Tổ ấm của trẻ mồ côi

  • 07:55 | Thứ Tư, 25/11/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đã từ lâu, Làng trẻ em SOS Đồng Hới được coi là mái nhà chung của rất nhiều trẻ em không nơi nương tựa ở Quảng Bình. Từ tấm lòng và tình yêu thương của những người phụ nữ mà các em vẫn gọi bằng “mẹ”, hơn 14 năm qua, đây chính là mái nhà thân thiết, là tổ ấm chở che cho các em trong cuộc sống này. 
 
Làng trẻ em SOS Đồng Hới được khởi công xây dựng từ đầu năm 2004 và hoàn thành, bàn giao đi vào sử dụng năm 2006. Làng được xây dựng với quy mô gồm 12 nhà ở gia đình, mỗi nhà gắn với tên một loài hoa, xây dựng theo mô hình dựa trên nền tảng 4 nguyên tắc sư phạm của Làng trẻ em SOS quốc tế là: bà mẹ, anh-chị-em, mái ấm gia đình và cộng đồng làng.
  Dù không máu mủ ruột thịt, nhưng các trẻ trong Làng trẻ em SOS Đồng Hới rất gắn bó, yêu thương nhau.
Dù không máu mủ ruột thịt, nhưng các trẻ trong Làng trẻ em SOS Đồng Hới rất gắn bó, yêu thương nhau.
Làng trẻ em SOS Đồng Hới hiện có có 12 bà mẹ, 2 bà dì trực tiếp chăm sóc và nuôi dưỡng 158 trẻ, mỗi trẻ một hoàn cảnh, một số phận khác nhau, nhưng tất cả đều yêu thương, gắn bó với nhau. Trong đó, 73 trẻ đang được nuôi dưỡng tại 12 nhà gia đình, 22 trẻ đang sinh sống tại Lưu xá thanh niên, 32 trẻ đang theo học các trường đại học, cao đẳng và học nghề, 31 trẻ đang hưởng chế độ bán tự lập.
 
Hầu hết các em nhỏ ở Làng SOS đều là trẻ mồ côi, thiếu đi tình thương yêu và trách nhiệm của những người cha, người mẹ, thế nhưng, các em vẫn không cảm thấy đơn độc vì lúc nào cũng được các cán bộ, nhân viên của làng thương yêu và hơn hết là sự quan tâm chăm sóc, chở che của các mẹ, các dì.
 
Từ khi mới 10 tháng tuổi, em Nguyễn Thị Trâm Anh đã bị ba mẹ bỏ rơi và được Làng Trẻ em SOS Đồng Hới đón nhận. Đến nay, em đã được 4 tuổi, cũng là 4 năm được các mẹ, các dì nuôi nấng, dạy dỗ. Mẹ Nguyễn Thị Thanh Thủy, người đang nuôi dưỡng Trâm Anh cùng 6 người con khác tại nhà số 2 Thược Dược cho biết: "Buổi đầu, do tâm lý, nhớ nhà nên các con không muốn ở, nhưng bằng tình cảm, sự yêu thương, tôi đã giải thích, phân tích, dần dần các con tự nhận thấy đây chính là ngôi nhà thứ 2 ấm áp của mình nên rất nghe lời mẹ, chịu khó học hành. Hàng ngày, ngoài thời gian học, các cháu lớn thường giúp mẹ dọn nhà, nấu cơm, kèm cặp các em học bài."
 
Mới 5 tuổi, Hoàng Thị An, ở thị trấn Hoàn Lão đã mồ côi cả bố lẫn mẹ, được người chú ruột nuôi, nhưng do hoàn cảnh khó khăn, năm lên 6 tuổi em được chú đem vào Làng trẻ SOS. Em là một trong những đứa trẻ lứa đầu tiên của Làng trẻ em SOS Đồng Hới, đến nay cũng đã được 14 năm. 14 năm ấy là một quá trình em được các mẹ, các dì chăm sóc, nuôi nấng. Đến nay, em đã là sinh viên năm 4 khoa Vật lý trị liệu, phục hồi chức năng Trường đại học kỹ thuật Y dược Đà Nẵng.
 
Ngoài em Nguyễn Thị Trâm Anh và em Hoàng Thị An còn có hàng trăm trẻ em mồ côi được Làng trẻ em SOS đón nhận và chăm sóc. Bằng tất cả tình thương, trách nhiệm của mình, các mẹ, dì luôn cố gắng hoàn thành công việc được giao, chăm lo cho các con từng bữa ăn, giấc ngủ, bù đắp cho các con về vật chất và tinh thần với mong muốn mang lại nhiều niềm vui cùng một cuộc sống tràn đầy tình yêu thương cho các con.
 
Ngày nào cũng vậy, từ sáng sớm cho tới đêm khuya, biết bao công việc từ chuẩn bị bữa ăn, lau rửa, giặt giũ, đến đưa con đi học, chợ búa, dọn dẹp nhà cửa... đều qua bàn tay các mẹ, các dì. Các mẹ, các dì thực sự là chỗ dựa tinh thần ấm áp cho mỗi số phận trẻ thơ bất hạnh được đón vào làng.
   Các trẻ ở Làng trẻ em SOS được sự quan tâm chăm sóc, chở che của các mẹ, các dì.
Các trẻ ở Làng trẻ em SOS được sự quan tâm chăm sóc, chở che của các mẹ, các dì.
Ông Nguyễn Ngọc Ninh, Giám đốc Làng trẻ em SOS Đồng Hới cho biết: Năm học 2019-2020, làng có 15 trẻ đạt học lực giỏi chiếm 16,9%, 60 trẻ đạt học lực khá chiếm 67,5%; 99% trẻ đạt hạnh kiểm khá, tốt. Bên cạnh đó, làng có 2 trẻ đạt thành tích cao trong cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh, 3 trẻ đạt giải trong cuộc thi thể thao cấp thành phố và 12 trẻ đạt giải tại các cuộc thi thể dục-thể thao, viết chữ đẹp cấp trường.
 
Ngoài thời gian học văn hóa ở trường, các hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao cũng được làng tạo điều kiện cho các em nhỏ nơi đây phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần, bù đắp cho những thiệt thòi, mất mát mà các em phải gánh chịu. 
 
Có thể nói, Làng trẻ em SOS Đồng Hới bao nhiêu năm qua thực sự là tổ ấm của trẻ mồ côi trong tỉnh. Biết bao em nhỏ đã lớn lên từ tấm lòng, tình yêu thương của các mẹ, các dì rồi trưởng thành và đi tìm hạnh phúc riêng của mình. Tuy nhiên, hiện nay, làng chưa có nhà cho bà mẹ sau khi nghỉ hưu.
 
Trong khi đó, tổ chức SOS Quốc tế đã cắt giảm kinh phí đối với Làng trẻ em SOS Việt Nam nói chung và Làng trẻ em SOS Đồng Hới nói riêng. Vì vậy, để bảo đảm các mẹ, các dì sau khi cống hiến sẽ có được ngôi nhà nghỉ ngơi khi về già, rất cần nguồn hỗ trợ từ Nhà nước và nguồn xã hội hóa.
 
Phạm Hà