Ý kiến của các sở, ban, ngành tại kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh khóa XVII

  • 10:20 | Thứ Năm, 10/12/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Công an tỉnh triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm
 
* Đại tá Nguyễn Tiến Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh
 
Trong năm 2020, Công an tỉnh đã hoàn thành triển khai đề án chính quy hóa lực lượng công an xã, từ đó bố trí lực lượng kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ ngay từ cơ sở; tổ chức nắm, theo dõi chặt chẽ hoạt động của các loại đối tượng, nhất là số đối tượng trọng điểm, các ổ, nhóm, đối tượng hoạt động liên quan “tín dụng đen”, đối tượng nghiện ma túy; siết chặt quản lý các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, quản lý cư trú, quản lý người nước ngoài; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo.
 Công an tỉnh phá thành công Chuyên án 0520TS, làm rõ nhóm đối tượng phá rừng, khai thác gỗ quy mô lớn tại xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh
Công an tỉnh phá thành công Chuyên án 0520TS, làm rõ nhóm đối tượng phá rừng, khai thác gỗ quy mô lớn tại xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh
Công an tỉnh đã thực hiện hiệu quả 2 đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, các kế hoạch chuyên đề về phòng, chống tội phạm; trong 11 tháng đã điều tra, khám phá 487/502 vụ phạm pháp chung, đạt tỷ lệ 97,01% (cao hơn 4,91% so với cùng kỳ), lập hồ sơ xử lý 1.144 đối tượng; đấu tranh thành công nhiều chuyên án, vụ án lớn, đánh mạnh, đánh trúng hàng chục đường dây, ổ, nhóm tội phạm hình sự, ma túy, kinh tế, tham nhũng…; khởi tố mới 585 vụ, 1.096 bị can; tiếp nhận, xử lý đối với 100% tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Đơn vị phối hợp chặt chẽ với TAND, VKSND nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, xử lý tội phạm, không để xảy ra tình trạng oan sai, bỏ lọt tội phạm.
 
Những kết quả trên thể hiện trách nhiệm, tinh thần quyết tâm đấu tranh, trấn áp mạnh mẽ các loại tội phạm của cán bộ, chiến sỹ Công an tỉnh Quảng Bình, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, bảo vệ tuyệt đối an toàn đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.
 
Thời gian tới, phát huy kết quả đạt được, lực lượng Công an tỉnh triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh quyết liệt, hiệu quả với các loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật. Trước mắt, triển khai đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ tuyệt đối an toàn Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, xứng đáng với niềm tin của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà.
 
T.M.V (thực hiện)
 
Tập trung nguồn lực khắc phục hậu quả mưa lũ, bảo đảm an toàn giao thông
 
* Đồng chí Phạm Quang Hải, TUV, Giám đốc Sở Giao thông vận tải
 
Đợt mưa lũ tháng 10-2020 đã gây thiệt hại nghiêm trọng trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó có nhiều công trình hạ tầng giao thông. Các tuyến đường trong tỉnh bị ngập lụt dẫn đến sạt lở, bong tróc, gây chia cắt, ách tắc, ảnh hưởng lớn đến việc lưu thông, đe doạ sự an toàn của người tham gia giao thông. Đặc biệt, trong thời điểm mưa lũ gây hậu quả nghiêm trọng, những tuyến đường bị ách tắc không chỉ cản trở giao thông mà còn làm chậm công tác cứu trợ, ảnh hưởng đến đời sống của người dân những vùng bị thiệt hại.
Lực lượng chức năng khẩn trương khắc phục các sự cố sạt lở trên tuyến quốc lộ 12A.
Lực lượng chức năng khẩn trương khắc phục các sự cố sạt lở trên tuyến quốc lộ 12A.
Trước thực trạng này, ngay khi mưa lũ tạm ổn, Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, Sở Giao thông vận tải (GTVT) đã chỉ đạo các đơn vị quản lý các tuyến đường khẩn trương rà soát, nắm tình hình thiệt hại, huy động mọi nguồn lực để thực hiện công tác khắc phục thiệt hại, bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của tỉnh, Sở GTVT đã ưu tiên cao nhất mọi nguồn lực, nỗ lực khắc phục kịp thời những hậu quả do mưa lũ gây ra đối với kết cấu hạ tầng giao thông.
 
Song song với nhiệm vụ trên, Ban ATGT tỉnh tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thành viên tăng cường các biện pháp bảo đảm trật tự ATGT trong mùa mưa lũ 2020; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng khắc phục khi xảy ra các sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt, cứu hộ, cứu nạn kịp thời, đặc biệt trong thời điểm Tết dương lịch và Tết Nguyên đán sắp đến, khi nhu cầu tham gia giao thông của người dân đang ngày càng tăng cao.
 
Đối với các đơn vị vận tải và đội ngũ lái xe, Ban ATGT tỉnh, Sở GTVT luôn quán triệt các phương án dự phòng để sẵn sàng ứng phó với những diễn biến phức tạp của thiên tai cũng như phòng ngừa, xử lý các tình huống nguy hiểm có thể xảy ra trong quá trình tham gia giao thông, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hành khách và tài sản.
 
 N.Mai (thực hiện)
 
Đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
 
* Đồng chí Đặng Đông Hà, Phó Giám đốc Sở Du lịch
 
Năm 2020, ngành Du lịch Quảng Bình dự kiến đón khoảng 5,5 triệu lượt khách, trong đó, có khoảng 350 nghìn khách quốc tế với tổng thu từ khách du lịch ước đạt 6.380 tỷ đồng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, du lịch Quảng Bình đã có sự sụt giảm lớn về lượng khách và tổng doanh thu.
 
Nhưng với sự chỉ đạo chặt chẽ và kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp tích cực của các cấp, ngành cùng sự nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp và cộng đồng làm du lịch, ngành Du lịch Quảng Bình đã có sự phục hồi mạnh mẽ. Tổng số khách du lịch đến Quảng Bình 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 905.200 lượt, tỷ lệ phục hồi ước đạt 40-50%. Tuy nhiên, làn sóng thứ 2 của dịch Covid-19 diễn ra từ cuối tháng 7-2020 đã khiến ngành Du lịch Quảng Bình tiếp tục gặp nhiều khó khăn, lượng khách giảm sút nghiêm trọng.
 Thung lũng Hamada - hang Trạ Ang là tuyến du lịch khám phá tuyệt vời dành cho những ai muốn hòa mình vào thiên nhiên.
Thung lũng Hamada - hang Trạ Ang là tuyến du lịch khám phá tuyệt vời dành cho những ai muốn hòa mình vào thiên nhiên.
Đến nay, tổng số khách du lịch đến Quảng Bình năm 2020 ước đạt 1.850.000 lượt khách, giảm 66,3% so với kế hoạch và giảm 63% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 2.127 tỷ đồng, giảm 66,3% so với kế hoạch…
 
Để đạt mục tiêu tổng số khách du lịch đến Quảng Bình ước đạt 5 triệu lượt khách; tỷ lệ đóng góp của du lịch đạt 10% GRDP và ngành du lịch-dịch vụ đạt 50,5-55%, ngành Du lịch sẽ tập trung thực hiện hiệu quả một số nhiệm vụ và giải pháp như: tiếp tục nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của du lịch với sự phát triển kinh tế-xã hội; hoàn thiện và triển khai hiệu quả công tác quy hoạch, hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước, huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển du lịch; chú trọng phát triển sản phẩm du lịch; tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến, liên kết du lịch và hỗ trợ du khách…
 
Hiện nay, nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, triển khai chương trình kích cầu du lịch năm 2021 thúc đẩy sự phục hồi ngành Du lịch, Sở Du lịch đã phối hợp các đơn vị tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua nghị quyết về việc giảm phí tham quan danh lam thắng cảnh đối với các sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh.
 
Ngoài ra, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh cũng có các chương trình khuyến mại, giảm giá hấp dẫn với mức từ 10-30% giá bán các dịch vụ du lịch với cam kết “giảm giá đi đôi với nâng cao chất lượng”, bảo đảm an toàn cho khách du lịch, bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19…
 
Mặt khác, Sở Du lịch phối hợp với Hiệp hội Du lịch, các doanh nghiệp, các đơn vị triển khai các hoạt động kích cầu du lịch chương trình quảng bá, xúc tiến tập trung vào các thị trường trọng điểm…
 
Ngọc Hải (thực hiện)
 
Bảo đảm số thu ngân sách bền vững
 
* Đồng chí Đoàn Vĩ Tuyến, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh
 
Trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế; sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành trong công tác thu ngân sách; sự đóng góp của các doanh nghiệp, doanh nhân trong thực hiện nghĩa vụ thuế, nên hàng năm, Cục Thuế tỉnh Quảng Bình luôn hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách trên địa bàn được HĐND tỉnh giao.
 
Tuy nhiên, một số lĩnh vực, sắc thuế như: thu từ doanh nghiệp nhà nước, ngoài quốc doanh, thuế bảo vệ môi trường, cấp quyền khai thác khoáng sản… có nguồn thu không ổn định, không hoàn thành dự toán giao hàng năm.
 Lĩnh vực kinh doanh vật liệu xây dựng góp phần đáng kể tăng thu ngân sách cho tỉnh.
Lĩnh vực kinh doanh vật liệu xây dựng góp phần đáng kể tăng thu ngân sách cho tỉnh.
Để bảo đảm hoàn thành dự toán thu ngân sách hàng năm trên địa bàn một cách bền vững, Cục Thuế tỉnh Quảng Bình triển khai một số giải pháp chủ yếu sau: trước hết, bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 để xây dựng kế hoạch và tham mưu HĐND, UBND tỉnh về thu ngân sách hàng năm sát với tình hình thực tế của địa phương, phấn đấu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu thu ngân sách hàng năm và cả nhiệm kỳ.
 
Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Vì thế, ngành Thuế sẽ tập trung quản lý thuế, khai thác nguồn thu từ các hoạt động du lịch, như: lữ hành, khách sạn, nhà hàng, dịch vụ vui chơi, giải trí, dịch vụ ăn uống, các sản phẩm truyền thống… nhằm tăng thu bền vững cho ngân sách địa phương.
 
Một giải pháp quan trọng nữa mà ngành Thuế sẽ tiếp tục triển khai thực hiện thời gian tới là phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các sở, ngành; tham mưu tích cực cho UBND tỉnh tạo điều kiện, kêu gọi, thu hút các dự án đầu tư, nhất là các dự án thuộc các lĩnh vực tỉnh có lợi thế như nhiệt điện, năng lượng tái tạo để tăng thu bền vững. Bên cạnh đó, ngành Thuế tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; quan tâm tạo điều kiện, nuôi dưỡng nguồn thu ở những lĩnh vực, doanh nghiệp có số nộp ngân sách lớn như: sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng, may mặc, chế biến lâm, hải sản…
 
Đặc biệt, ngành Thuế sẽ tập trung quản lý và khai thác các nguồn thu còn dư địa, các nguồn thu mới phi truyền thống như: kinh doanh qua mạng, thương mại điện tử…; đồng thời vinh danh, khen thưởng, động viên kịp thời các doanh nghiệp, doanh nhân có số nộp ngân sách lớn cho địa phương.
 
Tùy Phong (thực hiện)
 
Khắc phục hậu quả và khôi phục sản xuất sau mưa lũ
 
* Đồng chí Mai Văn Minh, TUV, Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT
 
Đợt mưa lũ kéo dài vừa qua đã gây ngập lụt diện rộng trên địa bàn toàn tỉnh, làm thiệt hại 8.861ha lúa, hoa màu, cây trồng; hơn 41.200 tấn hạt giống, gần 1.040.000 con gia súc, gia cầm; 4.383ha nuôi trồng thủy sản; 493 lồng, bè nuôi thủy, hải sản và 228 phương tiện khai thác thủy hải sản bị hư hại... Tổng thiệt hại toàn ngành Nông nghiệp trong 2 đợt mưa lũ vừa qua ước tính 1.780 tỷ đồng.
 
Nhằm nhanh chóng khắc phục hậu quả mưa lũ, Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (PTNT) đã chỉ đạo các đơn vị chủ động nắm tình hình thiệt hại, nhu cầu trợ giúp của người dân để có những hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương bị thiệt hại khôi phục sản xuất. 
Người dân phường Quảng Long, TX Ba Đồn tích cực khôi phục sản xuất nông nghiệp sau mưa lũ.
Người dân phường Quảng Long, TX Ba Đồn tích cực khôi phục sản xuất nông nghiệp sau mưa lũ.
Các đơn vị chuyên môn trực tiếp phối hợp với các địa phương huy động tối đa mọi phương tiện và nhân lực, tiến hành tháo nước, bơm tiêu nhanh trên ruộng hoa màu, cây ăn quả và cây công nghiệp lâu năm bị ngập úng; khôi phục những diện tích ruộng bị vùi lấp, xói lở do mưa lũ để tổ chức sản xuất vụ đông-xuân bảo đảm diện tích và kịp thời vụ.
 
Ngành Nông nghiệp và các huyện, thành phố, thị xã chuẩn bị sẵn sàng giống cây lương thực, rau màu để hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất sau mưa lũ. Các địa phương hướng dẫn người chăn nuôi theo dõi tình hình sức khỏe đàn gia súc, gia cầm và có báo cáo kịp thời cho cán bộ thú y cơ sở khi có gia súc, gia cầm bị ốm, chết.
 
Đối với lĩnh vực thủy sản, sở đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương kiểm tra, tiến hành tu sửa, gia cố bờ đê, cửa cống, sửa chữa máy móc, thiết bị, vệ sinh, khử trùng và cải tạo ao để chuẩn bị bước vào vụ nuôi mới. Ngoài ra, sở cũng đã kiểm tra, gia cố các công trình thủy lợi đầu mối, đập dâng bị sạt lở do lũ, bảo đảm đủ nước cho sản xuất vụ đông-xuân...
 
Để hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất, Bộ Nông nghiệp-PTNT đã hỗ trợ tỉnh 50.000 liều vắc xin lở mồm long móng, 50.000 liều vắc xin dịch tả lợn, 50.000 liều vắc xin tụ huyết trùng trâu, bò; hỗ trợ 5.000kg hạt giống ngô và 4.200kg hạt giống rau, 275.000 con giống gà ri và vịt...
 
Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp-PTNT sẽ hỗ trợ thêm giống lợn, bò để giúp người dân khôi phục lại đàn gia súc bị thiệt hại do mưa lũ. Về lâu dài, Sở Nông nghiệp-PTNT sẽ đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ tiền mặt cũng như tạo sinh kế để người dân khôi phục sản xuất...
 
Lan Chi (thực hiện)
 
Mưa lũ lịch sử làm ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới
 
Đồng chí Đinh Quý Nhân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo
 
Hai đợt mưa lũ liên tiếp, đặc biệt là đợt mưa lũ lịch sử diễn ra từ ngày 16 đến 20-10-2020 đã gây thiệt hại nặng nề cho tỉnh Quảng Bình; trong đó ngành Giáo dục có 334 trường với hơn 3.000 phòng học, phòng chức năng ngập sâu trong nước nhiều ngày... Mặt khác, mưa lũ liên tiếp đã làm ảnh hưởng nặng nề đến việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) 2018, đặc biệt là học sinh (HS) lớp 1 học theo sách giáo khoa (SGK) mới, đó là:
 
Giáo viên gặp rất nhiều khó khăn để rèn nền nếp HS lớp 1. Năm học này, do lũ lụt, nhiều điểm trường tiểu học phải cho HS nghỉ học hơn 1 tháng nên việc học bị gián đoạn, HS quên nền nếp học mà cô đã rèn. Do đó, sau khi đi học lại, giáo viên phải rèn lại từ đầu.
  Toàn ngành Giáo dục quyết tâm khắc phục khó khăn, thiệt hại do mưa lũ gây ra, hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học.
Toàn ngành Giáo dục quyết tâm khắc phục khó khăn, thiệt hại do mưa lũ gây ra, hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học.
Bên cạnh đó, giáo viên phải điều chỉnh thời gian dạy học để học bù chương trình do lũ lụt, nên phải dạy cho HS vào ngày thứ 7 làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của gia đình HS, giáo viên. Mặt khác, do mưa lũ kéo dài, gây thiệt hại nặng nề nên nhiều cuộc tập huấn chuyên môn của ngành Giáo dục bị gián đoạn. Sau lũ lụt, ngành Giáo dục phải triển khai nhiều lớp tập huấn theo kế hoạch để nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên về thực hiện CTGDPT 2018 và sử dụng SGK lớp 1, dẫn đến quá vất vả cho cán bộ quản lý, giáo viên trong toàn ngành.
 
Tuy nhiên, trước những khó khăn, trở ngại trên, trong thời gian qua, toàn ngành Giáo dục tỉnh đã nỗ lực khắc phục khó khăn, trở ngại để thực hiện tốt sứ mệnh “trồng người”.
 
Nhân đây, tôi cũng muốn trao đổi thêm là trong thời gian gần đây, dư luận cả nước xôn xao về bộ SGK lớp 1 Cánh Diều, nhất là cuốn Tiếng Việt, với không ít “hạt sạn” được chỉ ra. Có nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến vấn đề này. Tuy nhiên, trên thực tế ở tỉnh Quảng Bình, các trường học đều lựa chọn ¾ bộ SGK của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam; không có bất kỳ một trường học nào lựa chọn bộ sách SGK lớp 1 Cánh Diều cuốn Tiếng Việt để đưa vào dạy học, chỉ duy nhất Trường Chu Văn An là có chọn sử dụng cuốn SGK Cánh Diều môn Toán. Vì thế, những dư luận trái chiều liên quan đến vấn đề này không diễn ra tại Quảng Bình.
 
A.T (thực hiện)
 
Triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới
 
* Đồng chí Nguyễn Đức Cường, TUV, Giám đốc Sở Y tế
 
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, nhất là khi xuất hiện các ca bệnh tại TP. Hồ Chí Minh và mới đây nhất là trường hợp tái dương tính với SARS-CoV-2 được phát hiện tại huyện Minh Hóa, toàn tỉnh mà vai trò tiên phong là ngành Y tế tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp nhằm kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.
 
Sở Y tế đã chủ động rà soát, bổ sung trang thiết bị, vật tư y tế, phương tiện, hóa chất, thuốc điều trị; thành lập các tổ, đội phản ứng nhanh tại các đơn vị trực thuộc nhằm xử lý kịp thời các tình huống. Ngành đã phối hợp với các đơn vị như: công an, quân sự, biên phòng, hải quan… tiếp nhận, phân loại người nhập cảnh, người tiếp xúc gần với người nhiễm Covid-19 để cách ly y tế và xét nghiệm SARS-CoV-2… theo phương châm “4 tại chỗ”.  Ngành đã và đang tổ chức rà soát tất cả các trường hợp đến, về từ TP. Hồ Chí Minh (từ ngày 18-11-2020), yêu cầu các trường hợp phải thực hiện khai báo y tế.
 Thực hiện nghiêm túc việc khai báo y tế là một trong những giải pháp để kiểm soát dịch bệnh Covid-19.
Thực hiện nghiêm túc việc khai báo y tế là một trong những giải pháp để kiểm soát dịch bệnh Covid-19.
Nhằm bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới, toàn tỉnh tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó với các kịch bản, diễn biến mới của dịch bệnh; sẵn sàng các nguồn lực để kịp thời áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả.
 
Một trong những hoạt động được tập trung đẩy mạnh là tuyên truyền người dân thực hiện theo phương châm “5k” của Bộ Y tế: “Khẩu trang-Khử khuẩn-Khoảng cách-Không tập trung-Khai báo y tế”. Bên cạnh đó, ngành Y tế tiếp tục phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan tăng cường quản lý, theo dõi, giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người nhập cảnh theo đúng quy định và đẩy mạnh các giải pháp kiểm soát dịch bệnh, truy vết các trường hợp có tiếp xúc gần với người mắc Covid-19 để cách ly, xét nghiệm SARS-CoV-2; tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng xử lý nghiêm các trường hợp khai báo y tế không trung thực, không tuân thủ cách ly y tế theo đúng quy định.
 
Toàn ngành sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, thực hiện các chế tài xử phạt hành chính đối với các trường hợp vi phạm việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28-9-2020 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế; đồng thời triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và các dịch bệnh khác, góp phần bảo vệ, nâng cao sức khỏe cho người dân.
 
                                                                   Nh.V (thực hiện)
 
Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII
 
* Đồng chí Phan Phong Phú, TUV, Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư
 
Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh và hậu quả nặng nề do mưa lũ gây ra nên cả 3 lĩnh vực của nền kinh tế không đạt kế hoạch đề ra và tăng trưởng thấp so với các năm trước.
 
Cụ thể, dự ước tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2020 tăng 2,63% so với năm 2019. Do bị thiệt hại nặng trong 2 trận mưa lũ vừa qua nên sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng thấp; lĩnh vực công nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh nên nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, một số doanh nghiệp gián đoạn thời gian hoạt động; ngành xây dựng bị ảnh hưởng của mưa lũ kéo dài nên tiến độ xây dựng một số công trình chậm.
 
Lĩnh vực dịch vụ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nặng nề nhất, tác động đến nhiều ngành như: du lịch, vận tải, bán lẻ hàng hóa, lưu trú, ăn uống, các hoạt động vui chơi giải trí khác…
 
Để nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội sau dịch bệnh Covid-19 và mưa lũ, tỉnh ta cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025. 
 Các dự án tại Trung tâm điện lực Quảng Trạch đang được đẩy nhanh tiến độ thực hiện và đây là các dự án trọng điểm của tỉnh, của nhà đầu tư.
Các dự án tại Trung tâm điện lực Quảng Trạch đang được đẩy nhanh tiến độ thực hiện và đây là các dự án trọng điểm của tỉnh, của nhà đầu tư.
Trong đó nhiệm vụ cấp bách là triển khai nghị quyết về khắc phục hậu quả lũ lụt, sớm ổn định đời sống nhân dân; tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa tận dụng tốt các cơ hội, nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong trạng thái bình thường mới; nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế với việc tiếp tục thực hiện quyết liệt tái cơ cấu kinh tế theo hướng chất lượng, hiệu quả, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ.
 
Bên cạnh đó, cần tập trung đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính, bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, khuyến khích khởi nghiệp; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh, của nhà đầu tư; chủ động phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; tạo chuyển biến trong nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, không ngừng nâng cao đời sống người dân...
 
                                                                            Bùi Thành (thực hiện)
 
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị 
 
* Đồng chí Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng
 
Sở Xây dựng được UBND tỉnh giao làm bên mời thầu tổ chức lựa chọn nhà đầu tư và ký kết hợp đồng với nhà đầu tư thực hiện các dự án lớn trên địa bàn. Tính đến nay, toàn tỉnh có tổng cộng 37 dự án, trong đó gồm 29 dự án khu nhà ở thương mại, 5 dự án khu đô thị, 3 dự án nhà ở shophouse kết hợp trung tâm dịch vụ thương mại và chức năng hỗn hợp cao tầng.
 
Thời gian qua, việc triển khai các dự án đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt; các sở, ban, ngành liên quan tích cực tham mưu, phối hợp, từ đó đạt được những kết quả nhất định. Một số dự án đã đầu tư hoàn chỉnh, tạo nên diện mạo mới cho các đô thị, đóng góp vào nguồn thu ngân sách, phục vụ cho đầu tư phát triển kinh tế-xã hội.
 Dự án khu nhà ở thương mại phía Tây mương Phóng Thủy đang gặp nhiều vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng
Dự án khu nhà ở thương mại phía Tây mương Phóng Thủy đang gặp nhiều vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng
Tuy nhiên, quá trình triển khai các dự án vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa triệt để dẫn đến chậm tiến độ, ảnh hưởng về thu ngân sách, gây trở ngại cho các nhà đầu tư, tác động không tốt đến môi trường đầu tư chung.
 
Những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị từ nhà đầu tư chủ yếu tập trung vào các vấn đề: giải phóng mặt bằng tại các dự án; việc định giá đất và thu tiền sử dụng đất; việc chuyển quyền sử dụng đất đã đầu tư hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở đối với các dự án khu nhà ở thương mại, khu đô thị…
 
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên, thời gian tới, Sở Xây dựng tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh đẩy mạnh giải quyết các vấn đề: đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án đang triển khai; bảo đảm công tác định giá đất, thu tiền sử dụng đất, quy định xây dựng nhà ở đối với các dự án khu nhà ở, khu đô thị…
 
Sở thực hiện lựa chọn nhà đầu tư theo đúng Nghị định số 25/2020/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó các dự án trước ngày Nghị định số 25/2020/NĐ-CP có hiệu lực. Sở Xây dựng đề nghị UBND tỉnh thống nhất phương pháp đã triển khai như trước đây nhằm kịp thời xử lý các trường hợp dở dang, hoàn thành việc lựa chọn nhà đầu tư triển khai theo đúng kế hoạch của UBND tỉnh.
 
Đối với các dự án mới sẽ triển khai theo đúng tinh thần Nghị định số 25/2020/NĐ-CP, thống nhất áp dụng đối với những dự án khu nhà ở thương mại, khu đô thị, nhà ở shophouse trên địa bàn.
 
T.Long (thực hiện)