Chú trọng đào tạo và hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn

  • 08:43 | Thứ Hai, 29/03/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhằm mang đến nhiều cơ hội việc làm, tạo ra nhiều sản phẩm giá trị trên thị trường, giúp các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn ngày càng phát triển, mở rộng sản xuất, thời gian qua, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Quảng Bình (Sở Công thương) đã chú trọng nâng cao chất lượng công tác đào tạo, hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh.
 
Hoạt động hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề, nâng cao tay nghề được trung tâm thực hiện theo các hình thức, như: liên kết giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp (đào tạo nghề may công nghiệp, mây xiên...); cơ sở tự đào tạo nghề, truyền nghề (đào tạo nghề nón lá, chổi đót, mây xiên, mộc mỹ nghệ, cơ khí, chế biến thủy sản...); mời chuyên gia đào tạo nghề, truyền nghề, nâng cao tay nghề và phát triển nghề mới (đào tạo lao động cho nghề mây xiên xuất khẩu).
 
Giai đoạn 2015-2020, hoạt động khuyến công đã hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề, nâng cao tay nghề và phát triển nghề cho 1.470 lao động. Nhìn chung, các lớp đào tạo nghề do trung tâm tổ chức đã được nâng cao về chất lượng, nội dung đào tạo, với phương pháp cầm tay, chỉ việc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động tiếp cận với kỹ thuật cơ bản, từ đó áp dụng vào thực tiễn sản xuất của gia đình. 
 
Làng nghề mây tre đan, nón lá Quảng Văn, TX. Ba Đồn thời gian qua đã tạo việc làm cho khoảng 1.500 lao động tại địa phương với mức lương trung bình từ 3-4 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, tay nghề của nhiều lao động vẫn còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của các chủ cơ sở thu mua sản phẩm.
 
Nhằm nâng cao tay nghề cho lao động địa phương, năm 2017, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Quảng Bình đã phối hợp với chính quyền địa phương mở 2 lớp tập huấn về nghề mây tre đan lục giác, thu hút được 60 lao động tại địa phương tham gia. Nhờ lớp tập huấn mà tay nghề của các học viên được nâng cao, có cơ hội tiếp cận với máy móc, thiết bị hiện đại để áp dụng vào sản xuất… Từ đó, sản phẩm mây tre đan lục giác từ bàn tay của những người lao động nông thôn không chỉ được thị trường trong nước ưa chuộng mà còn được các doanh nghiệp tiêu thụ ra nước ngoài.
 
Bà Phạm Thị Quý, thôn La Hà Tây, xã Quảng Văn cho biết: "Nhờ lớp đào tạo mà tôi đã nâng cao được tay nghề, làm nhanh hơn, đẹp hơn, hạn chế và sửa được lỗi khi đan. Đặc biệt, hoàn thành lớp đào tạo, tôi đã hoàn thiện được tấm mây tre đan lục giác trong khi trước đây tôi chỉ đan được phần thô".
 
Ngoài mô hình đan mây tre, nón lá ở Quảng Văn, một số mô hình đào tạo nghề đạt hiệu quả cao và được triển khai trên diện rộng, như: mô hình làm hàng thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu song mây, mô hình thêu ren trên nón cho hội viên phụ nữ tại huyện Lệ Thủy; mô hình đào tạo nghề may công nghiệp cung cấp nguồn lao động có tay nghề cao cho các công ty may trên địa bàn tỉnh... Lao động sau khi được đào tạo nghề phần lớn được các cơ sở công nghiệp nông thôn tuyển dụng vào làm việc và có mức thu nhập phổ biến từ 3-5 triệu đồng/người/tháng.
Nhờ các lớp đào tạo nghề, nhiều lao động nông thôn ở xã Quảng Văn, TX. Ba Đồn đã được nâng cao tay nghề, tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp thu mua.
Nhờ các lớp đào tạo nghề, nhiều lao động nông thôn ở xã Quảng Văn, TX. Ba Đồn đã được nâng cao tay nghề, tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp thu mua.
Công tác đào tạo hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn của trung tâm đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, cơ cấu kinh tế của các địa phương, phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; qua đó, chung sức hoàn thành các tiêu chí của chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm của tỉnh.
 
Tuy nhiên, công tác đào tạo và hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn vẫn còn nhiều hạn chế, như: đối tượng lao động nông thôn tham gia học nghề không đồng đều về độ tuổi; trình độ nhận thức về tầm quan trọng của việc học nghề còn hạn chế nên khó khăn trong tổ chức đào tạo; số lượng lao động được đào tạo trong những năm qua còn thấp, chưa đạt được mục tiêu đề ra; một số lao động qua đào tạo nghề vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp do thời gian đào tạo còn ngắn; ngân sách bố trí cho chương trình đào tạo nghề còn hạn hẹp nên chưa thực hiện đồng bộ tất cả các nội dung theo yêu cầu đề ra…
 
Ông Lê Mậu Khánh, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Quảng Bình cho biết: "Quán triệt phương châm "Ly nông không ly hương", đào tạo nghề không chỉ giữ chân lao động làm việc tại quê hương mà còn tạo cơ hội để duy trì hoạt động sản xuất tại chỗ, duy trì và phát triển các làng nghề, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông thôn..., trong thời gian tới, trung tâm sẽ chủ động phối hợp với các cơ sở dạy nghề, các doanh nghiệp, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp tục mở các lớp đào tạo nghề và truyền nghề phù hợp với nhu cầu của địa phương và người lao động. Cụ thể, từ nay đến năm 2025, trung tâm sẽ cố gắng hỗ trợ mở 30 lớp đào tạo nghề cho 900 lao động theo nhu cầu của các cơ sở công nghiệp nông thôn; 17 lớp đào tạo nghề khác, như: nâng cao kiến thức cho cán bộ quản lý, nghệ nhân, thợ giỏi; đào tạo giảng viên, báo cáo viên; đào tạo khởi sự kinh doanh, quản trị doanh nghiệp… cho 600 học viên là lao động nông thôn..."
 
Thanh Hoa