Những kết quả bước đầu trong công tác thu gom và xử lý rác thải tại nguồn

  • 09:15 | Chủ Nhật, 06/09/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian qua, công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn đã được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự tham gia tích cực của Mặt trận, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân. Nhờ đó, nhận thức về bảo vệ môi trường (BVMT) được nâng lên, công tác thu gom, vận chuyển xử lý rác thải được triển khai chặt chẽ, có hệ thống hơn với nhiều mô hình phát huy hiệu quả.
 
Theo ông Phan Xuân Hào, Chi cục trưởng Chi cục BVMT (Sở Tài nguyên-Môi trường), việc xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải rắn hiện chủ yếu được thực hiện thông qua các bãi chôn lấp có quản lý, thiết kế, xây dựng, vận hành theo quy định của Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BKHCNMT-BXD.
 
Bên cạnh đó, một phần các loại rác thải được thu gom đưa về xử lý tại Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt của Công ty TNHH Phát triển dự án Việt Nam tại xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch. Hiện tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải bình quân trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 77,4%. Trong đó, TP. Đồng Hới đạt tỷ lệ 94,2%, Lệ Thủy 81,8%, Quảng Ninh 75%, Quảng Trạch 72,7%, Bố Trạch 67,7%,  Tuyên Hóa 67,5%, Minh Hóa 59,3% và  thị xã Ba Đồn 82%.
 
Đáng chú ý, gần đây, việc triển khai, áp dụng các mô hình thu gom, xử lý rác thải thí điểm tại hộ gia đình theo nguồn kinh phí từ Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đã đóng vai trò quan trọng trong công tác quản lý chất thải sinh hoạt tại địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phân loại rác thải tại nguồn, giảm đáng kể lượng rác thu gom, vận chuyển đưa đi xử lý. Cụ thể, các mô hình này đã góp phần đưa tỷ lệ rác sinh hoạt nông thôn được thu gom đạt khoảng 69,4%, phân loại tại nguồn đạt 30%; 12 lò đốt rác thải cấp xã trở lên và 16 mô hình thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn hoạt động có hiệu quả, bền vững...
 
Các mô hình này cũng đã góp phần giảm được áp lực ngân sách chi trả cho công tác vận chuyển, xử lý và giải quyết được một phần bức bách về ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra. Cùng với đó, công tác BVMT trong xây dựng nông thôn mới đã góp phần cải thiện môi trường sống của cộng đồng dân cư một cách rõ nét; công tác vệ sinh môi trường có chuyển biến tích cực, dần hình thành ý thức BVMT trong cộng đồng dân cư. 
Rác thải được phân loại tại một bãi rác trên địa bàn huyện Lệ Thủy.
Rác thải được phân loại tại một bãi rác trên địa bàn huyện Lệ Thủy.
Cũng theo ông Phan Xuân Hào, bên cạnh những kết quả đạt được bước đầu, việc triển khai, áp dụng các mô hình thu gom, xử lý rác thải thí điểm tại hộ gia đình theo nguồn kinh phí từ Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới hiện chỉ mới được áp dụng đối với hộ nghèo và hộ cận nghèo, nên khó khăn trong việc việc triển khai nhân rộng tại các địa phương trong tỉnh.
 
Trong khi đó, công tác xã hội hóa việc thực hiện tiêu chí BVMT ở một số địa phương hiệu quả chưa cao nên chưa huy động được nguồn lực và sự tham gia tích cực của người dân. Một số địa phương còn thụ động trong việc quản lý, xử lý các vấn đề môi trường phát sinh trên địa bàn; chưa chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền. Công tác quản lý chất thải rắn tại một số địa phương còn bất cập, đặc biệt là khu vực nông thôn, miền núi.
 
Việc bố trí nguồn lực cho hoạt động thu gom, xử lý rác thải còn hạn chế nên tỷ lệ thu gom xử lý rác thải tại một số huyện còn thấp. Hạ tầng môi trường xử lý rác thải đã được quan tâm đầu tư, tuy nhiên, chưa đáp ứng được yêu cầu, trong khi các dự án đầu tư từ nguồn lực xã hội hóa triển khai còn chậm. Trên địa bàn hiện chưa có cơ sở, tổ chức thu gom, vận chuyển xử lý chất thải nguy hại nên chưa chủ động giải quyết được chất thải nguy hại phát sinh...
 
Để phát huy và nâng cao hơn nữa hiệu quả các mô hình thu gom, xử lý rác thải thí điểm tại hộ gia đình theo nguồn kinh phí từ Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục nhân rộng triển khai thực hiện mô hình phân loại rác thải tại nguồn, xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình.
 
Đồng thời, cần tăng cường công tác tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, ý nghĩa, trách nhiệm phân loại rác tại nguồn; hướng dẫn thực hiện, duy trì và phát huy hiệu quả mô hình xử lý rác thải hữu cơ tại gia đình; xây dựng và triển khai mô hình xử lý rác ứng dụng công nghệ cao, tái sử dụng chất thải tạo ra năng lượng ứng dụng vào đời sống, giảm dần và tiến tới chấm dứt công nghệ đốt bằng lò đốt độc lập, chôn lấp.
 
Để góp phần làm được điều đó, cần có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường trong xử lý rác thải; tăng cường đầu tư kinh phí cho công tác BVMT, nhất là việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải; triển khai các mô hình đồng bộ hóa trang thiết bị từ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt, kết hợp với tăng cường công tác quản lý, như: chỉ đạo, tuyên truyền, quán triệt, giám sát thực hiện mô hình nhằm đem lại hiệu quả thiết thực.
 
Cần có chính sách đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ môi trường để nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý nhà nước về BVMT từ cấp tỉnh đến huyện, xã; tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức người dân trong thực hiện các giải pháp về BVMT tại khu dân cư và trong đời sống hàng ngày...
                                                                                     
Bùi Thành