"Cây đại thụ" bên dòng Đại Giang

  • 08:44 | Thứ Sáu, 11/09/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Rót chén nước lá rừng đãi khách, ông Hồ Hơn, Trưởng bản Lâm Ninh, xã Trường Xuân (huyện Quảng Ninh) nói với chúng tôi: "Bản Lâm Ninh được hình thành từ 7 hộ đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều sinh sống ở khu vực lòng hồ Rào Đá sang đây khai hoang lập nghiệp vào khoảng những năm 1980 của thế kỷ trước. Tròn 40 năm định cư bên dòng Đại Giang, bản thân tôi đã có trên 30 năm làm trưởng bản". Bởi vậy, cho đến giờ nhiều người dân trong bản vẫn tín nhiệm gọi ông là "cây đại thụ" của bản làng Lâm Ninh!
 
Bản Lâm Ninh nằm liền kề với phía bắc dòng Đại Giang. Khu vực này trước đây gần như biệt lập với bên ngoài, toàn cây rừng rậm rạp, giao thông cách trở, không có lấy một tấc đất phục vụ sản xuất nông nghiệp và không chợ, điện, đường, trường, trạm... Vì thế, buổi đầu phát hiện có 7 hộ Bru-Vân Kiều vào đây khai hoang (trong đó có gia đình ông Hồ Hơn), chính quyền địa phương đã cắt cử cán bộ đến vận động bà con quay trở lại nơi định cư cũ.
 
"Đến giờ, tôi vẫn còn nhớ như in, khi một số cán bộ xã đến vận động bà con quay trở lại khu vực lòng hồ Rào Đá, họ vô cùng ngạc nhiên khi tận mắt nhìn thấy những ruộng lúa, triền ngô xanh um, hứa hẹn một cuộc sống no ấm, đủ đầy nằm ven dòng Đại Giang của người Vân Kiều. Thế rồi, các cán bộ đã mang nguyện vọng của đồng bào về tường thuật với chính quyền địa phương để tìm hướng giải quyết.", ông Hơn tâm sự.
 Ông Hồ Hơn (người ngồi bên trái) trò chuyện với bà con ở bản Lâm Ninh.
Ông Hồ Hơn (người ngồi bên trái) trò chuyện với bà con ở bản Lâm Ninh.
Sau đó không lâu, một cuộc khảo sát có cả cán bộ cấp huyện, xã cùng tham dự đã diễn ra ngay tại khu vực Lâm Ninh. Thời điểm đó, xét thấy việc phân bố lại lao động, tích cực đưa người dân đến khai hoang lập nghiệp ở những vùng kinh tế mới là phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước, nên 7 hộ Vân Kiều được chính quyền chấp thuận cho ở lại đây để định canh định cư tới tận hôm nay. Từ một vùng đất hoang hóa, đến nay, bản Lâm Ninh đã có 52 hộ với 187 nhân khẩu, đại đa số là người Bru-Vân Kiều, đời sống kinh tế phát triển nhất, nhì xã Trường Xuân...
 
Dẫn chúng tôi dạo quanh một vòng bản Lâm Ninh, Trưởng bản Hồ Hơn phấn khởi: "Chất đất phục vụ sản xuất nông nghiệp của bản tốt lắm, trồng lúa, ngô, khoai, sắn năm nào cũng cho hiệu quả kinh tế rất cao. Từ khi có quyết định cho thành lập bản Lâm Ninh, chính quyền các cấp đã rất kịp thời đầu tư cho bản một công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, bố trí thầy giáo đến dạy chữ cho con em địa phương.
 
Tiếp đó, chương trình 134, 135 đã đầu tư về nhà ở, cơ sở hạ tầng, hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất, cây, con giống... Nhờ vậy, hiện nay, toàn bản Lâm Ninh đã có 5,1ha đất trồng lúa hai vụ khá ổn định. Ngoài ra, tận dụng các bãi bồi ven dòng Đại Giang, bình quân mỗi hộ dân trong bản cũng trồng thêm được vài sào ngô, khoai, sắn để cải thiện cuộc sống. Khi nguồn lương thực được bảo đảm, Chi bộ bản Lâm Ninh và cá nhân tôi đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn mở rộng phát triển chăn nuôi, trồng rừng kinh tế nhằm mở hướng thoát nghèo, vươn lên khấm khá.
 
Đến nay, cả bản sở hữu trên 150 con trâu bò, 231ha rừng kinh tế (đã được cấp sổ đỏ), nhận bảo vệ 150ha rừng tự nhiên. Rừng trồng và rừng tự nhiên được bảo vệ, phát triển rất tốt. Đồng bào bản Lâm Ninh còn năng động mở mang thêm nghề nuôi ong lấy mật lên tới hàng chục đàn; riêng việc nuôi lợn, gà thì hầu như nhà nào cũng có...".
 
Với hơn 30 năm làm trưởng bản, ông Hồ Hơn luôn nắm chắc tình hình đời sống của từng hộ, cá nhân trong bản Lâm Ninh để có hướng vận động phù hợp, sâu sát. Quan trọng hơn là ông đã tạo được niềm tin, uy tín đối với bà con. Nhiều năm qua, hễ bất cứ hộ nào ở bản Lâm Ninh có người ốm đau, bệnh tật, qua đời..., đích thân ông Hồ Hơn đã đứng ra vận động người dân trong bản đến thăm nom, động viên một cách kịp thời.
 
Nhiều vụ việc xích mích xảy ra trong các gia đình ở bản, ông đều chủ động đứng ra tổ chức hòa giải thành công, không để mâu thuẫn bùng phát phải nhờ tới cấp trên. Toàn bộ con em trong bản đều được Chi bộ bản Lâm Ninh và cá nhân ông Hồ Hơn vận động đến trường đúng độ tuổi, không bỏ học nửa chừng.
 
"Ngoài công việc chung của bản, nhiều năm qua, vợ chồng tôi vẫn luôn cố gắng để bảo đảm cho cuộc sống gia đình. Thời điểm này, gia đình sở hữu 5ha rừng keo, 4 con trâu, trên 100 con lợn, gà, vịt... Kinh tế vững vàng, nói được và làm được nên đồng bào mới nghe và tin tưởng để "làm theo". Nhiều hộ phấn đấu "làm theo" ngang bằng, thậm chí vượt trội gia đình tôi nên bản Lâm Ninh mới có được sự khởi sắc như ngày hôm nay.”, ông Hồ Hơn hóm hỉnh nói.
 
Ông Nguyễn Văn Tuần, Phó Bí thư Đảng ủy xã Trường Xuân nhận xét: "Chính nhờ nói và làm rất có uy tín nên hầu như ở nhiệm kỳ nào ông Hồ Hơn cũng được bầu giữ cương vị Trưởng bản Lâm Ninh. Với vai trò là Phó Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Lâm Ninh, ông Hồ Hơn luôn tích cực tuyên truyền người dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xóa bỏ dần các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan; chăm lo phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới...
 
Nhiều năm qua, bản Lâm Ninh là một trong số ít bản Vân Kiều ở xã Trường Xuân luôn tiên phong về phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới rất hiệu quả. Hiện nay, bản Lâm Ninh đã trở thành bản văn hóa tiêu biểu của xã Trường Xuân. Thành quả đó chính nhờ sự đóng góp rất lớn của Trưởng bản Hồ Hơn... ".
 
Chia tay Hồ Hơn trong chiều muộn, ông nắm tay tôi thổ lộ: "Làm trưởng bản lâu năm rồi, lắm lúc cũng muốn nghỉ ngơi nhưng chính quyền xã và đồng bào không cho. Thôi thì hễ còn sức khỏe, còn được bà con trong bản tín nhiệm thì cứ tiếp tục cống hiến...".   
 
Văn Minh