Xin "thoát"... hộ nghèo!

  • 09:35 | Chủ Nhật, 13/12/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) ở xã biên giới Trọng Hóa (Minh Hóa) đã viết đơn xin rút khỏi diện hộ nghèo. Điều đó thể hiện họ đang quyết tâm vươn lên trong cuộc sống, không trông chờ, ỷ lại vào chế độ hỗ trợ của Nhà nước…
 
Những lá đơn của lòng tự trọng
 
Xã biên giới Trọng Hóa nằm trong tốp những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất ở huyện Minh Hóa, nhưng với ý thức còn sức lao động sản xuất, đủ khả năng vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ ĐBDTTS nơi đây đã viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo.
 
Cụ thể, trong đợt bình xét hộ nghèo cuối năm 2020, xã Trọng Hóa đã có 18 hộ người ĐBDTTS viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Trước đó, năm 2019, ở xã Trọng Hóa cũng đã có 7 hộ ĐBDTTS làm đơn "xin thoát nghèo". Hầu hết các hộ làm đơn "xin thoát nghèo" đều cho rằng, mình có sức lao động, có điều kiện để làm ăn, có khả năng vươn lên nên xin ra khỏi hộ nghèo để "dành suất đó cho gia đình xứng đáng hơn...".
 
Những ngày cuối đông, trong khi nhiều bản làng ở xã Trọng Hóa vẫn còn “dư âm” của trận mưa lũ lịch sử giữa tháng 10-2020, người dân nơi đây luôn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Cuộc sống mới, nhận thức mới, nên tư tưởng trông chờ ỷ lại, "cố thủ" lại hộ nghèo đã dần được xóa bỏ. Ở lại hộ nghèo khi mình có sức lao động, có điều kiện để sản xuất là đồng nghĩa lòng tự trọng bị tổn thương, bị làng xóm “xem thường”. Suy nghĩ vậy, nên nhiều hộ ĐBDTTS ở xã Trọng Hóa đã viết đơn tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo.
 
Điển hình là gia đình anh Hồ Bun (SN 1992) ở bản Ông Tú (xã Trọng Hóa). Theo lá đơn xin ra khỏi hộ nghèo viết tay của anh Bun đề ngày 29-10-2020, gia đình anh thuộc diện hộ nghèo từ năm 2018 nhưng nay xét thấy cuộc sống đã khá ổn định hơn nên anh tình nguyện làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo.
Nhiều hộ dân ở xã Trọng Hóa đầu tư trồng rừng, có thu nhập ổn định, vươn lên trong cuộc sống nên làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo.
Nhiều hộ dân ở xã Trọng Hóa đầu tư trồng rừng, có thu nhập ổn định, vươn lên trong cuộc sống nên làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo.
“Những năm qua, gia đình tôi đã được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các tổ chức đoàn thể xã hội hỗ trợ vay vốn ưu đãi, giống cây trồng, vật nuôi… Bản thân gia đình tôi cũng đã cố gắng vươn lên, cuộc sống nay đã khá hơn nhiều, nên tôi quyết định làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo, dành phần “ưu tiên” này lại cho những hộ đặc biệt khó khăn hơn, góp phần giảm bớt gánh nặng cho xã hội và cũng là để gia đình tự nỗ lực phấn đấu vươn lên hơn nữa…", anh Bun viết trong đơn.
 
Tương tự như gia đình anh Bun, gia đình anh Hồ Lê và chị Hồ Thị On ở bản Hưng (xã Trọng Hóa) cũng đã có đơn xin ra khỏi hộ nghèo trong đợt này. Anh Lê cho hay, thực hiện kế hoạch kiểm tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo cuối năm 2020, gia đình anh vẫn thuộc diện hộ nghèo của bản.
 
Tuy nhiên, vợ chồng anh nhận thấy gia đình đã có được cuộc sống ổn định, đỡ vất vả hơn và xung quanh còn có nhiều gia đình khó khăn hơn nên đã quyết định làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo.
 
Những câu chữ bình dị ấy đã nói lên được ý chí thoát nghèo của các hộ dân ĐBDTTS nơi đây. Họ đã không "cố thủ" mãi trong cái nghèo, không vì những ưu ái của chính sách hộ nghèo mà đánh mất đi lòng tự trọng trong chính con người họ. Nhiều lần trò chuyện với các gia đình có đơn "xin thoát nghèo", chúng tôi cảm nhận được trong mắt họ ánh lên niềm vui, niềm tự hào vì mình không còn là hộ nghèo.
 
Khơi mở tiềm năng, giảm nghèo bền vững
 
Xã Trọng Hóa hiện có có 938 hộ, 4.447 khẩu đa số là ĐBDTTS. Trước đây, kinh tế chủ lực của người dân Trọng Hóa chủ yếu nhờ vào cây lúa rẫy nên không thể giúp họ có cuộc sống ổn định.
 
Bà Hồ Thị Thoi, Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hóa cho biết, những năm gần đây, cùng với định hướng của huyện Minh Hóa, xã Trọng Hóa đã xác định trồng rừng và chăn nuôi là 2 thế mạnh cần khơi mở để giúp người dân thoát nghèo bền vững.
 
Theo bà Thoi, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, thời gian qua, ngoài việc hỗ trợ cây, con giống từ các chương trình, dự án của Nhà nước, xã Trọng Hóa còn tổ chức cho bà con tham gia các lớp tập huấn nhằm nâng cao kiến thức, áp dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi và trồng rừng.
Nhiều công trình cơ sở hạ tầng được đầu tư đã cũng đã tọa điều kiện thuận lợi cho xã Trọng Hóa đạt được nhiều kết quả trong công tác giảm nghèo bền vững.
Nhiều công trình cơ sở hạ tầng được đầu tư đã cũng đã tọa điều kiện thuận lợi cho xã Trọng Hóa đạt được nhiều kết quả trong công tác giảm nghèo bền vững.
Đồng thời, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng sản xuất. Những nguồn vốn hỗ trợ giảm nghèo của Nhà nước được sử dụng đúng mục đích đã tạo động lực to lớn để các hộ nghèo có điều kiện sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Hiện tại, ngoài số diện tích rừng phòng hộ được bảo vệ nghiêm ngặt, người dân Trọng Hóa đã trồng được hơn 1.000ha rừng kinh tế; duy trì đàn trâu, bò, dê trên 1.000 con.
 
Trước đây, gia đình anh Hồ Lâm (người Khùa) ở bản Hưng, là một hộ nghèo của xã Trọng Hóa. Cũng như nhiều hộ dân khác ở xã Trọng Hóa, cuộc sống của gia đình anh chủ yếu dựa vào việc trồng lúa rẫy và khai thác rừng trái phép để đắp đổi qua ngày. Cái khó, cái nghèo cứ thế bám riết lấy gia đình anh. Gia đình anh Lâm nghèo bởi nhiều nguyên nhân nhưng chung quy lại cũng vì anh chưa biết cách làm ăn, không biết cách trồng trọt, chăn nuôi để mang lại hiệu quả kinh tế cao.
 
Thế nhưng, đầu năm 2013, nhờ những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, anh Lâm được tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi, trồng rừng; được hỗ trợ cây, con giống từ các chương trình, dự án (135, 30a); được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội…, nên anh đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi bò, lợn, gà và trồng được hơn 7ha rừng. Đến nay, gia đình anh Lâm không chỉ đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo mà còn trở thành một hộ khá của xã, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng.
 
Ông Phạm Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa cho biết: Nhờ sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, cùng với những đổi thay về nếp nghĩ, cách làm và phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương, công tác xóa đói giảm nghèo ở Trọng Hóa đã có những thành quả đáng khích lệ.
 
Riêng năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo ở xã Trọng Hóa đã giảm gần 13%, đưa tỷ lệ hộ nghèo 81,5% từ đầu năm xuống còn 67,8% theo chuẩn mới. Đặc biệt, năm 2020, toàn xã có 18 hộ làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo, đây là một tín hiệu rất đáng mừng, thể hiện ý chí tự vươn lên mạnh mẽ của các hộ gia đình ĐBDTTS nơi mảnh đất biên cương vẫn còn nhiều khó khăn này.
 
Phan Phương