Chuyển biến tích cực trong công tác giảm nghèo ở xã Lâm Trạch

  • 13:54 | Thứ Hai, 31/08/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Là xã có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, nên một thời gian dài, Lâm Trạch nằm trong "top" các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao của huyện Bố Trạch. Tuy nhiên, thời gian qua, bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã, nhân dân Lâm Trạch đã đoàn kết, nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, nhờ đó, xã ngày càng"thay da đổi thịt", đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt...
 
Trước đây, dù sở hữu trên 2.000ha đất lâm nghiệp, song Lâm Trạch vẫn là xã nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của xã thời điểm năm 2015 trên 38%. Nhưng bây giờ Lâm Trạch đã có nhiều đổi thay. Ông Nguyễn Sỹ Phúc, Chủ tịch UBND xã Lâm Trạch cho biết, hiện tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm xuống còn 8,9%. Kết quả đó là nhờ địa phương tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi gắn với việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.
 
Thay vì chăn nuôi nhỏ lẻ, thả rông như trước đây, địa phương vận động, hướng dẫn bà con chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại, gia trại. Đến nay, tổng số đàn trâu, bò của xã đạt trên 1.300 con; trong đó, tỷ lệ bò lai chiếm hơn 35%, đàn lợn hơn 2.000 con, trên 14.000 con gia cầm và 180 đàn ong. Từ năm 2015 đến nay, các tổ chức đoàn thể của xã đã nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp-PTNT cho bà con vay vốn với tổng số tiền hơn 64,1 tỷ đồng để đầu tư cho sản xuất, kinh doanh.
 Nhiều mô hình trồng rừng kết hợp chăn nuôi ở xã Lâm Trạch mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhiều mô hình trồng rừng kết hợp chăn nuôi ở xã Lâm Trạch mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Anh Lê Văn Duẩn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lâm Trạch đưa chúng tôi về thôn 5 thăm gia đình chị Hoàng Thị Định (sinh năm 1975). Chị Định chia sẻ, mấy năm trước, gia đình chị thuộc diện nghèo. Cái đói, cái nghèo đã buộc vợ chồng chị phải nghĩ cách vươn lên. Nhận thấy quê hương có nhiều thế mạnh để phát triển kinh tế theo mô hình VAC kết hợp nên anh chị vay vốn ưu đãi quyết tâm đầu tư.
 
Đến nay, gia đình chị đang có mô hình gia trại với quy mô trên 1ha, gồm: 15 con heo rừng, trên 1.000 gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng), trung bình mỗi năm cho xuất chuồng 3 lứa lợn thịt và gần 50 con lợn giống; nuôi cá các loại, như: rô phi đơn tính, trắm, chép; trồng 2ha rừng keo lai và áp dụng mô hình nuôi ong mật… Nhờ ham học hỏi, cần mẫn và chịu khó dành dụm, nguồn thu từ mô hình VAC đã mang lại cho gia đình chị thu nhập ổn định, giúp gia đình chị Định thoát khỏi hộ nghèo năm 2018 và tiếp tục dành nguồn lực để phát triển kinh tế, chăm lo cho 4 đứa con học hành.
 
Đặc biệt, về với Lâm Trạch những ngày này, chúng tôi có thể thấy được hiệu quả rõ rệt trong việc giao đấ,t giao rừng để bà con trồng rừng kinh tế. Những vùng đất trống, đồi trọc trước kia nay đã được phủ một màu xanh bạt ngàn của thông, keo lai. Người dân tự chủ trong việc trồng, chăm sóc, bảo vệ và khai thác các sản phẩm từ rừng. Các hộ trồng rừng còn năng động kết hợp với chăn thả gia súc và nuôi ong lấy mật.
 
Số lượng các hộ gia đình tham gia trồng rừng ngày càng đông, vì người dân nhận thấy loại cây lâm nghiệp có thể giúp họ xóa đói, giảm nghèo và ổn định cuộc sống. Hiện tại, toàn xã Lâm Trạch có hơn 1.100 hộ với 4.300 nhân khẩu thì trên 95% số hộ tham gia trồng rừng với tổng diện tích gần 1.900ha, trong đó, 300ha rừng thông khai thác để lấy nhựa và gần 1.600ha trồng keo lai. Nguồn thu nhập từ rừng trồng của xã đạt bình quân từ 36-40 tỷ đồng/năm.
 
Theo Chủ tịch UBND xã Lâm Trạch, những năm trở lại đây, địa phương mạnh dạn chuyển đổi rừng bạch đàn sang trồng cây keo lai và thông. Nguyên nhân là do cây keo lai, cây thông rất dễ sống, nhất là khu vực đồi núi, vùng sườn dốc. Mặt khác, cây keo lai có khả năng cải tạo đất, chống xói mòn, chống cháy rừng do cây mọc nhanh, cành lá phát triển mạnh, sau khi trồng 1-2 năm rừng đã khép tán, cải thiện được tiểu khí hậu, đất đai nơi trồng và che chắn hạn chế dòng chảy.
 
Theo tính toán, cây keo lai là cây lâm nghiệp giá trị cao, bình quân 5 năm cho thu hoạch một lần và sau khi trừ mọi chi phí cho thu nhập từ 70-80 triệu đồng/ha. Còn cây thông cho nhựa khoảng 9 tháng/năm và có thể khai thác trong thời gian gần 20 năm, sau đó, khai thác gỗ để bán. Được giao đất, giao rừng, người dân Lâm Trạch đang dần tự tin trên con đường xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống. Nhiều hộ dân ở xã Lâm Trạch vươn lên thoát nghèo nhờ trồng rừng, như: gia đình ông Nguyễn Văn Khánh ở thôn 4, ông Nguyễn Văn Tiến ở thôn 2, ông Nguyễn Văn Tào ở thôn 3…
 
Cùng với đó, xã Lâm Trạch đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn và đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng nhằm tạo bước đột phá trong giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững. Địa phương đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu lao động có uy tín về tại địa phương tuyển dụng lao động.
 
Xã còn tuyên truyền, tư vấn và tăng cường giáo dục pháp luật đến tận người lao động nhằm chấp hành đầy đủ quy định về chế độ, kỷ luật, giảm thiểu số lượng lao động bất hợp pháp tại các nước. Nhờ đó, trong 3 năm trở lại đây, số lượng người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng đã tăng mạnh. Đến nay, toàn xã Lâm Trạch có trên 300 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, chủ yếu tại các nước, như: Nhật Bản, Hàn Quốc…, cho thu nhập ổn định từ 20-30 triệu đồng/người/tháng.
 
Gia đình bà Nguyễn Thị Cận (sinh năm 1956) ở thôn 4 là tấm gương vượt khó làm giàu của địa phương. Gia đình bà Cận được biết đến là một trong những hộ nghèo của xã Lâm Trạch. Nhà đông con, đất sản xuất ít và chồng bà bị tai biến nặng. Năm 2010, bà đã mạnh dạn vay 170 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và người thân cho con trai thứ 3 tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng ở Đài Loan.
 
Sau hơn 2 năm cần cù chịu khó, con trai đã gửi tiền để trả hết nợ. Khi cuộc sống ổn định, bà tiếp tục đầu tư lần lượt cho con trai đầu và con trai út sang Đài Loan làm việc. Từ nguồn tiền gửi về, bà Cận xây nhà ở khang trang và chính thức thoát khỏi hộ nghèo vào năm 2018. Hiện thu nhập của gia đình bà bảo đảm ổn định mức 50-60 triệu đồng/tháng…
 
Có thể khẳng định, cùng với việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách giảm nghèo, chính sách bảo trợ xã hội; nâng cao hiệu quả công tác dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn, lao động nghèo… thì những bước đi sáng tạo, linh hoạt biến những khó khăn trở thành thuận lợi của xã Lâm Trạch trong thời gian qua đã tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác xóa đói, giảm nghèo. Cụ thể, giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 10,55%/năm, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm bình quân 3,2%/năm; đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 28 triệu đồng/năm…
 
Theo ông Nguyễn Sỹ Phúc, Chủ tịch UBND xã Lâm Trạch, những kết quả mà địa phương đạt được trong công tác giảm nghèo góp phần bảo đảm an sinh xã hội và thay đổi diện mạo nông thôn mới nơi đây. Đây còn là minh chứng quan trọng cho thấy sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao đồng bộ của cấp ủy, chính quyền địa phương đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn và sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị. Xã Lâm Trạch đang tiếp tục đặt ra nhiều giải pháp trọng tâm, trọng điểm với mục tiêu giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững…
 
Thùy Lâm