Thực hiện bình đẳng giới - giải pháp hiệu quả phòng, chống bạo lực gia đình

  • 11:12 | Thứ Bảy, 22/08/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm qua, công tác bình đẳng giới (BĐG) đã được các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh tập trung thực hiện dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng góp phần nâng cao vị thế của nữ giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình. Tuy nhiên, vấn đề bất bình đẳng vẫn còn khá phổ biến, do đó, việc tuyên truyền về BĐG là việc làm cấp thiết để công tác phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) đạt hiệu quả.
 
BĐG trong gia đình có ý nghĩa quan trọng, nhất là trong điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay. Thời gian qua, các địa phương thường xuyên phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức nhiều hoạt động thu hút sự tham gia đông đảo của tầng lớp nhân dân, tạo hiệu ứng tốt trong xã hội, như: tuyên truyền cổ động trực quan nhân Ngày Quốc tế hạnh phúc, Tháng hành động quốc gia về phòng, chống BLGĐ; cuộc thi tìm hiểu về Luật Phòng, chống BLGĐ; cung cấp kiến thức, tư vấn cho nạn nhân BLGĐ; tuyên truyền lồng ghép, duy trì và nâng cao chất lượng các mô hình, câu lạc bộ về gia đình phát triển bền vững, nhóm phòng, chống BLGĐ... Qua đó, góp phần tuyên truyền về chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan BĐG trong gia đình.
  Giới thiệu việc làm, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc.
Giới thiệu việc làm, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc.
Là một trong những đơn vị triển khai thực hiện BĐG trong gia đình đạt hiệu quả, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã tổ chức triển khai nhiều hoạt động thiết thực với nội dung được đề cập rõ nét qua trách nhiệm các thành viên trong gia đình cùng chia sẻ việc nhà, chung vai phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc.
 
Nổi bật là hoạt động tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, kiến thức mọi mặt; đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ vốn vay; tư vấn tiền hôn nhân, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn gia đình; xây dựng một số mô hình liên quan đến bảo vệ phụ nữ, trẻ em…
 
Đến nay, toàn tỉnh có trên 895.500 hộ gia đình được tiếp cận thông tin về phòng, chống BLGĐ; 151/151 xã, phường có lãnh đạo chính quyền, đoàn thể được tập huấn về phòng, chống BLGĐ; 100% các trường hợp nạn nhân BLGĐ được phát hiện đều được tư vấn pháp lý và sức khỏe, hỗ trợ chăm sóc y tế, bảo vệ sự an toàn cho nạn nhân; 48/151 xã, phường (đạt tỷ lệ 31,8%) có mô hình phòng, chống BLGĐ riêng hoặc lồng ghép nội dung phòng, chống BLGĐ…
 
Tuy nhiên, trên thực tế, định kiến giới và tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” vẫn tồn tại khá phổ biến trong gia đình và một bộ phận dân cư xã hội, trở thành rào cản trong quá trình thực hiện BĐG. Vấn đề bất bình đẳng giới trong xã hội nói chung và trong gia đình nói riêng vẫn tồn tại dẫn đến tình trạng BLGĐ tuy có giảm nhưng vẫn còn xảy ra.
 
Theo báo cáo của Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT), năm 2015, toàn tỉnh xảy ra 191 vụ BLGĐ, năm 2017 xảy ra 161 vụ BLGĐ và đến năm 2019 giảm còn 79 vụ, trong đó, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ. Tuy số vụ đã giảm, nhưng hành vi có phần nặng nề hơn trước và hậu quả để lại hết sức nghiêm trọng. Đơn cử như vụ việc BLGĐ cuối tháng 7 vừa qua tại ở xóm Cồn, xã Tây Trạch (Bố Trạch). 
   Các địa phương thực hiện tuyên truyền BĐG, phòng, chống BLGĐ thông qua các hội thi.
Các địa phương thực hiện tuyên truyền BĐG, phòng, chống BLGĐ thông qua các hội thi.
Chị Hoàng Nhật Ánh (36 tuổi) đã bị chồng là Nguyễn Văn Dũng (45 tuổi) bạo hành suốt 11 năm, mặc dù hai người chỉ tổ chức đám cưới, không đăng ký kết hôn. Đỉnh điểm vào ngày 23-7-2020, anh Dũng đánh chị Ánh suốt nửa tiếng đồng hồ dẫn đến ngất xỉu và hôm sau người thân phát hiện, đưa đi Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới cấp cứu. Kết quả xác định, chị Ánh được chẩn đoán bị chấn thương cột sống nặng, hạn chế vận động, mọi sinh hoạt phải nhờ người phục vụ…
 
Bà Châu Thị Định, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, đây là vụ việc bạo hành nghiêm trọng, xâm hại tới sức khỏe, tinh thần của hội viên phụ nữ. Để có cơ sở bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của phụ nữ trong trường hợp này, Ban Thường trực Hội LHPN tỉnh đề nghị Hội LHPN huyện Bố Trạch khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng ở địa phương tiến hành làm rõ vụ việc, có văn bản đề nghị xử lý đối tượng theo quy định của pháp luật. Đồng thời, hướng dẫn, chỉ đạo Hội LHPN xã tiếp tục quan tâm thăm hỏi, động viên, hỗ trợ tư vấn nạn nhân về tâm lý, sức khỏe để sớm ổn định tinh thần...
 
Chia sẻ về nguyên nhân dẫn đến BLGĐ, theo ông Hà Quốc Phong, Phó Giám đốc Sở VH-TT, nguyên nhân chính dẫn đến BLGĐ là bất bình đẳng giới, tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” vẫn còn tồn tại. Nhận thức về vấn đề BĐG trong các nhóm xã hội, như: gia đình, dòng họ, làng xã, dân tộc, nghề nghiệp... vẫn chưa đồng đều, thiếu sự thống nhất. Do đó, vai trò của người phụ nữ trong gia đình vẫn còn bị xem nhẹ; quyền bình đẳng trong hôn nhân và gia đình chưa được bảo đảm tốt, dẫn đến tình trạng BLGĐ đối với phụ nữ, nhất là phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, phụ nữ nông thôn, phụ nữ dân tộc thiểu số...
 
Cùng với đó, một bộ phận xã hội hiểu không đúng về bình đẳng và BĐG, còn quan niệm cho rằng BĐG là ưu tiên cho phụ nữ và việc thực hiện BĐG là trách nhiệm của Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ và của Hội LHPN Việt Nam. Nhận thức mang tính định kiến giới còn tồn tại trong xã hội, nhất là lãnh đạo, cán bộ, công chức và nam giới…
 
Ngoài ra, công tác tuyên truyền, giáo dục về giới và BĐG chưa thực sự đạt hiệu quả cao. Nội dung tuyên truyền chưa được chuyển tải thường xuyên, sâu rộng, chưa sát với đối tượng. Các cấp, ngành, đoàn thể chưa có sự quan tâm đúng mức về vấn đề này. Nhận thức của phụ nữ về quyền lợi của mình còn nhiều hạn chế, nhất là phụ nữ ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa…
 
Để thực hiện tốt công tác BĐG và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, ông Hồ Tân Cảnh, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cho rằng, công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và thực hiện BĐG và vì sự tiến bộ của phụ nữ là yếu tố trọng tâm, xuyên suốt. Đây là nhiệm vụ của toàn xã hội, trong đó, gia đình đóng vai trò quan trọng.
 
Vì vậy, tuyên truyền, phổ biến các quy định Luật BĐG để nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong thực hiện BĐG cho cán bộ, người lao động, giúp họ hiểu được trách nhiệm thực hiện BĐG không chỉ là trách nhiệm của mỗi cá nhân, mà là của mỗi gia đình, của toàn xã hội. Từ đó, giúp phụ nữ biết, hiểu và thực hiện các quy định của pháp luật, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của mình trong gia đình và ngoài xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc; đồng thời, tác động tích cực đến chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho nữ giới.
 
Trong thực tế, vị thế và vai trò của người phụ nữ chịu nhiều tác động từ các yếu tố truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán với tiềm thức dành nhiều sự ưu tiên cho nam giới. Đây là một sự cản trở lớn đối với việc thực hiện pháp luật BĐG. Rõ ràng, muốn thực hiện được quyền bình đẳng, phụ nữ phải là người chủ động trong lựa chọn bạn đời, thỏa thuận rõ ràng việc phân công lao động trong gia đình, nuôi dạy con và thay đổi quan điểm cho rằng chăm lo gia đình, giáo dục con cái… là trách nhiệm của phụ nữ. Mặt khác, phụ nữ phải tích cực nâng cao trình độ văn hóa, trình độ tay nghề để nâng cao vị thế, vai trò trong gia đình và xã hội.
 
Tại các trường học, việc giáo dục về giới và BĐG cần được quan tâm hơn nữa, qua đó, giúp cho thanh niên, thiếu niên nhận thức đúng những vấn đề giới và BĐG một cách cơ bản và hệ thống. Từ đó, các em có ý thức trách nhiệm về BĐG trong xây dựng gia đình và xã hội.
 
Đáng lưu ý, các đơn vị chức năng cần tuyên truyền sâu rộng, thiết thực để cộng đồng hiểu rằng BLGĐ là hành vi vi phạm pháp luật chứ không còn là vấn đề của riêng mỗi gia đình. Vì vậy, cùng với việc nêu gương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến, các câu lạc bộ phòng, chống BLGĐ thì cần tạo dư luận xã hội công khai đối với những vụ việc vi phạm về BĐG, BLGĐ nhằm tạo sức răn đe và xử lý nghiêm minh, kiên quyết các hành vi trên…
 
Thùy Lâm