Đẩy mạnh tuyên truyền về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ

  • 08:16 | Chủ Nhật, 30/08/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian qua, công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ (BĐG và VSTBPN) trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Nhằm đánh giá những kết quả nổi bật và các hạn chế, bất cập phát sinh để xây dựng giải pháp hành động hiệu quả hơn, phóng viên Báo Quảng Bình đã có cuộc trao đổi với đồng chí Hồ Tân Cảnh, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội.
 
P.V: Sở Lao động-Thương binh và Xã hội là cơ quan Thường trực Ban VSTBPN tỉnh, vậy xin đồng chí cho biết một số kết quả đã đạt được trong công tác BĐG và VSTBPN của tỉnh thời gian qua?
 
Đồng chí Hồ Tân Cảnh: Thời gian qua, các sở, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách, pháp luật phù hợp với thực tiễn tình hình kinh tế-xã hội về BĐG và VSTBPN; không ngừng đề xuất các chính sách đặc thù đối với phụ nữ vùng cao, vùng sâu, biên giới, phụ nữ là người dân tộc thiểu số.
 
Các cấp, ngành cũng chú trọng lồng ghép các vấn đề BĐG và VSTBPN gắn với thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội được giao, nhất là các lĩnh vực lao động việc làm, dạy nghề, y tế, giáo dục, giảm nghèo…
 
Ở các địa phương, các ban, ngành, đoàn thể phối hợp tổ chức thường xuyên tuyên truyền, phổ biến về chính sách, pháp luật liên quan đến công tác BĐG và VSTBPN với nhiều hoạt động thông tin truyền thông, hội thảo, tọa đàm, biểu dương gương phụ nữ điển hình trên các lĩnh vực trong cuộc sống và trong công tác xã hội, góp phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động.
 
Ngoài ra, các cấp cơ sở còn phối hợp sở, ngành tiếp tục quản lý, duy trì và mở rộng hoạt động hiệu quả các mô hình thí điểm, câu lạc bộ, nhóm về BĐG, địa chỉ tin cậy tại cộng đồng… nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực giới, bạo lực gia đình đối với phụ nữ.
 
Ngoài ra, việc thực hiện BĐG trong lĩnh vực chính trị, văn hóa, thể thao, khoa học công nghệ, tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe… cũng đạt được những kết quả đáng khích lệ. Cụ thể, như: công tác quy hoạch cán bộ nữ, cán bộ trẻ, đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện các chế độ chính sách cho cán bộ nữ được quan tâm nhiều hơn; tỷ lệ nữ được giải quyết việc làm đạt 45% tổng số lao động được giải quyết việc làm; 100% phụ nữ nang thai được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; 100% nạn nhân của bạo lực gia đình được phát hiện đều được tư vấn pháp lý, sức khỏe và hỗ trợ chăm sóc tại các địa chỉ tin cậy ở cộng đồng; giảm 90% tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em trên phạm vi toàn tỉnh…
   Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật liên quan đến bình đẳng giới được đổi mới về nội dung, hình thức.
Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật liên quan đến bình đẳng giới được đổi mới về nội dung, hình thức.
P.V: Vậy mục tiêu, chỉ tiêu tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị ở Quảng Bình được thực hiện như thế nào?
 
Đồng chí Hồ Tân Cảnh: Những năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, công tác quy hoạch dự nguồn cán bộ nữ để tham gia vào các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể được chú trọng. Trên cơ sở các quy định của Đảng, Nhà nước, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các văn bản hướng dẫn của bộ, ngành liên quan đến công tác BĐG, Quảng Bình đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch để chỉ đạo triển khai công BĐG theo quy định.
 
Vì vậy, đối với mục tiêu, chỉ tiêu tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị trong giai đoạn 2011-2020, tỉnh đã triển khai thực hiện và bước đầu đạt kết quả: tỷ lệ cán bộ nữ được đào tạo, bồi dưỡng tăng lên ở các cấp, các ngành (đào tạo đại học, thạc sỹ và lý luận chính trị); trình độ, năng lực của cán bộ được nâng lên rõ rệt, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ công tác.
 
Đến nay, toàn tỉnh có 910 công chức nữ trong tổng số 2.622 công chức (bao gồm công chức hành chính và công chức sự nghiệp), chiếm tỷ lệ 34,7%; 13.851 viên chức nữ/20.439 viên chức, chiếm tỷ lệ 67,8%.
 
Đối với tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy đảng nhiệm kỳ 2016-2020 so với nhiệm kỳ 2011-2015, cấp tỉnh có 4/52 đồng chí, chiếm 7,7% (tăng 2,29%); cấp huyện, thị xã, thành phố 56/336 đồng chí, chiếm 16,7% (tăng 2,76%); cấp xã, phường, thị trấn 425/2278 đồng chí, chiếm 18,7% (tăng 2,29%).
 
Tỷ lệ nữ là đại biểu Quốc hội khóa XIV đạt 16,7%; tham gia HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 so với nhiệm kỳ 2011-2016: cấp tỉnh đạt 14%; cấp huyện đạt 25,5%; cấp xã đạt 24,1%.
 
Đối với tỷ lệ nữ lãnh đạo chủ chốt trong các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, cấp tỉnh 10/108 (tỷ lệ 9,3%); cấp huyện 40/100(tỷ lệ 40%); cấp xã 45/1749 (tỷ lệ 2.6%). Về tỷ lệ nữ lãnh đạo chủ chốt trong các tổ chức chính trị-xã hội các cấp, cấp tỉnh 1/87 (tỷ lệ 1,15%); cấp huyện 40/109 (tỷ lệ 36,7%) và cấp xã 235/795 (tỷ lệ 29,6%).
 
P.V: Quá trình thực hiện công tác BĐG và VSTBPN gặp những khó khăn, bất cập gì, thưa đồng chí?
 
Đồng chí Hồ Tân Cảnh: Quá trình thực hiện công tác này ở một số sở, ban, ngành, địa phương còn có những hạn chế nhất định, như: một số người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa thật sự quan tâm đến công tác BĐG và VSTBPN. Vì vậy, việc triển khai công tác BĐG tại một số đơn vị, địa phương còn mang tính hình thức, chưa được quan tâm lồng ghép vào trong các hoạt động để đạt được hiệu quả mong muốn.
 
Các bộ, ngành và địa phương hầu như chưa có chính sách riêng đủ mạnh để hỗ trợ, khuyến khích nữ cán bộ, công chức, viên chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng. Việc phát hiện và giới thiệu nguồn cán bộ nữ chưa được triển khai hiệu quả và mang tính chiến lược.
 
Công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách, pháp luật về BĐG thời gian qua còn rời rạc, hình thức chưa phong phú, chưa có sức lan tỏa và lôi cuốn nhiều quần chúng tham gia. Đội ngũ cán bộ làm công tác BĐG ở các cấp thường xuyên biến động, hầu hết đều kiêm nhiệm nhiều việc, năng lực còn hạn chế, chưa có sự chủ động trong đề xuất, tham mưu cho lãnh đạo để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.
 
Một số vấn đề nảy sinh có tác động, ảnh hưởng tiêu cực đối với phụ nữ và trẻ em gái trong đời sống, việc làm, an sinh xã hội, nhất là tình trạng bạo lực, xâm hại tình dục... Tình trạng một số đơn vị, doanh nghiệp chưa thực hiện tốt chính sách đối với lao đông nữ gây bức xúc trong xã hội…
 
Những tồn tại, bất cập trên xuất phát từ nhận thức về vấn đề BĐG của một bộ phận tầng lớp nhân dân còn hạn chế; tư tưởng xem nhẹ nữ giới vẫn tồn tại trong một bộ phận cán bộ lãnh đạo đã tạo ra những rào cản phụ nữ khẳng định bản thân trong công việc và cuộc sống; sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền một số địa phương, bộ, ngành (nhất là người đứng đầu) còn chưa thật sự sát sao, chưa thực chất nên chưa dành nguồn lực thỏa đáng cho công tác BĐG tại cơ quan, đơn vị, địa phương…
 
P.V: Xin đồng chí cho biết những giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác BĐG và VSTBPN trong thời gian tới?
 
Đồng chí Hồ Tân Cảnh: Thời gian tới, Ban VSTBCPN tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh các chủ trương, chính sách liên quan đến công tác BĐG và VSTBPN; kiện toàn bộ máy và bố trí cán bộ làm công tác VSTBPN các cấp; đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức của xã hội về BĐG và VSTBPN, cao điểm là “Tháng hành động vì BĐG và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới (từ ngày 15-11 đến ngày 15-12).
 
Bên cạnh đó, đơn vị tiếp tục tham mưu tỉnh đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các mục tiêu của Kế hoạch hành động “Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020”; đề án “Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh, trong đó, tiếp tục triển khai các dịch vụ, mô hình hỗ trợ can thiệp để phòng ngừa và giảm thiểu bạo lực giới.
 
Để thực hiện hiệu quả công tác BĐG và VSTBPN, các cấp ủy đảng, chính quyền và tổ chức đoàn thể cần quan tâm, tăng cường hơn nữa sự chỉ đạo, giám sát các cơ quan, đơn vị trực thuộc nhằm xây dựng và thực hiện kế hoạch hàng năm đối với công tác BĐG, công tác phụ nữ gắn với triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo của từng địa phương. Mặt khác, các cấp lãnh đạo địa phương, sở, ngành cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, thường xuyên tổ chức đối thoại, lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp về BĐG và VSTBPN với thái độ cầu thị, giải quyết kịp thời các vướng mắc; tham gia tích cực vào việc ban hành chính sách mới phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đáp ứng nguyện vọng, lợi ích về BĐG; đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù đối với phụ nữ sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, phụ nữ là người dân tộc thiểu số, phụ nữ khuyết tật, phụ nữ đơn thân nhằm rút ngắn khoảng cách chênh lệch về cơ hội phát triển của phụ nữ giữa các vùng, miền trên địa bàn tỉnh.
 
Đặc biệt, bản thân chị em phụ nữ cần ý thức đầy đủ vai trò của mình trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Phụ nữ cần tự tích lũy cho mình những kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng sống cơ bản, sẵn sàng vượt qua những định kiến của xã hội, vượt lên chính mình, dám nghĩ, dám làm. Người phụ nữ trong thời đại mới cần không ngừng học hỏi để nâng cao trình độ, quan tâm, chia sẻ và giúp đỡ mọi người, biết coi trọng sức khỏe, danh dự, phẩm giá của mình, đồng thời, biết cân bằng hài hòa giữa công việc với cuộc sống gia đình, phấn đấu để trở thành người phụ nữ tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang.
 
P.V: Xin cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi này!
 
Thùy Lâm (thực hiện)