Khởi động dự án về lao động và việc làm cho người lao động

  • 14:59 | Thứ Hai, 28/09/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Ngày 28-9, Trung tâm Phát triển cộng đồng Quảng Bình (CDC) đã phối hợp cùng Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh tổ chức hội thảo khởi động dự án “Thúc đẩy tiếp cận pháp luật về lao động và việc làm cho người lao động ở TP. Đồng Hới”.

CDC phối hợp Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh tổ chức hội thảo giới thiệu dự án “Thúc đẩy tiếp cận pháp luật về lao động và việc làm cho người lao động ở TP. Đồng Hới”.
CDC phối hợp Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh tổ chức hội thảo giới thiệu dự án “Thúc đẩy tiếp cận pháp luật về lao động và việc làm cho người lao động ở TP. Đồng Hới”.
Dự án “Thúc đẩy tiếp cận pháp luật về lao động và việc làm cho người lao động ở TP. Đồng Hới” do Bộ Tư pháp phê duyệt tài trợ thuộc hợp phần của Dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” do Liên minh Châu Âu tài trợ và CDC là đơn vị triển khai thực hiện. Thời gian thực hiện dự án từ tháng 9-2020 đến tháng 8-2021 và được triển khai trên địa bàn TP. Đồng Hới.
 
Theo đó, mục tiêu của dự án nhằm tăng cường cơ hội tiếp cận pháp luật ít nhất 70% lao động (trong đó, chiếm 80% lao động nữ) đang làm việc tại các cơ sở dịch vụ, doanh nghiệp nhỏ trên địa bàn TP. Đồng Hới về cải thiện môi trường lao động việc làm an toàn, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp theo Luật Lao động.
 
Trên cơ sở đó, dự án sẽ triển khai các hoạt động cơ bản, như: hội thảo hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục, xây dựng điều lệ thành lập mới công đoàn mới và củng cố xây dựng năng lực bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho thành viên; tập huấn nâng cao nhận thức và kỹ năng truyền thông về Luật Lao động, Luật Bình đẳng giới và các Công ước Quốc tế liên quan…; tập huấn kỹ năng phòng, chống phân biệt đối xử và xâm hại tình dục nơi làm việc trong các doanh nghiệp; phát tờ rơi tại cơ sở doanh nghiệp theo chuyên đề “Tiếng nói của người lao động”; hỗ trợ các tổ chức công đoàn cơ sở đề xuất và thực hiện các sáng kiến về bảo đảm quyền lao động, bình đẳng giới tại doanh nghiệp…
 
Dự án đặt ra kế hoạch, sau khi hoàn thành có kết quả, gồm: khoảng 1.700 lao động, được nâng cao nhận thức và hiểu biết về lao động, bình đẳng giới, môi trường làm việc an toàn; có khả năng phòng, chống, tìm kiếm hỗ trợ, xử lý tình huống khi có hiện tượng bạo lực và khủng hoảng xảy ra; ít nhất 500 lao động được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thông qua tư vấn và hỗ trợ pháp lý tại chỗ hoặc từ xa qua điện thoại, internet, mạng xã hội về các vấn đề liên quan đến lao động việc làm, phân biệt đối xử và quấy rối tình dục nơi làm việc; ít nhất 20 nhóm công đoàn cơ sở được thành lập mới hoặc đã thành lập được củng cố tổ chức, xây dựng năng lực về khả năng giúp nhau và giải quyết khi có khủng hoảng do bạo lực, quấy rối tình dục, quyền lợi lao động và việc làm bị xâm hại.
 
N.L