Người chiến sỹ công an ba lần được gặp Bác Hồ

  • 09:03 | Thứ Bảy, 05/09/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đó là đại tá, Anh hùng LLVTND Nguyễn Tri Phương, quê ở Thanh Trạch, Bố Trạch. Đã nhiều lần tôi được gặp ông về dự sinh hoạt câu lạc bộ thơ của xã Thanh Trạch. Lần này, tôi đến nhà ông ở Đồng Hới. Vẫn dáng người nhỏ nhắn, nụ cười luôn nở trên môi làm tôi cảm thấy thân thiết như anh em đi xa lâu ngày không gặp.  
 
Ông kể: Trận đánh ngày 28-4-1965 của 5 chiếc tàu hải quân ta đang trú ẩn trên khu vực lèn Voi và lèn Đứt Chân (Tuyên Hóa) với máy bay Mỹ vô cùng ác liệt. Lực lượng phòng không trên bờ chỉ có súng trường của dân quân. Trận đánh không cân sức. Các tàu được lệnh xuôi về hạ lưu hiệp đồng tác chiến với tiểu đoàn pháo 37mm. 4 tàu của ta lần lượt bị bắn cháy sau khi ngoan cường bắn rơi 5 máy bay giặc Mỹ và làm bị thương 4 chiếc khác. Khoảng 3 giờ chiều, chiếc tàu cuối cùng (T161) trúng đạn.
 
Ông Phương liền lấy những cây tre để các chiến sỹ bị thương nhẹ bám lấy và kéo vào bờ. Nghe thuyền phó báo trên tàu còn 9 người nữa, ông liền cho 1 đồng chí công an chạy về báo với xã đưa lực lượng ra ứng cứu, còn mình chạy dọc sông tìm thuyền. Cách bờ được chừng 100m thì máy bay địch lại ập tới. Chúng lao xuống bắn rốc két và đạn 20mm. Mọi người nhảy xuống sông tránh đạn. 
 Hai vợ chồng Anh hùng LLVTND Nguyễn Tri Phương-Nguyễn Thị Kim Ba.
Hai vợ chồng Anh hùng LLVTND Nguyễn Tri Phương-Nguyễn Thị Kim Ba.
Chiếc thuyền bị thủng, ông bèn cởi phăng chiếc áo đang mặc trên người bịt lỗ thủng rồi tát nước để anh em chèo ra tàu. Thương binh lên bờ an toàn thì máy bay địch vòng lại. Hai chiếc AD6 ném bom na-pan xuống tàu T126. Cả dòng sông biến thành biển lửa vây lấy chiếc tàu bất tử.
 
Xã Thanh Trạch đã trải qua hàng trăm trận đánh với máy bay giặc Mỹ, hàng chục nghìn quả bom Mỹ thả xuống quê hương ông. Và ông Phương cũng đã chỉ huy dân quân đánh trả máy bay, cứu nhiều người bị sập. 
 
Ngày 26-12-1966, ông cùng các cá nhân có thành tích của tỉnh Quảng Bình được ra Hà Nội dự Đại hội anh hùng, chiến sỹ thi đua chống Mỹ cứu nước lần thứ tư.
 
Tại đại hội, Bác Hồ đã biểu dương thành tích trong chiến đấu, sản xuất, học tập, công tác của các đại biểu. Sau 4 ngày diễn ra đại hội, ông Nguyễn Tri Phương và các anh hùng được tuyên dương lần lượt bước qua lễ đài. Phần tuyên dương ông Phương có đoạn: “…Tận tụy cùng nhân dân xây dựng cơ sở bảo vệ trị an, thực hiện công tác phòng không, kiên trì vận động nhân dân sơ tán, đào hầm hố trú ẩn, dù địch bắn phá ác liệt nhưng đã hạn chế được thiệt hại. Dũng cảm xông pha dưới làn bom đạn địch phục vụ chiến đấu, cứu chữa kịp thời đồng bào bị thương, bình tĩnh gan dạ tham gia chiến đấu hơn trăm trận” (*).   
 
Ngày 2-1-1967 các đơn vị và cá nhân được tuyên dương anh hùng được đến Phủ Chủ tịch gặp Bác và các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng. Bác nói: “Sở dĩ có anh hùng là có đất nước anh hùng, có dân tộc anh hùng, có Mẹ Việt Nam anh hùng. Được phong anh hùng đã khó, giữ được anh hùng còn khó hơn”. Bác chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu trước Phủ Chủ tịch. Mọi người quây quần bên Bác không ai muốn ra về.
 
Ngày 3-1-1967, Bác Hồ đã thân mật tiếp đoàn đại biểu anh hùng và chiến sỹ thi đua tỉnh Quảng Bình tại nhà làm việc của Người. Bác đọc tên từng anh hùng và bảo đứng dậy cho Bác nhìn mặt. Bác đọc đến tên Nguyễn Tri Phương và nhìn ông trìu mến. Bác biểu dương tinh thần chiến đấu dũng cảm của ông Phương đã góp phần cùng quân dân Quảng Bình bắn rơi 100 chiếc máy bay giặc Mỹ. Bác gửi thư khen Quảng Bình “Hai giỏi”. Bác tặng cờ “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” cho Quảng Bình.
 
Trở về tọa độ lửa Thanh Trạch, ông mang theo tình cảm của Bác Hồ đến với mọi người dân. Nơi nào có bom dội, nhà cháy, sập hầm, người bị thương, người chết là ông Phương có mặt. Ông làm Chủ tịch UBND xã rồi được điều lên Công an huyện làm nhiệm vụ trinh sát địa bàn vùng miền núi.
 
Mùa mưa năm 1968, giặc Mỹ tập trung đánh bến phà Xuân Sơn, phà B Nguyễn Văn Trỗi và tuyến đường 20. Một dân quân thôn Cù Lạc hy sinh khi rà bom từ trường. Nhân dân hoang mang không ai dám đi gặt lúa. Ông Phương đích thân đi phá hết bom từ trường để bà con yên tâm gặt mùa.
 
Trận bom ngày 18-9-1972 đã sát hại 18 người, trong đó có bố, vợ và con ông. Đầu năm 1973, với cương vị Trưởng công an huyện Bố Trạch mặc dù trong cảnh “gà trống nuôi con”, ông vẫn tích cực xông pha xây dựng phong trào “Giữ gìn an ninh Tổ quốc” với quyết tâm “đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược”.
 
Ngày 13-1-1973, giặc Mỹ lại ném bom xuống Thanh Trạch cướp đi sinh mạng của hơn 150 con người. Ông Phương đã cho băng bó, cấp cứu người bị thương kịp thời chuyển viện. Còn lại ông huy động vận chuyển quan tài ở khu vực Thanh Trạch, Hải Trạch, Phú Trạch, Bắc Trạch, Hạ Trạch về khâm liệm các tử thi…
 
Bốn mươi hai năm hoạt động trong ngành Công an, lên làm Phó ban An ninh Bình-Trị- Thiên, rồi Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình, nhiệm vụ nào ông cũng hoàn thành xuất sắc. Ông nói có được kết quả đó là nhờ truyền thống của quê hương lũy thép anh hùng, nhờ sự giáo dục của Đảng, của ngành và nhất là thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ.
 
Thành công của ông có sự góp phần không nhỏ của người vợ đảm đang Nguyễn Thị Kim Ba, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa, đã thay người vợ đầu nuôi các con khôn lớn. Rất nhiều nhà văn, nhà báo nổi tiếng đã viết về ông. Nhưng tôi thích nhất vẫn là những bài viết của vợ, con ông.
 
“Ngược dòng Gianh anh về cùng em/Ngắm núi lèn chập chùng ẩn hiện/Tìm lại cành sung nghiêng mình trên bến/Ta nhớ về năm tháng chúng mình yêu…” (Quê hương yêu thương-Nguyễn Thị Kim Ba). Trong bài dự thi “Bác Hồ với Công an nhân dân, học tập và thực hiện sáu điều Bác Hồ dạy” do Trường đại học An ninh nhân dân tổ chức, con gái ông-tiến sỹ Nguyễn Thị Lan Hồng có đoạn: “…Ba tôi, một con người bình dị và một nỗi đau canh cánh bên lòng. Đã bao lần tôi thấy ba tôi lặng đi bên bức ảnh của những người thân yêu, mà chiến tranh đã nhẫn tâm cướp mất hạnh phúc và sự ấm êm của một mái ấm gia đình. Đã bao lần tôi thấy ba lặng lẽ một mình giữa đêm khuya viết báo cáo, hay lên kế hoạch chiến đấu. Tôi thương ba tôi không được hưởng những ngày tết đến xuân về êm ấm cùng gia đình mà phải nằm rừng sâu phục kích bọn phản động năm ấy…”.  Bài đạt giải nhì và con gái ông nay là thượng tá Công an, công tác tại Phòng Đào tạo, Học viện An ninh nhân dân.
 
Trong bài “Lời Bác dạy” ông đã viết: “Lời Bác dạy/Là ánh sáng chỉ đường/Nửa thế kỷ qua/Thấm sâu lời Bác/Dù gian khổ hy sinh/Vì bình yên Tổ quốc/Đất nước đang vươn mình/Văn minh hạnh phúc/Cuộc chiến mới/Nhiều thử thách/Càng phải soi gương Người”. Đó là ánh sáng soi rọi cho ông bước tiếp.
 
                                                                           Hoàng Minh Đức    
 
  (*) Báo cáo của Chính phủ năm 1966.