Đoàn kết vượt qua thiên tai

  • 09:03 | Chủ Nhật, 06/12/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Quảng Trạch là một trong những địa phương ở Quảng Bình vừa trải qua những ngày mưa lũ lịch sử và chịu thiệt hại nặng nề từ đợt lũ này. Thế nhưng, trước sức tàn phá của thiên tai, sự đồng lòng, đoàn kết, sẻ chia của cán bộ, nhân dân đã trở thành sức mạnh vượt qua mọi khó khăn.
 
Cảnh Dương từ lâu được biết đến là xã biển có truyền thống cách mạng với tinh thần bất khuất đánh giặc giữ làng và 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Đó là trong thời chiến và hôm nay, trong thời bình, tình thần đoàn kết, đồng sức, đồng lòng của người dân lại tiếp tục được tiếp nối, phát huy. Đợt mưa lũ vừa qua, làng biển Cảnh Dương trải qua những ngày đối mặt với sóng to và nước biển dâng. 
 Tinh thần đoàn kết của người dân xã Cảnh Dương trước thiên tai.
Tinh thần đoàn kết của người dân xã Cảnh Dương trước thiên tai.
Hơn 50m kè biển của xã Cảnh Dương đoạn qua thôn Yên Hải bị sạt lở và sụt lún, đe dọa đến an toàn của nhiều hộ dân trong thôn. Với tinh thần đoàn kết, bảo vệ làng, 3 giờ sáng ngày 18-10-2020, khi thủy triều xuống cũng vừa lúc tiếng loa phát thanh xã phát lời kêu gọi hỗ trợ chính quyền, hàng trăm hộ dân xã Cảnh Dương không quản mưa to, gió lớn đã đồng lòng có mặt tại điểm kè sạt lở.
 
Bà Nguyễn Thị Dung, thôn Yên Hải kể lại: “Chiều hôm đó, loa trên phát thanh thôn thông báo đúng 3 giờ sáng có mặt để gia cố kè biển. Công việc nặng đòi hỏi những người có sức khỏe. Mệ đàn bà, tuổi cao nhưng vẫn còn sức khỏe là mệ vẫn đi. Ra không làm được cái này thì phụ giúp việc khác. Nhà mệ có mấy người là đi hết.
 
Đứa con gái của mệ chiều đó nghe tin cũng chạy đi gửi con nhỏ lên nhà nội ở Tuyên Hóa để về tham gia cùng mọi người. Tối đó, cả nhà không ngủ để chờ đến 3 giờ sáng. Khi nghe loa phát thanh xã thông báo, cả nhà mệ đã nhanh chóng đến điểm kè bị sạt lở. Dù mưa gió rất to nhưng khi đến nơi, hàng trăm người trẻ có, già có đã có mặt rất đông”.
 
Nói về tinh thần đoàn kết của người dân trong thôn, ông Nguyễn Ngọc Phượng, Trưởng thôn Yên Hải tự hào: "Từ ngày kè biển có dấu hiệu sạt lở, tinh thần đoàn kết, tự giác của bà con rất cao. Không quản mưa gió, người dân trong thôn và nhiều người dân từ các thôn khác đã có mặt trong đêm để gia cố đoạn kè bị sạt lở.
 
Những người cao tuổi, thậm chí 80 tuổi, dù không làm được việc nặng nhưng cũng có mặt. Họ ngồi buộc bao cát hoặc cầm bao để mọi người xúc cát bỏ vào. Cứ thế, mỗi người mỗi việc. Ai cũng hăng hái góp sức với mong muốn làm sao kè biển được gia cố để người dân thôn Yên Hải và xã Cảnh Dương được an toàn qua "thịnh nộ" của cơn sóng dữ." 
 
Những ngày Quảng Trạch trong đỉnh lũ, nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã và liên huyện chìm trong biển nước. Trước hoàn cảnh này, tinh thần xả thân vì dân của những chiến sỹ Công an huyện Quảng Trạch lại được phát huy. Chiều tối ngày 19-10, nhận được tin một sản phụ đang nằm chờ sinh tại Trạm y tế xã Cảnh Hóa cần được chuyển đến bệnh viên tuyến trên, Trưởng Công an huyện cùng một số chiến sỹ đã khẩn trương về cơ sở. 
   Nhiều người tuổi đã cao nhưng cũng có mặt gia cố kè sạt lở.
Nhiều người tuổi đã cao nhưng cũng có mặt gia cố kè sạt lở.
Cùng lúc đó, tại xã Quảng Phương, Công an xã điện thoại báo tin có 2 sản phụ khác cũng đang có dấu hiệu chuyển dạ và một bé gái bị đau ruột thừa, phải đến bệnh viện gấp để mổ. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, xuồng máy, ca nô của huyện đang huy động để tập trung cứu dân tại các điểm ngập cao tại xã Phú Hòa, Quảng Thanh… Nước lũ dâng cao, sông Gianh chảy xiết và trời mỗi lúc mỗi tối nên không thể ra kịp.
 
Trước tình thế nguy cấp đó, xe chuyên dụng được lực lượng Công an huyện lựa chọn. Đại tá Phan Thanh Sơn, Trưởng Công an huyện cho biết: “Do thời tiết mưa to, nước lại chảy xiết và địa hình khó khăn nên tôi quyết định chọn phương án sử dụng xe ô tô tải chuyên dụng của đơn vị và phối hợp với Bộ đội Biên phòng đón bằng ca nô tại vị trí cổng chào phía tây của thị xã Ba Đồn. Một số chiến sỹ bơi giỏi, ứng biến tốt và một lái xe nhiều kinh nghiệm nhất được lựa chọn thực hiện nhiệm vụ”.
 
Đón xong 3 sản phụ và bé gái, xe đưa các bệnh nhân về Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình. Quãng đường đi chỉ chừng 7km, nhưng vừa xuất phát được hơn 1km thì xe chết máy, dừng đột ngột do nước chảy xiết. Các chiến sỹ buộc phải đẩy bộ hơn 1km đến điểm có ca nô của bộ đội. Sau khi xe sửa xong thì tiếp tục hành trình đưa 3 bệnh nhân đến bệnh viện.
 
Ra tới quốc lộ 1A, hàng chục chiếc xe xếp hàng dài kẹt cứng vì tránh lũ. Các cán bộ, chiến sỹ lại phải chạy bộ, gõ cửa từng xe để xin nhường đường. Trải qua những thử thách và vật lộn với nước lũ, chuyến xe “bão táp” cuối cùng cũng hoàn thành nhiệm vụ. Mặc dù vất vả và đối mặt với nguy hiểm nhưng ai cũng vui mừng và xen lẫn tự hào vì đã giúp được người dân những lúc khó khăn và họ cần mình nhất.
 
Khi nước lũ rút, tinh thần sẻ chia của người dân lại được thể hiện bằng nhiều cách làm khác nhau. Với nhiều người, họ lựa chọn đến các địa bàn ngập sâu để động viên, hỗ trợ vật chất giúp đồng bào vùng lũ vượt qua khó khăn. Còn đối với anh Nguyễn Nhị, chủ mô hình gà đồi sinh học ở xã Quảng Thạch, đã đi đến các địa phương ngập nặng, đến từng nhà để thu mua thóc hư giúp bà con, số thóc mà không ít người dân phải vứt bỏ vì bị thối và mọc mầm.
 
Nguyễn Nhị chia sẻ: “Đợt lũ vừa rồi, các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình bị ngập lụt lớn nên nhiều gia đình thóc cũng bị hư hỏng. Nhiều gia đình không có gia súc, gia cầm thì phải vứt hết nên tôi quyết định thu mua lại. Tôi đã thu mua gần 300 tấn, với giá 3.000 đồng/kg (thóc không mốc thì giá 6.000-7.000 đồng). Thu mua xong, tôi đem số thóc hỏng này đi sấy khô và sử dụng trộn lẫn với một số nguyên liệu khác dùng làm thức ăn cho mô hình chăn nuôi gà của mình. Đây là cách mà tôi mong muốn được giúp đỡ bà con vùng lũ. So với việc vứt bỏ đi số thóc đã hư thì khi đem bán, bà con có thể vớt vát được khoản tiền nhất định”.
 
Những tấm gương về sự đồng lòng của người dân xã Cảnh Dương, hành động không quản ngại hiểm nguy vượt lũ cứu dân của những chiến sỹ Công an huyện và sự sẻ chia với người nông dân sau lũ của chàng trai Nguyễn Nhị, tất cả đều xuất phát từ tinh thần đoàn kết dân tộc của nhân dân. Trải qua những khó khăn, hoạn nạn, tinh thần đoàn kết ấy lại càng được thể hiện, trở thành sức mạnh để họ vượt qua mọi khó khăn, thử thách.
 
Đ.N