Tập huấn "Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của doanh nghiệp trong phòng chống lao động cưỡng bức và mua bán người"

  • 19:59 | Thứ Sáu, 22/01/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong 2 ngày, 21 và 22-1, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tổ chức tập huấn “Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của doanh nghiệp trong phòng, chống lao động cưỡng bức và mua bán người”. Tham gia tập huấn có gần 30 học viên là cán bộ thuộc các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm liên quan, như: Sở LĐ-TB-XH, Hội Doanh nghiệp tỉnh, đại diện các doanh nghiệp cung ứng lao động, doanh nghiệp xuất khẩu lao động, doanh nghiệp có sử dụng nhân công nước ngoài hoặc nhân công từ địa phương khác…
 
Sở LĐ-TB-XH phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tổ chức tập huấn “Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của doanh nghiệp trong phòng, chống lao động cưỡng bức và mua bán người”.
Sở LĐ-TB-XH phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tổ chức tập huấn “Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của doanh nghiệp trong phòng, chống lao động cưỡng bức và mua bán người”.
 
Tại hội nghị, các đại biểu đã được phổ biến, tập huấn về các nội dung, như: khái niệm nô lệ thời hiện đại; xác định rủi ro của vấn nạn nô lệ thời hiện đại trong chuỗi cung ứng lao động đối với lao động di cư; lợi ích của hành động để xóa bỏ nô lệ thời hiện đại; chính sách và quy tắc ứng xử về nô lệ thời hiện đại; chiến lược tuyển dụng nhằm giảm thiểu rủi ro đối với nô lệ thời hiện đại… Từ đó, nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp liên quan trong thúc đẩy sự tham gia của người lao động và các bên thứ ba nhằm nỗ lực góp phần thay đổi nhận thức, xóa bỏ lao động cưỡng bức và mua bán người.
 
Đây là hoạt động nằm trong Dự án “Đấu tranh phòng chống mua, bán người và nô lệ thời hiện đại” (TMSV) do Chính phủ Vương quốc Anh tài trợ thông qua 3 tổ chức, gồm: Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), Hội đồng Anh và Tổ chức Tầm nhìn thế giới tại Việt Nam. Dự án được thực hiện tại 5 tỉnh, thành: Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình.
 
Mục đích của tập huấn là nâng cao nhận thức của các bên liên quan về nô lệ thời hiện đại, tính dễ bị tổn thương của lao động di cư đối với nô lệ thời hiện đại; quy trình tuyển dụng có đạo đức và tầm quan trọng của tuyển dụng có đạo đức trong việc phòng ngừa lao động cưỡng bức và mua bán người của doanh nghiệp.
 
Lớp tập huấn cũng là dịp để các học viên học hỏi, trao đổi kinh nghiệm hay, cách làm tốt và chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện hoạt động ở doanh nghiệp, góp phần thay đổi nhận thức về nô lệ thời hiện đại và mua, bán người.
 
N.L