Cảnh giác với những quả "bom" di động!

  • 07:57 | Thứ Năm, 03/12/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cùng với sự phát triển của đời sống, khí gas ngày càng được người dân ưa chuộng sử dụng đun nấu vì loại chất đốt này thân thiện với môi trường, giá thành phải chăng, đặc biệt là dụng cụ đun nấu luôn sạch sẽ không bị ám khói. Mỗi khi hết gas, người tiêu dùng chỉ cần bấm số điện thoại báo cho đại lý loại bình đang sử dụng là chỉ ít phút sau đã có người mang đến tận nhà thay thế. Tuy nhiên, dường như các cơ sở cung cấp ít khi để ý các biện pháp an toàn trong quá trình vận chuyển bình gas…
Vận chuyển gas nhưng không sử dụng các biện pháp bảo đảm an toàn (Ảnh chụp trên đường Trần Quang Khải, TP. Đồng Hới).
Vận chuyển gas nhưng không sử dụng các biện pháp bảo đảm an toàn (Ảnh chụp trên đường Trần Quang Khải, TP. Đồng Hới).
Qua các phương tiện thông tin đại chúng, người dân có thể biết được các vụ tai nạn do rò rỉ khí gas gây cháy nổ mang lại hậu quả hết sức khôn lường. Do bị nén thành khí hóa lỏng trong môi trường áp suất cao nên khi xảy ra sự cố, khí gas có sức công phá rất lớn, gây ra các vụ tai nạn chết người, hư hại tài sản. Bởi vậy, các biện pháp bảo đảm an toàn trong quá trình sản xuất, sang chiết khí gas, vận chuyển, tiêu thụ… luôn được các cơ quan chức năng khuyến cáo và bắt buộc các nhà sản xuất, đại lý cam kết thực hiện.
 
Được biết, khí gas gồm thành phần chủ yếu là khí Propane (C3H8), Butane (C4H10) và một số phụ gia khác. Một lít khí gas hóa lỏng nén vào bình, khi thoát ra ngoài sẽ tạo thành 250 lít thể khí. Từ trước đến nay, người sử dụng thường được cảnh báo trong quá trình đun nấu, nếu không thường xuyên kiểm tra bếp, dây dẫn, van, các vị trí đấu nối…, dẫn đến rò rỉ khí gas cùng với nguồn nhiệt rất nhỏ sẽ gây tai nạn cháy nổ. Tuy nhiên, cơ quan quản lý ít khi để ý một “khâu” rất quan trọng, đó là: quá trình vận chuyển khí gas nói chung và vận chuyển khí gas đơn lẻ đến các hộ gia đình.
 
Anh Nguyễn Văn Quảng, ở phường Bắc Lý, TP. Đồng Hới cho hay: "Hàng ngày, trên các tuyến đường, tôi thường bắt gặp hình ảnh người vận chuyển khí gas nhưng không có các dụng cụ chuyên dùng bảo đảm an toàn. Để tiện lợi và luồn lách vào các đường nhỏ, họ thường đặt bình gas vắt vẻo trên giá thô sơ phía sau xe máy".
 
Chúng ta dễ dàng bắt gặp trên đường phố hình ảnh người vận chuyển một tay điều khiển xe máy, một tay quàng ra sau giữ bình gas. Không chỉ chở bình 12kg, nhiều khi bình gas 48kg cũng được vận chuyển thủ công như thế, nên dễ xảy ra cháy nổ nếu gặp tai nạn giao thông. Lúc đó, hậu quả rất khủng khiếp vì các bình gas như những quả “bom” khí mang tai họa đối với bản thân người vận chuyển và người đi đường, phương tiện lưu thông xung quanh.
 
Theo đại diện Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh cho biết, trong thực tế các vụ cháy nổ khí gas nguyên nhân là do rò rỉ, chứ không phải là do nổ bình gas. Các loại bình gas 12kg và 48kg sẽ nổ vật lý khi vận chuyển trên đường không may bị rơi, bị va đập mạnh.
 
Do vậy, đề nghị các nhà sản xuất, đại lý cung ứng khí gas trên địa bàn cần tuân thủ các quy định về sang chiết, bảo quản, sử dụng khí gas, đặc biệt là các biện pháp an toàn trong quá trình vận chuyển bình gas đến thay, đổi cho người tiêu dùng. Vì chỉ cần sơ suất bỏ qua quy định sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường đối với tài sản và tính mạng con người.
 
Trần Minh Văn