TP. Đồng Hới:

Đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ người lao động, hộ kinh doanh

  • 13:52 | Thứ Sáu, 11/09/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - TP. Đồng Hới là địa bàn tập trung nhiều doanh nghiệp cũng như hộ kinh doanh, lao động bị mất việc làm do đại dịch Covid-19. Để kịp thời hỗ trợ các nhóm đối tượng này, thành phố đã tập trung rà soát, lập danh sách trình các cấp thẩm định, phê duyệt và đẩy nhanh tiến độ chi trả, hỗ trợ nhằm tạo điều kiện cho người lao động (NLĐ), hộ kinh doanh nhanh chóng được thụ hưởng nguồn kinh phí hỗ trợ của Chính phủ.
 
Thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP, ngày 9-4-2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, ngày 24-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, cuối tháng 5-2020, TP. Đồng Hới hoàn thành việc hỗ trợ cho 6.569 người thuộc nhóm đối tượng người có công với cách mạng, hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội với số tiền hơn 9,2 tỷ đồng.
 
Tuy nhiên, giai đoạn triển khai chính sách hỗ trợ cho các đối tượng NLĐ, hộ kinh doanh lại gặp khó khăn và phức tạp. Nhóm đối tượng này chủ yếu bao gồm: NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương; NLĐ bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; NLĐ không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm; hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm. 
  Các địa phương trên địa bàn TP. Đồng Hới triển khai chi trả hỗ trợ NLĐ, hộ kinh doanh gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Các địa phương trên địa bàn TP. Đồng Hới triển khai chi trả hỗ trợ NLĐ, hộ kinh doanh gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Đây là nhóm đối tượng không có danh sách sẵn, thời gian rà soát gấp, số lượng lớn nên việc rà soát, xác định và phân loại đối tượng NLĐ thuộc các nhóm gặp nhiều khó khăn, nhất là NLĐ không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc. Thông tin cá nhân của đối tượng không thống nhất, trong đó, việc cung cấp thông tin không chính xác (ngày, tháng, năm sinh, hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân) gây ảnh hưởng rất lớn trong việc kiểm tra đối chiếu xác định đối tượng.
 
Ngoài ra, việc phối hợp rà soát các hộ kinh doanh, doanh nghiệp, NLĐ mất việc, thiếu việc, ngừng việc, bị giảm sâu thu nhập cũng rất phức tạp và mất nhiều thời gian thẩm định, xác nhận của các ngành chức năng... Do đó, công tác lập, kiểm tra danh sách và xác minh thông tin với hộ dân trên địa bàn thành phố có nhiều khó khăn, kéo theo tiến độ triển khai rà soát, lập danh sách hỗ trợ tại một số xã, phường còn chậm và việc chi trả đã kéo dài hơn so với dự kiến.
 
 
Theo ông Nguyễn Hữu Đắc, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP. Đồng Hới, để đẩy nhanh tiến độ chi trả hỗ trợ, đối với nhóm hộ kinh doanh, thành phố chỉ đạo Chi cục Thuế khu vực Đồng Hới-Quảng Ninh gửi danh sách các hộ kinh doanh được quản lý thuế trên địa bàn có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm đến các xã, phường để rà soát.
 
Đối với NLĐ thất nghiệp, các xã, phường khẩn trương triển khai công tác hướng dẫn, tuyên truyền về chính sách hỗ trợ và tập trung rà soát, lập danh sách với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để xác định đúng đối tượng được hỗ trợ.
 
Riêng với NLĐ đang làm việc tại các doanh nghiệp, thành phố tích cực phối hợp các ngành, như: Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp, Bảo hiểm xã hội, Liên đoàn Lao động…, thông báo đến các doanh nghiệp về đối tượng được hưởng hỗ trợ; đồng thời, đôn đốc các doanh nghiệp có các trường hợp thuộc diện hỗ trợ gửi danh sách về tổ công tác để tiếp nhận rà soát, thẩm định.
 
Với sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, đến nay, TP. Đồng Hới đã hoàn thành việc lập danh sách đối với tất cả các nhóm đối tượng, trình các cấp thẩm định, phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ đối với 5.634 NLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn.
 
Cụ thể, 4.686 đối tượng là NLĐ không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm và 68 hộ kinh doanh có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm, mỗi người (hộ) được nhận kinh phí hỗ trợ là 1 triệu đồng (trong tháng 4); 854 lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động của 86 doanh nghiệp được nhận kinh phí hỗ trợ với mức 1.800.000 đồng/người, thông qua hình thức chuyển khoản trực tiếp đến số tài khoản của NLĐ; 2 doanh nghiệp có khó khăn về tài chính được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội trên 136,8 triệu đồng để trả lương cho 26 lao động. Tổng kinh phí thực hiện chi trả đợt này trên 6,428 tỷ đồng.
 
Đến thời điểm hiện nay, 11 xã, phường, gồm: Thuận Đức, Đồng Sơn, Bắc Nghĩa, Đức Ninh, Đức Ninh Đông, Đồng Hải, Nam Lý, Bắc Lý, Lộc Ninh, Đồng Phú, Nghĩa Ninh đã và đang triển khai chi trả hỗ trợ trực tiếp cho 754 đối tượng, gồm: các hộ kinh doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm và NLĐ không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm với tổng số kinh phí 771 triệu đồng.
 
Bà Lê Thị Thu Cúc, Bí thư Đảng ủy phường Đồng Phú cho biết, vào ngày 4-9-2020, địa phương đã thực hiện chi trả hỗ trợ cho 388 trường hợp NLĐ không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm với kinh phí 388 triệu đồng. Mặt trận phường cũng đã tổ chức đoàn giám sát phân công các thành viên phụ trách địa bàn tổ dân phố trực tiếp theo dõi, giám sát và nắm bắt tình hình trong nhân dân từ thời điểm phường tổ chức lập hồ sơ, họp xét ở tổ dân phố, niêm yết công khai tại các nhà văn hóa tổ dân phố, trụ sở UBND phường cho đến khi chi trả. Kết quả, phường Đồng Phú đã hoàn thành chi trả đúng 100% đối tượng, bảo đảm kịp thời, nhanh chóng, tạo thuận lợi cho người dân nhận tiền hỗ trợ.
 
Chị Nguyễn Thị Thắng, phụ bếp quán ăn ở đường Lý Thường Kiệt, phường Đồng Phú, chia sẻ: “Dịch bệnh kéo dài, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là NLĐ tự do như chúng tôi. Vì vậy, với mỗi người dân, số tiền hỗ trợ không quá nhiều nhưng trong hoàn cảnh bị mất việc làm, mất thu nhập vì dịch bệnh thì khoản tiền này góp phần giúp chúng tôi trang trải các chi phí sinh hoạt cần thiết…”.
 
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Đồng Hới Hoàng Ngọc Đan, dù còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, song thành phố đã và đang tích cực đẩy nhanh tiến độ công tác chi trả, hỗ trợ cho NLĐ, hộ kinh doanh gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 42 của Chính phủ, Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, trong quá trình triển khai thực hiện, với sự chỉ đạo sát sao của chính quyền các cấp, các địa phương đã chủ động phối hợp với Mặt trận, đoàn thể chính trị-xã hội các cấp giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ nhằm bảo đảm không để sót đối tượng, không để xảy ra trục lợi chính sách, tiêu cực... Việc thực hiện hỗ trợ đúng đối tượng, đúng quy định, công khai, minh bạch sẽ là sự động viên, chia sẻ, giúp người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay…
 
Thùy Lâm