Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mại dâm

  • 10:33 | Thứ Ba, 08/12/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhằm đẩy lùi tệ nạn mại dâm trên địa bàn, góp phần xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, các địa phương, cơ quan, đơn vị chức năng đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, mô hình “Hỗ trợ tăng cường năng lực của các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, câu lạc bộ (CLB) của người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực giới” bước đầu mang lại những kết quả tích cực…
 
Theo đánh giá của ông Phạm Ngọc Sơn, Trưởng phòng Phòng, chống tệ nạn xã hội và Bình đẳng giới, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), hoạt động mại dâm trên địa bàn thời gian qua cơ bản được kiềm chế. Điều này có được là nhờ các cơ quan chức năng từ tỉnh tới cơ sở liên tục tiến hành kiểm tra, rà soát, triệt xóa các điểm, tụ điểm mại dâm. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn diễn biến phức tạp do các đối tượng tham gia sử dụng nhiều cách thức tinh vi để “hành nghề”.
 
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về an ninh trật tự để xảy ra hoạt động mại dâm trá hình dưới nhiều loại hình dịch vụ vui chơi, giải trí, thư giãn... Trong khi đó, việc kiểm tra, phát hiện, xử lý những vi phạm liên quan đến hoạt động mại dâm gặp nhiều khó khăn. Bởi, các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện thường chỉ là nơi giao dịch, thỏa thuận giá cả, không tổ chức mua, bán dâm, nên không dễ phát hiện. 
Chị Dương Thị Thủy, Chủ nhiệm CLB mô hình thí điểm cung cấp tài liệu và tuyên truyền thông tin, kiến thức cho các đối tượng tại một buổi sinh hoạt.
Chị Dương Thị Thủy, Chủ nhiệm CLB mô hình thí điểm cung cấp tài liệu và tuyên truyền thông tin, kiến thức cho các đối tượng tại một buổi sinh hoạt.
Đa số đối tượng liên quan đến việc bán dâm đều sử dụng internet, mạng xã hội để trao đổi. Đáng nói, trong trường hợp có đủ chứng cứ xử phạt người bán dâm, thì mức xử phạt lại quá nhẹ, không đủ răn đe để họ dừng hoạt động…
 
Nhằm hạn chế nguy cơ phát sinh tệ nạn xã hội, trong đó, có tệ nạn mại dâm, năm 2019, Sở LĐ-TB-XH đã triển khai mô hình “Hỗ trợ tăng cường năng lực của các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, CLB của người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực giới”. Mô hình được thực hiện thí điểm trên địa bàn huyện Bố Trạch, TP. Đồng Hới; đã thiết lập và duy trì hoạt động của CLB gồm 9 thành viên, trong đó, 5 thành viên phụ trách địa bàn TP. Đồng Hới và 4 thành viên phụ trách huyện Bố Trạch.
 
Theo đó, mục tiêu của mô hình nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành và xã hội trong công tác phòng, chống mại dâm; giảm thiểu tác hại của hoạt động mại dâm đối với đời sống xã hội; bảo đảm quyền bình đẳng, tiếp cận, sử dụng dịch vụ xã hội của người bán dâm. Đối tượng tác động của mô hình là người có nguy cơ cao có hành vi bán dâm; người bán dâm đang làm việc trong cơ sở kinh doanh dịch vụ và thường trú tại địa bàn thí điểm; đơn vị, cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ hỗ trợ can thiệp giảm hại cho người bán dâm; cơ quan thực thi pháp luật trên địa bàn thí điểm.
 
Chị Dương Thị Thủy, ở phường Bắc Nghĩa (TP. Đồng Hới), Chủ nhiệm CLB mô hình thí điểm cho biết, khi đi vào hoạt động, CLB sử dụng giáo dục viên đồng đẳng (tức là một số thành viên đang hành nghề mại dâm ở nhà hàng, khách sạn) nên dễ dàng tiếp cận đối tượng và vận động tham gia các buổi sinh hoạt. Cụ thể, hàng tháng, CLB sinh hoạt định kỳ 1 lần và thu hút khoảng 30-35 lượt người.
 
Những người tham gia là đại diện cơ sở kinh doanh dịch vụ, người làm việc trong cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội. Các thành viên CLB thông qua buổi nói chuyện trực tiếp để cung cấp tài liệu và tuyên truyền, trang bị một số kiến thức cơ bản về pháp luật, về quyền của người lao động, tạo điều kiện hỗ trợ người bán dâm được tiếp cận thông tin; hỗ trợ, tư vấn đối tượng thay đổi hoặc giảm mức độ công việc hoạt động mại dâm thông qua việc học nghề ngắn hạn.
 
Mặt khác, can thiệp giảm tác hại về lây nhiễm HIV/AIDS trong phòng, chống mại dâm và hỗ trợ giảm tác hại phòng, chống bạo lực giới bằng cách cấp phát bao cao su miễn phí cho các đối tượng. Cùng với đó, CLB phối hợp với Hội Phụ nữ các địa phương tuyên truyền giúp chị em ổn định tâm lý và giáo dục về thuần phong mỹ tục, truyền thống đạo đức, nhất là một số kỹ năng để từng bước thay đổi hành vi, nhân cách.
 
Từ các buổi sinh hoạt thiết thực như vậy, mô hình đã tạo sự chuyển biến về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ trong việc bảo đảm quyền lợi cho các đối tượng và quyền bình đẳng trong việc tiếp cận, sử dụng các dịch vụ xã hội của họ. Đặc biệt, với những kiến thức được trang bị, các đối tượng hoạt động mại dâm sẽ biết cách tự bảo vệ bản thân, hạn chế nguy cơ vướng vào các tệ nạn xã hội; đồng thời, tạo điều kiện hỗ trợ người bán dâm được tiếp cận thông tin, nâng cao kiến thức để tái hòa nhập cộng đồng khi cần.
 
“Điều đáng ghi nhận, thông qua mô hình, nhiều phụ nữ hành nghề mại dâm đã hoàn lương, tham gia học một số nghề cơ bản, như: uốn tóc, làm móng, trang điểm, may công nghiệp… hoặc buôn bán nhỏ để ổn định cuộc sống, sớm hòa nhập cộng đồng và không phải quay lại con đường cũ. Đây chính là một cơ sở vững chắc cho quá trình xã hội hóa công tác phòng, chống tệ nạn xã hội trên địa bàn…”, chị Dương Thị Thủy chia sẻ.
Từ những kiến thức được trang bị khi tham gia sinh hoạt CLB, các đối tượng hoạt động mại dâm sẽ biết cách tự bảo vệ bản thân, hạn chế nguy cơ vướng vào các tệ nạn xã hội.
Từ những kiến thức được trang bị khi tham gia sinh hoạt CLB, các đối tượng hoạt động mại dâm sẽ biết cách tự bảo vệ bản thân, hạn chế nguy cơ vướng vào các tệ nạn xã hội.
Với kết quả bước đầu như vậy, ngày 25-5-2020, UBND tỉnh có Quyết định số 1673/QĐ-UBND về việc duy trì mô hình thí điểm “Hỗ trợ tăng cường năng lực của nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, CLB của người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực giới năm 2020".
 
Sau gần 6 tháng triển khai, đến nay, mô hình đã tiếp tục cấp phát được 90 tài liệu với 3 nội dung: trợ giúp pháp lý cho người bán dâm; kỹ năng ứng phó trong tình huống nguy hiểm, khẩn cấp; phòng ngừa bệnh lây qua đường tình dục.
 
Theo ông Hồ Tân Cảnh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, để nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác phòng, chống mại dâm, cùng với việc tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình can thiệp giảm hại, phòng, chống bạo lực, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội của người bán dâm tại cộng đồng, các địa phương cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đánh giá thực trạng tình hình, kết quả công tác phòng, ngừa, hỗ trợ người bán dâm để làm cơ sở thực tiễn cho việc xây dựng các chính sách, chương trình phù hợp.
 
Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương phải đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác phòng, chống mại dâm; huy động sự tham gia của toàn xã hội vào các hoạt động phòng ngừa, giảm hại, giảm phân biệt đối xử, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm.
 
Đồng thời, chú trọng nhân rộng mô hình xã, phường phòng ngừa, ngăn chặn phát sinh mới tệ nạn ma túy, mại dâm, đi đôi với nâng cao hiệu quả cuộc vận động xây dựng “Xã, phường lành mạnh, không có tệ nạn xã hội”. Các lực lượng chức năng liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm và đấu tranh với các vi phạm pháp luật về phòng, chống tệ nạn mại dâm theo quy định của pháp luật hiện hành.
 
Đáng chú ý, vấn đề nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, công tác viên cộng đồng, lực lượng tình nguyện viên ở các xã, phường trong triển khai các mô hình điểm về phòng ngừa, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ người bán dâm cần được chú trọng. Qua đó, việc triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại về HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở giới trong phòng, chống mại dâm mới mang lại hiệu quả cao...
 
Thùy Lâm