiếp một số bài nữa, trong đó có một số bài cho chuyên mục “Mỗi tuần một chuyện”, “Chuyện thường ngày”, vài bài phóng sự viết chung với một phóng viên của Báo Quảng Bình... Tháng 2-1995, tôi mới chuyển hẳn qua Báo Quảng Bình làm phóng viên.
 
2. Cuối năm 1995, tôi được giao nhiệm vụ đưa tin, ảnh về một lễ trọng ở huyện Bố Trạch. Thời gian này, cơ quan Báo Quảng Bình có phóng viên chuyên về ảnh. Nhưng tôi thử “phá lệ” xem sao, liền mượn máy ảnh của một đồng nghiệp, liều mạng đi chụp. Tất nhiên, tôi cũng đã được ông bạn kia hướng dẫn cụ thể việc chụp ảnh và nói trong máy còn phim khá đấy. Khi ra đến nơi tác nghiệp, thấy còn thời gian và cũng “ngứa tay”, liền giơ máy lên chụp hai pô.
 
Đến khi sự kiện diễn ra, tôi chọn góc chụp xong liền lên phim, thì ôi thôi nó cứng ngắc! Máy ảnh hư à, hay mình thao tác lỗi chỗ nào? Một loạt câu hỏi rơi vào bế tắc. Thôi thì chịu xấu hổ một chút, đi hỏi mấy tay chụp ảnh chuyên nghiệp gần đó. Anh em phán một câu làm mình giật cả người và xấu hổ hết chỗ nói: Hết phim! Té ra máy chỉ có vỏn vẹn 2 cái phim. Trở về trong ấm ức, tại sao cậu kia lại không nói rõ là chỉ có chừng ấy phim để mình tính toán phù hợp.
 
Nhưng rồi khi nhớ lại cái quy trình “phim với ảnh” thời đó mới ngộ ra, chính người cho mượn máy ảnh cũng chẳng đoán được trong máy còn 2 hay 5 cái phim. Đó là một cuộn phim chụp, cắt, nối cả năm, bảy lần. Thôi thì một lần gặp chuyện rủi ro, được coi là tai nạn nghề nghiệp vậy. Tất nhiên sau đó, xoay xở để có cái ảnh cho bài viết khốn khổ vô cùng.
 
3. Tháng 8-2006, tôi đi với đoàn của lãnh đạo tỉnh và huyện Lệ Thủy ra mừng thượng thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tròn 95 tuổi tại Hà Nội. Thời kỳ này, khi phóng viên đi tác nghiệp dù gần hay xa sau khi về cơ quan mới đưa bài cho bộ phận biên tập. Về việc viết bài thì phần lớn phóng viên vẫn đang viết bài trên giấy, một số ít “có điều kiện” mới bắt đầu sử dụng máy tính bàn để viết tin, bài…
 
Chỉ có điều, bài viết xong cho vào ổ cứng về đưa tòa soạn, chứ chưa gửi bài qua mail, tất nhiên tôi cũng vậy. Vì vậy mới có chuyện hơi “ngây ngô” này. Đó là khi đi mừng thọ Đại tướng xong, mọi người trong đoàn đi thăm thú các nơi còn tôi đến một quán internet gần chỗ khách sạn để nhờ chuyển bài, ảnh về tòa soạn. Khi vào, tôi trình bày việc của mình với cậu chủ quán, cậu ta hỏi lại tôi, hộp thư anh là gì?
 
Tôi ngớ ra, hộp thư, tôi làm gì có thứ đó. Nhưng rồi tôi chợt “thông minh” lên, nghĩ hay là mình chưa có thứ đó nhỉ, liền nói liều thì cậu dùng hộp thư cậu đi. Té ra nó cũng chỉ đơn giản vậy. Thế là tôi đọc cho cậu chủ quán đánh máy tin, ảnh thì coppy từ máy ảnh vào, sau 30 phút là chuyển được về nhà, kịp ra số báo cuối tuần rất hoành tráng đúng ngày sinh của Đại tướng.
 
“Thời gian thấm thoắt thoi đưa”, mới đó mà những chuyện cũ đã trở nên quá cũ, có những thao tác “kỹ thuật” nghề báo chỉ còn là kỷ niệm. Thế hệ phóng viên bây giờ làm việc “trong lòng bàn tay” từ viết tin, bài đến chụp ảnh và dù ở bất cứ nơi nào cũng có thể chuyển tin tức về tòa soạn trong chớp mắt. Báo Quảng Bình cũng đã qua cái thời “thanh xuân” và đang sắp bước tới tuổi hoa giáp chi niên…
 
                                                                                       Văn Hoàng