Đại Trạch, vùng đất khó đã chuyển mình

  • 16:34 | Thứ Ba, 01/09/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Một ngày giữa tháng 8-2020, trong hương lúa chín quyện theo gió mùa thu, chúng tôi có dịp trở về với những vùng quê ở Bố Trạch-nơi gieo mầm “hạt giống đỏ” đầu tiên của tỉnh Quảng Bình cách đây 90 năm về trước, cảm nhận sự chuyển mình trên vùng đất một thời gian khó qua từng nhịp sống bình yên của mỗi người dân, mỗi nếp nhà...
 
Ký ức hào hùng
 
Lật giở từng trang sách Lịch sử Đảng bộ xã Đại Trạch tìm về quá khứ hào hùng của quê hương những ngày thu tháng Tám năm 1945, Bí thư Đảng ủy xã Đại Trạch Nguyễn Thị Thu Nga tự hào: “Chấp hành lệnh Tổng khởi nghĩa của Tỉnh bộ Việt Minh, tại Bố Trạch, tối 21-8-1945, Huyện bộ Việt Minh triệu tập hội nghị cán bộ Việt Minh toàn huyện ở ga Kẻ Rấy (thị trấn Hoàn Lão). Tại đây, hội nghị đã bàn bạc thống nhất kế hoạch tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện đường Hoàn Lão và Thanh Khê; huy động mọi tầng lớp nhân dân tham gia, lấy lực lượng tự vệ và các đội tuyên truyền xung phong làm nòng cốt.
 
Tại xã Đại Trạch, các đảng viên, quần chúng trung kiên và nhân dân ráo riết tiến hành công tác chuẩn bị mọi mặt về lương thực, thực phẩm và vũ khí, tạo cơ sở vững chắc cho thời khắc lịch sử sắp đến.”
  Đại Trạch chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo việc làm, nâng cao mức thu nhập cho người dân.
Đại Trạch chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo việc làm, nâng cao mức thu nhập cho người dân.
Đúng 1 giờ ngày 23-8-1945, lệnh khởi nghĩa được phát đi, đoàn quân khởi nghĩa tiến về Hoàn Lão rồi từ đây tỏa ra các hướng bao vây huyện đường. Chỉ trong một thời gian ngắn, tự vệ và lực lượng khởi nghĩa đã làm chủ huyện đường, bắt tri huyện và thu toàn bộ giấy tờ, đồng triện. Cờ đỏ sao vàng kéo lên khắp huyện đường.
 
Cách mạng tháng Tám thành công, cũng như cả nước, cả tỉnh, Đại Trạch đứng trước muôn vàn khó khăn, thách thức do hậu quả dai dẳng của nạn đói năm 1945, phần lớn diện tích đất bị bỏ hoang... Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chống “giặc đói”, cán bộ và nhân dân xã Đại Trạch đã tập trung vào hoạt động sản xuất, cải thiện đời sống. Nhân dân Đại Trạch bắt tay vào khai phá đất hoang, mở rộng thành đất canh tác.
 
Các đoàn thể, gia đình hăng hái tranh thủ mọi thời gian trồng rau, ngô, khoai, sắn; các ngành nghề truyền thống trên địa bàn cũng dần được khôi phục, như: nghề rèn, đan lát, dệt và làm bún, bánh, mứt... Khoảng thời gian ngắn, Đại Trạch đã vượt qua cam go, giành được nhiều thành tựu trong xây dựng chính quyền, phát triển các tổ chức đoàn thể, hạn chế và đẩy lùi được nạn đói, lòng tin của nhân dân đối với chính quyền cách mạng được củng cố.
 
Khi thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta một lần nữa, cán bộ, lực lượng du kích và nhân dân Đại Trạch một lòng kiên trinh bám đất, bám làng chiến đấu với phương châm: “Mỗi làng là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sỹ”; đồng thời, hàng trăm con em đã lên đường nhập ngũ, đi thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến…
 
Qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, anh dũng tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, toàn xã Đại Trạch có 9 mẹ Việt Nam anh hùng, hàng trăm liệt sỹ và thương binh, bệnh binh, hơn 1.000 tập thể và cá nhân được tặng huân chương, huy chương các loại.
 
Hòa bình lập lại, trong hoang tàn, đổ nát do hậu quả của chiến tranh, cán bộ, nhân dân Đại Trạch càng đoàn kết, vượt lên mọi khó khăn, tiếp tục bám ruộng đồng, thi đua lao động, sản xuất, kiến thiết lại quê hương. Với những chiến công xuất sắc trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cùng với những thành tích đạt được trong công cuộc xây dựng quê hương, Đảng bộ và nhân dân xã Đại Trạch vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cờ “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” với thành tích bắn rơi 3 máy bay Mỹ; năm 1999, được Đảng và Chính phủ trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
 
Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu
 
Trò chuyện với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Đại Trạch Phan Văn Ngọ phấn khởi: “Phát huy truyền thống quê hương anh hùng, ngày nay, Đảng bộ và nhân dân Đại Trạch tiếp tục son sắt, đồng lòng, đồng sức, xây dựng Đại Trạch ngày thêm khởi sắc. Trong đó, xác định tình hình thực tế địa phương, phát huy lợi thế, Đại Trạch chú trọng chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển ngành nghề dịch vụ, tạo điều kiện nâng cao thu nhập cho người dân. 
Đại Trạch xây dựng NTM kiểu mẫu từ những việc nhỏ, như: xây dựng đường hoa.
Đại Trạch xây dựng NTM kiểu mẫu từ những việc nhỏ, như: xây dựng đường hoa...
Đặc biệt, các tổ chức đoàn thể ở Đại Trạch đã phát huy truyền thống nhân ái “thương người như thể thương thân”, vận động, giúp đỡ, tạo điều kiện hỗ trợ để người nghèo, người tàn tật, không nơi nương tựa trên địa bàn vươn lên ổn định cuộc sống, góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới (NTM) và NTM kiểu mẫu”.  
 
Toàn xã Đại Trạch hiện có trên 2.300 hộ với gần 10.000 nhân khẩu, được chia thành 8 thôn. Ngoài một số người dân dựa vào sản xuất nông nghiệp với định hướng đúng đắn của cấp ủy, chính quyền trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, Đại Trạch còn phát triển các ngành nghề TTCN và thương mại dịch vụ.
 
Các nghề thu hút lượng lớn lao động và trở thành thế mạnh ở Đại Trạch, như: sản xuất vật liệu xây dựng, mộc, nề dân dụng... Trên địa bàn xã có 21 doanh nghiệp kinh doanh tổng hợp và 7 cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, 84 xe ô tô, xe công nông vận tải, 8 máy gặt đập liên hoàn, 10 máy phục vụ khâu làm đất; thu nhập từ TTCN-dịch vụ hơn 290 tỷ đồng/năm.
 
Nhờ đó, đã giải quyết được vấn đề việc làm, nâng cao đời sống cho người dân. Nếu như năm 2016, thu nhập bình quân 28,5 triệu đồng/người/năm thì đến nay, thu nhập của người dân Đại Trạch đạt mức 47 triệu đồng/người/năm.
 
Là một trong những địa phương có xuất phát điểm thấp nhưng về đích sớm trong xây dựng NTM vào năm 2015, Đại Trạch đang trên đà xây dựng NTM kiểu mẫu bắt đầu từ thôn Phúc Tự Đông.
 
Cùng chúng tôi dạo quanh thôn xóm, bà Lê Thị Sanh, Bí thư Đảng bộ bộ phận Phúc Tự Đông chia sẻ: “Thôn Phúc Tự Đông có 467 hộ với 1.792 nhân khẩu; 100% hộ dân có nhà ở kiên cố, khang trang; cơ sở hạ tầng nông thôn được xây dựng đồng bộ, an ninh trật tự giữ vững. Nhờ phát triển ngành nghề dịch vụ, mua bán nhỏ và xuất khẩu lao động, nên đến nay, đời sống của người dân Phúc Tự Đông ổn định với mức thu nhập 55 triệu đồng/người/năm. Bắt đầu xây dựng từ năm 2017, Phúc Tự Đông phấn đấu về đích NTM kiểu mẫu vào cuối năm 2020”.
 
Kinh tế phát triển, đời sống nâng cao, người dân Đại Trạch được hưởng thụ đời sống văn hóa, được chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt hơn; con em có điều kiện học hành để tiếp tục phát huy truyền thống của một vùng quê anh hùng... Công tác xây dựng, củng cố hệ thống chính trị theo hướng “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được cấp ủy, chính quyền xã Đại Trạch chú trọng đặc biệt. Mặt trận, các tổ chức đoàn thể được củng cố vững mạnh. An ninh trật tự, quốc phòng trên địa bàn được giữ vững.
 
“Cấp ủy, chính quyền và người dân Đại Trạch nguyện tiếp tục đoàn kết, vun đắp, củng cố và giữ vững các tiêu chí theo chuẩn, sẽ đưa xã về đích NTM kiểu mẫu trong tương lai không xa.”, Chủ tịch UBND xã Đại Trạch Phan Văn Ngọ khẳng định thêm.
 
                                                                       Hương Trà