Linh hoạt, chủ động phòng, chống thiên tai

  • 10:47 | Thứ Tư, 23/09/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng từ diễn biến bất thường của thời tiết, huyện Quảng Ninh đã chủ động xây dựng các phương án linh hoạt, sẵn sàng ứng phó.
 
Năm 2019, biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết và thiên tai diễn biến bất thường tác động lớn đến đời sống và sản xuất của người dân địa phương. Tại Quảng Ninh, lượng mưa ít, dung tích một số hồ đập nhỏ đạt thấp khiến 600ha lúa, 300 ha rau, hoa màu và nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng. Kèm theo đó, lốc xoáy tại 2 xã Vạn Ninh, Trường Sơn và hậu quả của bão số 4 cùng áp thấp nhiệt đới đầu tháng 9-2019 gây mưa lớn khiến nhiều diện tích lúa bị ảnh hưởng, hàng chục ngôi nhà bị ngập sâu trong lũ...
 
Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Quảng Bình, trong những tháng còn lại của năm 2020, thời tiết sẽ còn diễn biến phức tạp với không khí lạnh tăng cường từ giữa tháng 10 và mạnh lên vào tháng 11; lượng mưa các nơi phổ biến xấp xỉ và cao hơn trung bình nhiều năm... Riêng do ảnh của bão và hoàn lưu sau bão số 5 (ngày 18 và 19-9) vừa qua, huyện Quảng Ninh có 1 người bị thương khi chằng chéo nhà cửa, 1 trạm biến áp của xã Gia Ninh bị chập điện hư hỏng và 2ha hoa màu của người dân ở thị trấn Quán Hàu bị thiệt hại...
 
Với tinh thần “chủ động phòng tránh-ứng phó kịp thời-khắc phục có hiệu quả”, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) kiêm Ban chỉ huy phòng thủ dân sự (PTDS) huyện đã xây dựng các phương án nhằm chủ động nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai của chính quyền và cộng đồng dân cư.
 
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Trung Đông, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho biết, trên tinh thần công tác PCTT và TKCN phải được tiến hành chủ động và thường xuyên, đồng thời, ứng phó kịp thời để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra, huyện Quảng Ninh đã xây dựng phương án phòng tránh, chuẩn bị kỹ theo phương châm “4 tại chỗ”, thực hiện đồng bộ các giải pháp, phối hợp nhịp nhàng khi có tình huống xấu và phức tạp.
Công trình sửa chữa, nâng cấp đường, kè chống sạt lở bờ sông Nhật Lệ được hoàn thành, đưa vào sử dụng trước mùa mưa bão.
Công trình sửa chữa, nâng cấp đường, kè chống sạt lở bờ sông Nhật Lệ được hoàn thành, đưa vào sử dụng trước mùa mưa bão.
Theo đó, huyện Quảng Ninh đã rà soát, bổ sung, hoàn thiện các phương án, kế hoạch di dời dân, sơ tán tàu thuyền, phòng chống sạt lở, ngập úng khi có thiên tai xảy ra; xây dựng phương án phòng, chống siêu bão; tổ chức các lực lượng tình nguyện, xung kích trong công tác PCTT và TKCN trong cộng đồng; kiểm tra nhà cửa để có kế hoạch duy tu trước mùa mưa bão. Trên cơ sở bám sát điều kiện thực tiễn, huyện Quảng Ninh đã có kế hoạch bố trí cụ thể các địa điểm và phương án để sơ tán, di dời dân tại các khu vực bị ảnh hưởng do thiên tai, gồm: phương án di dời dân khi có bão mạnh, siêu bão và hoàn lưu bão; phương án di dời dân khu vực có khả năng xảy ra lũ ống, lũ quét ở các xã Trường Sơn, Trường Xuân và Vạn Ninh; phương án di dời dân khi có sóng thần, triều cường và phương án di dời dân ở khu vực hạ du khi có sự cố hồ đập bị vỡ; phương án neo đậu tàu thuyền tại thôn Chợ Gộ, xã Vĩnh Ninh và thôn Hà Kiên, xã Hàm Ninh.
 
Đồng thời, huyện chỉ đạo các lực lượng công an, quân sự có kế hoạch về lực lượng để cứu hộ, ứng phó kịp thời; điện lực, bưu chính viễn thông, bưu điện, trung tâm y tế có phương án cụ thể cho từng vùng, từng xã; bệnh viện đa khoa huyện thành lập tổ ứng cứu, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi được điều động đột xuất.
 
Các xã, thị trấn cũng đã vận động nhân dân phát quang, nạo vét thông thoáng dòng chảy, tháo dỡ, dọn dẹp những vật cản trên bờ, kênh mương làm ách tắc dòng chảy; kiểm tra và có kế hoạch chặt tỉa, đốn hạ cây xanh không an toàn; cắm biển cảnh báo tại những khu vực xung yếu, khu vực nguy cơ cao để cảnh báo cho người dân… 
 
Bên cạnh đó, huyện Quảng Ninh cũng đã chuẩn bị các phương tiện, vật tư cần thiết, như: xuồng cao tốc, thuyền cô le, thuyền máy, nhà bạt, áo phao cứu sinh, máy phát điện…, nhằm chủ động cho công tác PCTT và TKCN; tổ chức kiểm tra, nâng cấp định kỳ các công trình trọng điểm về phòng, chống thiên tai, đặc biệt là các công trình thủy lợi, giao thông, thông tin, điện lực; đẩy nhanh tiến độ và chất lượng xây dựng các công trình trọng điểm về phòng, chống thiên tai trên cơ sở bảo đảm tiến độ vượt lũ.
 
Trong đó, có thể kể đến công trình sửa chữa, nâng cấp đường, kè chống sạt lở bờ sông Nhật Lệ được hoàn thành đưa vào sử dụng trước mùa mưa bão góp phần chống xói lở, giữ ổn định bờ sông, bảo vệ tính mạng, tài sản của các hộ dân, bảo vệ diện tích đất đai và cơ sở hạ tầng trong khu vực; đồng thời, tạo thành một hệ thống đường đê, kè kết hợp làm tuyến đường du lịch vành đai dọc bờ sông Nhật Lệ.
 
Với phương châm công tác phòng, chống thiên tai phải dựa vào nhân dân, chính quyền cơ sở, trong đó phòng ngừa là chính, huyện Quảng Ninh đang đẩy mạnh công tác tuvên truvền, phổ biến kiến thức nâng cao nhận thức của cộng đồng về thiên tai; phát huy vai trò và tính chủ động trong chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền cơ sở gắn với trách nhiệm của cộng đồng trong việc tự quản khi ứng phó với thiên tai, bão, lũ xảy ra trên địa bàn từng xã.
 
“Trong trường hợp có bão khẩn cấp, Ban chỉ huy PCTT và TKCN kiêm Ban chỉ huy PTDS huyện, các cơ quan, đơn vị và các xã, thị trấn tổ chức trực ban lãnh đạo và cơ quan tham mưu 24/24 giờ để nắm chắc diễn biến tình hình, dự kiến các tình huống có thể xảy ra; phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng ứng phó tại chỗ với lực lượng chi viện của cấp trên để khẩn trương bố trí cán bộ trực tiếp đến các địa bàn xung yếu,” ông Phạm Trung Đông, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho biết thêm. 
Th.H