"Tìm ảnh cho anh"

  • 09:01 | Chủ Nhật, 01/11/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tại trận hải chiến Trường Sa ngày 14-3-1988, 64 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Hơn 30 năm đã trôi qua, ký ức bi tráng về các anh vẫn sống mãi trong trái tim những người yêu nước. Nhưng phía sau đó vẫn còn những nỗi niềm day dứt. Đó là tại Nhà trưng bày khu tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma tại tỉnh Khánh Hòa còn thiếu di ảnh liệt sĩ Trần Quốc Trị, quê Quảng Bình. Mang theo nỗi niềm day dứt đó, người thầy giáo nặng lòng với Trường Sa bắt đầu hành trình “Tìm ảnh cho anh”. Và chúng tôi may mắn được đồng hành cùng ông, được chứng kiến những phút giây xúc động trào nước mắt.
 
Hành trình tìm ảnh
 
Năm 2019, trong một chuyến công tác tại tỉnh Khánh Hòa, PGS.TS Ngô Văn Minh, Trưởng khoa Dân tộc và Tôn giáo, Học viện Chính trị Hồ Chí Minh khu vực 3 đã đến thăm nhà trưng bày khu tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm. Ngắm nhìn di ảnh các liệt sĩ, lòng ông trào lên nỗi day dứt khi vị trí di ảnh liệt sĩ Trần Quốc Trị (sinh năm 1966, xã Đồng Trạch, huyện Bố Trạch), chỉ là một ô trống.
 
Trao đổi với người phụ trách nhà tưởng niệm, được biết dù đã tìm nhiều cách, nhưng đến thời điểm đó vẫn không thể tìm được bất cứ một hình ảnh nào của liệt sĩ Trần Quốc Trị.
 
“Không thể có chuyện một con người như thế ra đi mà không để lại bất cứ hình ảnh nào. Tôi có một niềm tin mãnh liệt là sẽ tìm thấy di ảnh của liệt sĩ Trần Quốc Trị!”. Mang theo niềm tin ấy, PGS.TS Ngô Văn Minh đã nhiều lần tìm ảnh liệt sĩ suốt chiều dài các tỉnh miền Trung. Trong những chuyến công tác tại Quảng Bình, ông luôn chia sẻ thông tin với nhiều người và dành thời gian tìm kiếm.
Khoảng trống trên khung ảnh những liệt sĩ Gạc Ma sẽ được lấp đầy.
Khoảng trống trên khung ảnh những liệt sĩ Gạc Ma sẽ được lấp đầy.
Từ thông tin của PGS.TS Ngô Văn Minh, chúng tôi cũng đã nhiều lần về huyện Bố Trạch gặp người thân của liệt sĩ Trần Quốc Trị để từ đó tìm kiếm những người bạn của liệt sĩ với niềm hy vọng là có thể tìm thấy ảnh, dù là ảnh chụp chung với mọi người. Huyện đoàn Bố Trạch cũng đã chia sẻ thông tin để đoàn viên chung tay tìm kiếm.
 
Chị Trương Thị Thúy Vân, nguyên Phó Bí thư Huyện đoàn cho biết, Huyện đoàn Bố Trạch đã phát động chương trình “Tìm ảnh cho anh” và phân công các cơ sở Đoàn liên hệ với đồng đội, bạn bè của liệt sĩ trong tỉnh và toàn quốc nhưng vẫn không có kết quả. Gia đình liệt sĩ cho biết, trước đây có một bức ảnh liệt sĩ Trần Quốc Trị chụp chung với hai người bạn, nhưng trong một trận bão, bức ảnh đã hỏng cùng với nhiều giấy tờ. Gia đình cũng đang ngày đêm hy vọng và mong mỏi có một ngày sẽ tìm được ảnh của anh.
 
Dù nhiều cuộc tìm kiếm trở nên vô vọng, nhưng hành trình “Tìm ảnh cho anh” vẫn tiếp tục được PGS.TS Ngô Văn Minh và nhiều người  kiên trì tiến hành theo nhiều hướng khác nhau. Cho đến ngày đầu tháng 1-10-2020, hy vọng cuối cùng là tìm ở kho lưu trữ tàng thư căn cước công dân thuộc Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (CSQLHC về TTXH), Công an tỉnh Quảng Bình đã mang lại tin vui.
 
Thượng tá Trần Thị Hồng Phượng, Phó trưởng phòng CSQLHC về TTXH đã tìm được hồ sơ lưu trữ của liệt sĩ Trần Quốc Trị, trong đó có bức ảnh chân dung với đầy đủ thông tin. Khi báo tin này, chị Phượng không giấu được niềm vui, còn PGS.TS Ngô Văn Minh gần như vỡ òa vì xúc động.
 
Ngay trong tối hôm đó, chúng tôi về thôn 4, xã Đồng Trạch để gặp gia đình liệt sĩ Trần Quốc Trị. Anh Trần Quốc Tuấn (sinh năm 1954), anh trai liệt sĩ Trần Quốc Trị, khi ngắm nhìn bức ảnh đã nhận ngay ra người em trai út của mình. Ngắm thật kỹ hình ảnh người em trai út đã hơn ba mươi năm chia xa, anh Tuấn không giấu khỏi niềm xúc động. “Thật may mắn là cuối cùng chúng tôi cũng có được bức ảnh của chú ấy.
 
Di ảnh của liệt sĩ Trần Quốc Trị
Di ảnh của liệt sĩ Trần Quốc Trị
 
Lần tiễn em trai lên đường nhập ngũ năm ấy không ngờ là lần chia tay cuối cùng của chúng tôi. Những năm qua cũng có nhiều cơ quan, đoàn thể và cá nhân giúp gia đình tìm ảnh chú nhưng không tìm được. Bức ảnh duy nhất chú chụp chung với hai người bạn cũng bị bão lụt làm hư hỏng, nên chúng tôi càng mong mỏi tìm được ảnh của chú!”. Anh Tuấn xúc động chia sẻ.
 
Chút băn khoăn cuối cùng cũng được giải tỏa sau cuộc gặp mặt với gia đình liệt sĩ Trần Quốc Trị. Đó là tàng thư căn cước mang tên Trần Văn Trị nhưng giấy báo tử lại là Trần Quốc Trị. Anh Trần Quốc Tuấn cho biết, trước thời điểm nhập ngũ, một số giấy tờ của liệt sĩ mang tên Trần Văn Trị, trong đó có bản khai căn cước công dân. Sau khi nhập ngũ, anh đã đổi tên là Trần Quốc Trị, cùng chữ đệm như các anh trai của mình.
 
Thắp nén hương lên bàn thờ liệt sĩ Trần Quốc Trị, PGS.TS Ngô Văn Minh không giấu được niềm xúc động. Bởi lẽ, dẫu họ là hai người xa lạ, người quê Quảng Bình, người quê Quảng Nam và chưa một lần gặp mặt, nhưng lại có những điểm chung là tình yêu, sự gắn bó với Trường Sa. Nếu liệt sĩ Trần Quốc Trị và những đồng đội của anh đã ngã xuống, máu thịt hòa vào với biển đảo Trường Sa vì nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển và quần đảo Trường Sa, thì PGS.TS Ngô Văn Minh là người đau đáu với những ký ức bi hùng của Trường Sa, Hoàng Sa, những vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc.
 
Ông là người đã có trên 30 bài nghiên cứu về Trường Sa, Hoàng Sa và một cuốn sách “không thể không viết” mang tên “ Biển, đảo - Máu thịt quốc gia, không gian sinh tồn của dân tộc”. Có lẽ tình yêu ấy đã kết nối họ lại với nhau, để cùng nhau hội ngộ tại quê nhà liệt sĩ trong bối cảnh đầy xúc động.
 
Sum họp
 
Sau khi tìm được ảnh liệt sĩ Trần Quốc Trị, thầy trò chúng tôi đã trực tiếp gặp và trao đổi xác minh đúng người trong ảnh với gia đình liệt sỹ. Tiếp đó, chúng tôi liên lạc với Ban quản lý khu tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm (tỉnh Khánh Hoà). Với niềm vui như vỡ òa, chị Nguyễn Thị Anh, Phó Giám đốc Khu tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma chia sẻ: “Khu tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma được hoàn thành và mở cửa từ tháng 9-2017.
 
Mỗi  ngày, khi nhìn vào ô trống ở vị trí bức ảnh liệt sĩ Trần Quốc Trị, chúng tôi luôn cảm thấy trống vắng và day dứt. Nên trong nội dung thuyết minh của hướng dẫn viên về khu tưởng niệm luôn có câu kết, rằng ai có thông tin về hình ảnh của liệt sĩ Trần Quốc Trị, xin vui lòng chia sẻ để anh được sum họp cùng 63 đồng đội của mình, để xóa đi nỗi trống vắng, day dứt trong lòng người ở lại!”.
PGS.TS Ngô Văn Minh gặp gỡ gia đình liệt sĩ Trần Quốc Trị tại xã Đồng Trạch.
PGS.TS Ngô Văn Minh gặp gỡ gia đình liệt sĩ Trần Quốc Trị tại xã Đồng Trạch.
Giờ thì niềm mong ước đó đã thành hiện thực. PGS.TS Ngô Văn Minh cho biết, ông sẽ vào Khánh Hòa và tận tay trao ảnh liệt sĩ Trần Quốc Trị cho Ban Quản lý khu tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma. Cuối cùng thì với niềm tin mãnh liệt và tình yêu dành cho những người anh hùng đã ngã xuống vì chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, hành trình “tìm ảnh cho anh” cũng đi đến hồi kết có hậu.
 
Bàn thờ liệt sĩ tại ngôi nhà nhỏ nơi quê nhà giờ ấm áp hơn bởi hình ảnh gương mặt trẻ trung, hồn hậu của liệt sĩ Trần Quốc Trị. Và tại khu tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma, khoảng trống cũng được lấp đầy, ấm áp như cuộc trùng phùng sau những tháng ngày chia xa của anh và 63 đồng đội.
 
Tôi chợt nhớ niềm xúc động và hân hoan của chị Nguyễn Thị Anh khi nghe tin về bức ảnh của liệt sĩ Trần Quốc Trị, rằng dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22-12 năm nay sẽ trọng đại hơn rất nhiều. Bởi lẽ ngoài lễ cúng giỗ các liệt sĩ theo truyền thống dân tộc, Ban Quản lý khu tưởng niệm sẽ tổng kết và trao thưởng cuộc thi Tìm hiểu về đảo Gạc Ma, đặc biệt là bức ảnh của liệt sĩ Trần Quốc Trị được ngay ngắn xếp hàng bên đồng đội thân thương, gắn bó vĩnh viễn như hơn 30 năm trước, họ đã hiên ngang nắm chặt tay nhau!
 
         Diệp Đồng - Nội Hà