Chủ tịch UBND xã tận tụy với dân

  • 09:19 | Thứ Tư, 09/09/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Với suy nghĩ muốn mình và bà con thoát nghèo trước hết phải học được cái chữ Bác Hồ và khi học được chữ, có trình độ, nhận thức, ông trở về quê cống hiến sức lực, trí tuệ, cùng với Đảng bộ xã Lâm Thủy lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế-xã hội, đẩy lùi đói nghèo. Đó là câu chuyện của ông Hoàng Lý, Chủ tịch UBND xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy.
 
Ông Hoàng Lý sinh ra trong một gia đình nghèo có 9 người con ở bản Xà Khía, xã Lâm Thủy. Từ những năm 90 của thế kỷ trước, việc học hành của đồng bào dân tộc thiểu số ở biên giới gặp rất nhiều khó khăn khi trên địa bàn xã chỉ có trường tiểu học. Ông Hoàng Lý nhớ lại: “Học xong tiểu học, nhiều bạn bè trang lứa bỏ học ở nhà làm nương rẫy rồi lập gia đình sớm. Họ sinh con đông lắm, rồi cái đói, cái nghèo cứ bám riết. 
  Ông Hoàng Lý (người ngồi thứ 2 từ trái qua) cùng cán bộ xã Lâm Thủy đang tuyên truyền pháp luật cho người dân trên địa bàn.
Ông Hoàng Lý (người ngồi thứ 2 từ trái qua) cùng cán bộ xã Lâm Thủy đang tuyên truyền pháp luật cho người dân trên địa bàn.
Còn tôi thì nghĩ khác, mình phải quyết tâm theo học con chữ Bác Hồ để sau này thoát nghèo, lại giúp ích cho quê hương”. Năm 1993, ông về học tại trường nội trú huyện. Với ý chí và nghị lực, ông Hoàng Lý luôn đạt thành tích cao trong học tập. Tốt nghiệp THCS, ông trở về địa phương làm cán bộ bán chuyên trách ở xã rồi tiếp tục học thêm các văn bằng, chứng chỉ. Trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, năm 2014, ông đã được HĐND xã bầu giữ chức Chủ tịch UBND xã khi mới 34 tuổi.
 
Trên cương vị là Chủ tịch UBND xã, ông Hoàng Lý đã trực tiếp chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương đạt được nhiều kết quả quan trọng. Ông Hoàng Lý tâm sự: “Để Lâm Thủy đi lên, tôi cùng Ban Thường vụ Đảng ủy xã đã thống nhất, tập trung lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng và giáo dục. Để làm được điều đó, tôi thường xuyên về cơ sở nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con để có hướng tuyên truyền, giúp đỡ phù hợp; đồng thời, huy động nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình cơ bản”.
 
Trong phát triển kinh tế, ông luôn chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ rừng, giao rừng và đất lâm nghiệp cho các hộ gia đình. Đến nay, toàn xã có 232,79ha rừng trồng kinh tế của các hộ gia đình; giao khoán, bảo vệ rừng với diện tích 1.948,6ha, tăng 100% so với 2015.
 
Xác định chăn nuôi là thế mạnh của địa phương, ông Lý cùng các ban, ngành, đoàn thể đã chỉ đạo bà con phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng chất lượng, giá trị. Trong đó, tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, rào vườn, trồng cỏ cho gia súc ăn; thực hiện tốt các chính sách khuyến khích, hỗ trợ, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ chăn nuôi. Nhờ đó, tính đến tháng 5-2020, tổng đàn gia súc, gia cầm của xã tăng 115% so với năm 2015, với 314 con trâu, 377 con bò, 315 con lợn, trên 3.500 con gia cầm.
   Chất lượng giáo dục trên địa bàn xã Lâm Thủy có nhiều chuyển biến tích cực.
Chất lượng giáo dục trên địa bàn xã Lâm Thủy có nhiều chuyển biến tích cực.
Ông Hồ Thanh Bùi, một người dân ở bản Bạch Đàn tâm sự: “Chủ tịch UBND xã Hoàng Lý là người rất tận tụy với nhân dân. Đặc biệt, chỗ nào có dự án hỗ trợ cây, con giống cho bà con, ông cũng tìm cách xin về. Ngoài ra, ông còn hướng dẫn người dân làm hàng rào vườn để trồng rau, trồng cỏ nuôi bò, phòng chống các loại dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của ông Hoàng Lý nên nhà tôi đã phát triển đàn trâu, bò được trên 20 con, vươn lên trở thành hộ khá trong bản."
 
Đặc biệt, ông Hoàng Lý cùng với các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy xã đã tranh thủ tốt các nguồn lực đầu t­ư để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, trong đó, tập trung vào việc xây dựng, nâng cấp các công trình như: Trạm y tế, trụ sở làm việc của xã, hệ thống trường học, nhà văn hóa các bản, các công trình giao thông, thủy lợi... Trong 5 năm gần đây, xã Lâm Thủy đã huy động tổng vốn đầu tư đạt 30,7 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng. Đến nay, hệ thống giao thông của xã đã có các tuyến đường cứng hóa về tận bản, làng, đáp ứng nhu cầu đi lại cho nhân dân; gần 100% số hộ dùng điện lưới, 6/6 bản có nhà văn hóa…
 
Dưới sự chỉ đạo của ông Hoàng Lý, vấn đề giáo dục-đào tạo xã Lâm Thủy đã được chú trọng và có sự chuyển biến tích cực. Mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú TH và THCS, mô hình bán trú cho cấp học mầm non được tổ chức hiệu quả. Hàng năm, tỷ lệ huy động học sinh vào các lớp đầu cấp luôn đạt 100%, duy trì vững chắc phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3. Đến năm 2020, tỷ lệ thanh niên, thiếu niên 15-18 tuổi tốt nghiệp THCS đạt 92,1%; tỷ lệ học sinh độ tuổi 15-18 tiếp tục học lên đạt 71,9%, tăng 24% so với 2015. Đến cuối năm 2020, xã Lâm Thủy phấn đấu có 2 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ1.
 
Giờ đây, xã biên giới Lâm Thủy đang đổi thay từng ngày. Điều thấy rõ nhất là nhiều bà con đã được cấp đất ở, đất sản xuất. Điện, đường, trường, trạm và một số công trình phúc lợi khác được đầu tư xây dựng khá đồng bộ. Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện.
 
“Để xã Lâm Thủy phát triển hơn nữa, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân sẽ tiếp tục đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, trong đó, chú trọng quan tâm đến việc phát triển kinh tế để giảm hộ nghèo, huy động mọi nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục…”, Chủ tịch UBND xã Lâm Thủy Hoàng Lý chia sẻ thêm.
 
                                                                                                     Xuân Vương