Hưởng ứng Ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy (4-10-2020):

Bảo đảm an toàn PCCC trong quá trình sử dụng khí gas để đun nấu

  • 10:47 | Thứ Tư, 23/09/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Khí gas mang lại rất nhiều ứng dụng cho con người, trong đó, việc sử dụng khí gas để đun nấu đã đem lại nhiều lợi ích rất thiết thực trong đời sống hàng ngày. So với các nguyên liệu khác, như: than đá, củi, xăng dầu… thì sử dụng khí gas để đun nấu sẽ có nhiều ưu điểm vượt trội hơn vì các dụng cụ đun nấu sạch sẽ, không ô nhiễm môi trường, giá thành rẻ…
 
Công dụng và lợi ích của khí gas thì đã thấy rõ. Tuy nhiên, phần lớn người dân đang sử dụng khí gas để đun nấu thường chưa được phổ biến các kiến thức về an toàn phòng cháy và chữa cháy (PCCC) khi sử dụng khí gas. Do đó, trong thời gian qua trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh Quảng Bình nói riêng đã xảy ra nhiều vụ cháy, nổ khí gas gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng, có nhiều nạn nhân không còn cơ hội để sửa sai.
 
Nhiều người nhầm tưởng các vụ cháy, nổ gas là do nổ bình gas. Nhưng thực tế, các vụ cháy, nổ gas thường bắt nguồn từ việc rò rỉ khí gas và gây cháy, nổ khí gas. Khí gas khi bị rò rỉ ra môi trường xung quanh như trong nhà ở, phòng bếp sẽ hỗn hợp với không khí tạo thành môi trường nguy hiểm cháy, nổ; lượng khí gas thoát ra nhiều và phòng càng kín thì nguy cơ phát sinh cháy, nổ càng cao. Trong khu vực nhà ở, phòng bếp nếu có nhiều khí gas tích tụ thì chỉ cần có một nguồn nhiệt rất nhỏ như sử dụng điện thoại di động, bật công tắc điện, ngọn lửa trần, hút thuốc… thì sẽ lập tức gây cháy, nổ toàn bộ khu vực đó.
 
Có nhiều nguyên nhân gây ra rò rỉ khí gas nhưng nguyên nhân chính dẫn đến khí gas bị rò rỉ mà mỗi chúng ta ai cũng có thể phòng tránh được, đó là: sau mỗi lần sử dụng chúng ta quên không khóa van bình gas dẫn đến rò rỉ khí gas ngay tại các vị trí như bếp, van, dây dẫn gas, các khớp nối.
 
Do vậy để bảo đảm không bị rò rỉ khí gas từ bình ra ngoài, phải khóa van bình gas sau mỗi lần nấu ăn. Chú ý, việc mở bình gas hoặc khóa bình gas chỉ cần vặn van khóa 1 đến 2 vòng, không nên vặn van nhiều vòng.
Mẫu bếp gas bố trí đảm bảo an toàn PCCC
Mẫu bếp gas bố trí đảm bảo an toàn PCCC
Nguyên nhân dẫn đến rò rỉ khí gas tại các vị trí bếp gas và các phụ kiện kèm theo như van, dây dẫn gas và các khớp nối:
 
+ Bếp gas trong quá trình sử dụng bị hư hỏng phải sửa chữa, nhưng khi tiến hành tháo ra để sửa chữa sau đó lắp lại, các khớp nối của ống dẫn trong bếp không được đóng kín giống như ban đầu của nhà sản xuất, dẫn đến khí gas trong quá trình sử dụng sẽ bị rò rỉ ra ngoài. Bếp gas đã hư, hỏng các ống dẫn kim loại không nên sửa chữa mà phải thay mới hoàn toàn.
 
+ Van giảm áp là bộ phận dùng để giảm áp suất của khí gas từ bình gas ra bếp để phù hợp cho mục đích sử dụng. Dây dẫn gas và các khớp nối được nối giữa bếp gas và bình gas. Phần lớn người sử dụng thường ít quan tâm đến chất lượng và thời gian sử dụng của van giảm áp và dây dẫn gas; van giảm áp và dây dẫn gas được khuyến cáo chỉ sử dụng sau thời gian 1-2 năm phải thay van giảm áp và dây dẫn mới; nhưng thói quen người dùng thường sử dụng cho đến lúc hư, hỏng mới thay nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ rò rỉ khí gas gây cháy, nổ, người sử dụng sẽ không có cơ hội để sửa chữa sai lầm của chính mình.
 
 - Trong quá trình đang đun nấu, muốn thức ăn ngon nên người dùng thường vặn lửa nhỏ lại, sau đó đi làm việc khác không có người trông coi. Quá trình trên, do một nguyên nhân nào đó gây tắt lửa nhưng khí gas vẫn rò rỉ ra ngoài môi trường xung quanh bếp tích tụ thành môi trường nguy hiểm cháy, nổ; sau đó người sử dụng vào thấy bếp đã tắt lửa nên bật bếp để nấu lại, hành động này ngay lập tức sẽ gây ra cháy hoặc nổ hỗn hợp khí gas và không khí xung quanh bếp, gây cháy lan và có thể gây bỏng cơ thể người sử dụng. Đang đun nấu nếu ngọn lửa bị tắt do một nguyên nhân nào đó, chúng ta ngửi thấy mùi khí gas, tuyệt đối không được bật công tác bếp gas để nấu lại, thay vào đó chúng ta phải khóa van bình gas và mở các cửa sổ, cửa chính để thoát khí gas ra ngoài; khi không còn mùi khí gas mới bật công tắc bếp để đun nấu trở lại.
 
- Đặt bình gas ở những nơi quá kín không thể thoát khí gas ra ngoài môi trường xung quanh khi bị rò rỉ, do đó người sử dụng không thể phát hiện thấy mùi khí gas cũng là nguyên nhân gây cháy, nổ khí gas. Nếu để bình gas trong tủ thì không nên đóng cửa mà nên khoét một lỗ trên cửa tủ hoặc làm cửa có các khe hở để dễ dàng phát hiện mùi gas rò rỉ.  
 
- Để các thiết bị tiêu thụ điện, các vật dễ bắt lửa gần bếp gas là một nguyên nhân dễ xảy ra cháy lan, cháy lớn. thông thường, trên bàn đặt bếp sẽ có nhiều vật dụng khác như nồi cơm điện, lò vi sóng, ấm siêu tốc,… nên khi sự cố xảy ra, tất cả các vật dụng này sẽ đồng loạt gây ra vụ cháy nổ kinh khủng hơn. Vì vậy, tốt nhất là nên giữ khoảng cách giữa bếp với các thiết bị này.
 
- Trong thực tế, bình gas loại 12kg và 48kg mà người dân đang sử dụng để đun nấu sẽ rất khó xảy ra hiện tượng nổ bình gas trong quá trình đun nấu do 2 nguyên nhân sau:
 
+ Bình gas loại 12kg và 48 kg đều được chiết nạp tại các trạm chiết nạp đúng tiêu chuẩn nên áp suất bảo hòa trong các bình gas đều bảo đảm theo tiêu chuẩn quy định.
 
+ Trong quá trình đun nấu nếu xảy ra hiện tượng rò rỉ khí gas và gây cháy thì cũng không thể gây nổ bình gas do khí gas luôn luôn thoát từ trong bình ra môi trường bên ngoài, quá trình trên không khí phía ngoài môi trường không thể lọt vào bên trong bình do đó không thể xảy ra hiện tượng cháy nhanh và gây nổ bình gas.
 
- Bình gas loại 12kg và 48kg sẽ nổ vật lý khi vận chuyển trên đường không may bị rơi, bị va đập mạnh. Bình gas sẽ nổ hóa học do quá trình sử dụng để hàn xì nhưng không tuân thủ điều kiện an toàn trong quá trình thao tác, vận hành, không có van 1 chiều ngăn ngọn lửa cháy ngược lại.
 
- Trong thực tế việc sử dụng bình gas mini thường hay xảy ra hiện tượng nổ bình là do chúng ta đã sử dụng bình gas sang chiết lại từ các bình gas loại 12kg và 48kg nên tỷ lệ giữa các khí C3H8 và C4H10 chứa trong bình sai với tiêu chuẩn, dẫn đến áp suất bảo hòa trong bình cao hơn tiêu chuẩn. Để bảo đảm an toàn chúng ta không nên sử dụng bình gas mini để đun nấu, thay vào đó có thể sử dụng bếp cồn sáp để đun nấu khi cần thiết.
 
Quy trình xử lý khi phát hiện thấy rò rỉ khí gas:
 
+ Tuyệt đối không được làm phát sinh tia lửa, như: bật hoặc tắt công tắc đèn, cầu dao điện, gọi điện thoại di động, hút thuốc lá; nhanh chóng ngắt các ngọn lửa trần gần đó (nếu có);
 
+ Nhanh chóng khóa van bình gas;
 
+ Mở các cửa để thông gió tự nhiên, khi mở cửa phải mở nhẹ nhàng tránh phát sinh các tia lửa;
 
+ Dùng quạt tay quạt khí gas ra ngoài, không dùng quạt điện để quạt;
 
+ Ra bên ngoài gọi điện thoại thông báo cho các cửa hàng, đại lý gas đến để xử lý;
 
Khi phát hiện cháy, nổ khí gas, để bảo đảm an toàn, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh Quảng Bình khuyến cáo:
 
Nếu đám cháy nhỏ, chỉ xảy ra trong phạm vi phòng bếp thì phải bình tĩnh, nhanh chóng sử dụng khăn mặt, quần, áo, chăn… nhúng nước quấn vào tay để tiếp cận vặn van bình gas và sử dụng bình chữa cháy, các phương tiện để chữa cháy và chống cháy lan.
 
Nếu đám cháy lớn thì phải nhanh chóng thoát ra ngoài khu vực cháy để đảm bảo an toàn cho tính mạng của bản thân.
 
+ Hô hoán, báo động cho mọi người biết có cháy;
 
+ Cắt điện nhà bị cháy;
 
+ Tổ chức cứu người bị nạn, có thể sử dụng chăn mỏng nhúng nước trùm lên người để tiếp cận cứu người còn mắc kẹt trong đám đưa ra khu ngoài an toàn;
 
+ Sử dụng bình chữa cháy và các phương tiện khác để chữa cháy, nhanh chóng sử dụng chăn mỏng nhúng nước trùm trên người tiếp để vặn van bình gas (nếu có thể được).
 
+ Điện thoại cho Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh Quảng Bình theo số máy 114;
 
+ Di chuyển tài sản.
 
Võ Tuấn
(Phòng PC07 Công an Quảng Bình)