Càng khó khăn, càng nỗ lực thi đua

  • 08:59 | Thứ Sáu, 29/01/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Năm 2020, dịch bệnh Covid-19 và thiên tai đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Quảng Bình và nhiều địa phương trong cả nước. Tuy nhiên, với tinh thần “càng khó khăn càng nỗ lực thi đua”, toàn tỉnh đã khắc phục hậu quả lũ lụt, kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, ổn định đời sống cho nhân dân.
 
Đồng chí Mai Xuân Toàn, Trưởng ban Thi đua-Khen thưởng (TĐKT) tỉnh cho biết: Để công tác TĐKT ngày càng đi vào chiều sâu, các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong tỉnh đã tập trung đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về công tác TĐKT và tổ chức nhiều phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực, bao quát toàn bộ lĩnh vực đời sống xã hội; đồng thời chú trọng việc xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến.
 
Toàn tỉnh đã tập trung triển khai và thực hiện hiệu quả phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới (NTM) với nhiều cách làm phù hợp với tình hình thực tiễn, bám sát nhiệm vụ trọng tâm, như: đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông nông thôn, đưa khoa học, công nghệ vào sản xuất, phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... 
Từ phong trào thi đua, nhiều tập thể, cá nhân vinh dự được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh và các cấp, các ngành tặng thưởng các danh hiệu thi đua cao quý. Ảnh: Anh Tuấn.
Từ phong trào thi đua, nhiều tập thể, cá nhân vinh dự được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh và các cấp, các ngành tặng thưởng các danh hiệu thi đua cao quý. Ảnh: Anh Tuấn.
Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình mới, sáng tạo mang lại hiệu quả cao như: các mô hình trồng dược liệu bằng phương pháp hữu cơ, trồng rau quả an toàn trong nhà lưới, nhà màng theo tiêu chuẩn VietGap, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, trồng rau an toàn bằng phương pháp thủy canh, áp dụng công nghệ cao trong nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát...
 
Đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 81/128 xã đạt chuẩn NTM (đạt 63,3%), trong đó có 12 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 25 khu dân cư kiểu mẫu và 147 vườn mẫu...
 
Phong trào “Doanh nghiệp Quảng Bình hội nhập và phát triển” tập trung vào các phương diện như: đổi mới quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh của doanh nghiệp; tăng doanh thu, lợi nhuận; cải tiến khoa học kỹ thuật; áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, kinh doanh… góp phần tạo động lực phát triển doanh nghiệp, tạo bước đột phát về chính sách, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng của tỉnh để phát triển kinh tế.
 
Với phương châm “Quảng Bình luôn đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp trong quá trình phát triển”, UBND tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh và các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI) được cải thiện đáng kể. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính (PAPI) nhiều năm liên tục đứng đầu cả nước, góp phần thu hút và triển khai tốt nhiều dự án đầu tư.
 
Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo-không để ai bị bỏ lại phía sau” đã phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và cộng đồng trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tinh thần chủ động sáng tạo của mỗi cá nhân, tập thể, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi chính sách, chương trình giảm nghèo của Đảng, Nhà nước.
 
Trong năm vừa qua, toàn tỉnh đã huy động được 23.747 tỷ đồng từ nguồn Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Cứu trợ, Quỹ An sinh xã hội để triển khai nhiều hoạt động như: hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn, xây dựng các công trình dân sinh; thăm, tặng quà cho gia đình chính sách, học sinh, sinh viên nghèo…
 
Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho thông điệp “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Qua đó, giúp người nghèo ổn định cuộc sống, vươn lên phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo bền vững và chung sức xây dựng NTM.
 
Nhằm giúp người dân giảm nghèo bền vững, công tác giáo dục nghề nghiệp được các cấp chính quyền và ngành chức năng chú trọng triển khai hàng năm; trong đó, ưu tiên hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số, người dân thuộc xã khó khăn, đặc biệt khó khăn, từng bước đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề…
 
Các tổ chức đoàn thể, địa phương đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động nhằm giúp đỡ cho đoàn viên, hội viên của mình như: “Mái ấm Công đoàn” (Liên đoàn Lao động tỉnh), “Mái ấm cho phụ nữ nghèo” (Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh), “Mái ấm đồng đội” (Hội Cựu chiến binh)...
 
Ngay tại mỗi thôn, bản, khu dân cư, bà con cũng đã có nhiều cách tương trợ, giúp đỡ nhau như: hỗ trợ cây, con giống, giúp đỡ ngày công lao động… Đây chính là những trợ lực tốt để người nghèo vượt qua thời điểm khó khăn.
 
Đặc biệt, trong đợt lũ lụt vừa qua, các địa phương vùng lũ nhận được rất nhiều sự quan tâm của các cấp, ngành và người dân trong cả nước. Sự giúp đỡ thiết thực, kịp thời đã giúp các hộ dân vùng lũ tu sửa lại nhà cửa, khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh, từng bước ổn định cuộc sống.
 
Phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Quảng Bình thi đua thực hiện văn hóa công sở” được các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh tập trung triển khai với nhiều nội dung, hình thức phong phú. Qua đó, xây dựng hình ảnh người cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp về chuyên môn, nghiệp vụ, chuẩn mực trong giao tiếp, ứng xử, tạo môi trường làm việc văn minh, hiện đại, chuyên nghiệp, trách nhiệm, minh bạch, hiệu quả, góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xây dựng Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân phục vụ.
 
Cùng với việc tổ chức tốt các phong trào thi đua, công tác phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến và công tác khen thưởng được tiến hành khá kịp thời, chính xác nên đã động viên, thúc đẩy các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên hăng hái thi đua thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
 
Từ phong trào thi đua, nhiều tập thể, cá nhân trong tỉnh vinh dự được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh và các cấp, ngành tặng thưởng các danh hiệu cao quý như: Huân chương Lao động các hạng, Huân chương Độc lập, cờ thi đua, bằng khen...
 
Kết quả đó là nền tảng, động lực để toàn tỉnh tiếp tục phát huy hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước nhằm khơi dậy tinh thần đoàn kết, tạo sự đồng thuận trong mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững ổn định chính trị, xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển.
 
Nh.V