Ký ức "Bão Dậu"

  • 08:38 | Thứ Tư, 02/12/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những ngày vừa qua, người dân ở một số địa phương trong tỉnh phải gồng mình chống chọi với cơn lũ lụt lịch sử đã gây ra tổn thất hết sức nặng nề. Trong đau thương đó, vẫn toát lên những hình ảnh đẹp về sự "nhường cơm sẻ áo", hoạt động cứu hộ, cứu nạn… của người dân trong và ngoài tỉnh. Nghĩa đồng bào đó đã được truyền đời trong huyết quản của người Việt và đặc biệt lưu giữ 123 năm ở làng Diêm Hải, phường Phú Hải (TP. Đồng Hới), sau cơn "Bão Dậu" năm 1897.
 
Theo các cụ cao niên kể lại, phường Phú Hải ngày nay được dựng xây bởi những người dân từ phía bắc di cư vào cách đây đã trên 400 năm. Họ là những người làm nghề sản xuất nông nghiệp định cư ở vùng Diêm Hải và nghề đánh cá trên sông Lũy, sông Nhật Lệ sinh sống ở vùng Phú Mỹ, Phú Thượng.
 
Trước khi chính thức khai hoang vùng Phú Hải, những người dân chân chất, hiền lành có gốc tích từ Thanh Hóa đã từng sinh sống ở Diêm Điền, Bình Phúc (xã Đức Ninh cũ) và làng Phú Mỹ (phường Đồng Hải).
 
Tên gọi của làng Diêm Hải bắt đầu được khai sinh từ khoảng thế kỷ 18, do một bộ phận người Diêm Điền ở phía bên kia Lũy Thầy di cư sang phía nam sinh sống bằng nghề làm muối, dần dần lập nên làng Diêm Hải. Đất lành chim đậu, một thời gian sau, người làng Bình Phúc cũng tiếp bước sang phía nam, lập nên xóm Lũy. 
 Ông Bùi Thanh Phò, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Phú Hải trao đổi với ông Võ Thanh Hoài, Chủ tịch UBND phường Phú Hải về sự kiện xảy ra 123 năm trước ở làng Diêm Hải.
Ông Bùi Thanh Phò, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Phú Hải trao đổi với ông Võ Thanh Hoài, Chủ tịch UBND phường Phú Hải về sự kiện xảy ra 123 năm trước ở làng Diêm Hải.
Làng Diêm Hải vừa lấy gốc làng cũ là Diêm Điền, vừa có nghĩa là làng sản xuất muối bằng nước biển. Còn tên gọi xóm Lũy, chính là tên của vùng đất ở Lũy Thầy. Cư dân xóm Lũy và làng Diêm Hải ở chung địa giới, có sự quan hệ mật thiết với nhau nên đầu thế kỷ 20 đã về dưới mái nhà chung với tên gọi là Diêm Hải.
 
123 năm qua, người dân ở làng Diêm Hải (nay là TDP Diêm Hải) đều nhớ đến sự kiện đau thương xảy ra vào ngày 20-9 năm Đinh Dậu (1897) đối với đồng bào, người thân của mình. Về sau này, cơn đại hồng thủy này được người dân quen gọi là “Bão Dậu”.
 
Ông Bùi Thanh Phò, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Phú Hải cho hay, ngày đó, từ buổi chiều, bà con đã nghe tiếng biển gầm gừ, mây đen phủ kín bầu trời. Rồi những cơn gió chết chóc bắt đầu thổi mạnh làm xác xơ cổ thụ, cuốn theo cát ở động cát bên kia sông ném ràn rạt xuống xóm làng. Ai nấy đều nín thở chắp tay cầu khấn đất trời cho tai qua nạn khỏi. Thế nhưng, nửa đêm, những con sóng bạc đầu, cao ngút bắt đầu tràn vào làng.
 
Vùng Diêm Hải bỗng chốc chìm trong biển nước, người già, trẻ em, đàn ông, đàn bà đều không kịp trở tay. Tiếng kêu la ai oán vang vọng đất trời. Dòng nước hung hãn tàn phá nhà cửa, xóm làng, gây nên cái chết của gần trăm người dân hiền lành, trong đó có 75 người dân Diêm Hải. Từ đó đến nay, Diêm Hải vẫn lấy ngày 20-9 âm lịch hàng năm làm ngày giỗ “Bão Dậu”, để tưởng nhớ những người bị thiệt mạng do thiên tai nhưng cũng là cách để nhắc nhở những người đang sống không thể chủ quan với sự “nóng giận” bất thường của thời tiết.
Diện mạo phường Phú Hải hôm nay. Ảnh* Tiến Hành
Diện mạo phường Phú Hải hôm nay. Ảnh: Tiến Hành
Ông Bùi Thanh Phò tâm sự, cứ 3 đến 5 năm, làng Diêm Hải lại tổ chức đại lễ cúng giỗ các nạn nhân bị thiệt mạng trong cơn đại hồng thủy xảy ra 123 năm về trước. Cứ đến gần ngày này, cả làng tổ chức đóng góp mua lễ vật: hoa quả, gà, xôi, chè, thịt lợn… để bày biện mâm cúng trên các bàn thượng, bàn hạ.
 
Lễ chính được tổ chức từ 19 giờ đến 21 giờ, được duy trì liên tục và thường xuyên, kể cả trong thời gian chiến tranh ác liệt nhất. Đến Diêm Hải vào thời điểm này, có thể cảm nhận được mùi hương quyện lẫn trong không gian, như nhắc nhủ những người ở lại tiếp tục xây dựng quê hương ngày càng phồn thịnh.
 
Trải qua thời gian, phường Phú Hải hôm nay đã trở thành điểm sáng phát triển kinh tế-xã hội, với thế mạnh về thương mại, dịch vụ, nông nghiệp… tạo thành một trong những trung tâm năng động phía nam của thành phố Đồng Hới. Có được thành quả đó là bởi mảnh đất này vốn dựng xây trên nền tảng bề dày văn hóa, bản sắc riêng có và nghị lực của những con người Phú Hải chân chất bồi đắp qua nhiều thế hệ.
 
Trần Minh Văn