Xã Tân Ninh:

Nỗ lực chăm lo đời sống cho người dân

  • 07:03 | Thứ Năm, 02/07/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm qua, dù còn gặp nhiều khó khăn, song cấp ủy, chính quyền xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh đã tích cực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cấp đường giao thông, hệ thống thủy lợi, đa dạng hóa các hình thức khuyến nông, khuyến ngư, tạo điều kiện cho người dân ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.
 
Đời sống ngày càng được nâng cao
 
Tân Ninh là xã đồng bằng phía nam huyện Quảng Ninh có 1.871 hộ với 6.020 nhân khẩu sống tập trung tại 5 thôn: Quảng Xá, Hòa Bình, Nguyệt Áng, Thế Lộc và Hữu Tân. Năm 2019, xã Tân Ninh được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Từ đó đến nay, xã luôn nỗ lực giữ gìn và nâng cao các tiêu chí để nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân trong toàn xã.
 
Trong phát triển kinh tế, xã tiếp tục tuyên truyền vận động người dân đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, lựa chọn các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm… và đã đạt được những kết quả nhất định.  
 
Đến nay, toàn xã có 5 HTX chuyên cung cấp các dịch vụ nông nghiệp, kinh doanh nông sản; nhiều hộ dân xây dựng mô hình nuôi bò nhốt chuồng, trồng cây ăn quả, rau an toàn... Trong đó, có nhiều mô hình chăn nuôi tập trung theo quy trình khép kín, bảo đảm nghiêm ngặt về kỹ thuật, thức ăn, hệ thống chuồng trại đạt chuẩn, bảo đảm chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế cao. 
   Anh Trần Xuân Đồng, thôn Hòa Bình, xã Tân Ninh mạnh dạn đầu tư mua sắm các thiết bị nông nghiệp hiện đại để cải thiện sản xuất.
Anh Trần Xuân Đồng, thôn Hòa Bình, xã Tân Ninh mạnh dạn đầu tư mua sắm các thiết bị nông nghiệp hiện đại để cải thiện sản xuất.
Nhờ đẩy mạnh phát triển kinh tế, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm theo từng năm. Nếu năm 2011, thu nhập bình quân đầu người là 14,2 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo là 22,7% thì đến cuối năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 37,8 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 2,5%.
 
Cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa, xã hội của xã cũng có nhiều khởi sắc, công tác giáo dục được quan tâm, các trường, lớp được đầu tư sửa chữa, mua sắm thêm các trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học; phong trào xã hội hóa giáo dục, công tác khuyến học, xây dựng xã hội học tập ngày càng đi vào chiều sâu. Đến nay, xã duy trì phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và THCS mức độ III.
 
Trường THCS Tân Ninh được công nhận lại đạt chuẩn quốc gia, Trường tiểu học Tân Ninh được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ II, Trường mầm non được công nhân đạt chuẩn quốc gia năm 2019. Xã đạt chuẩn cộng đồng học tập năm 2019. Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được thực hiện tốt, xã đã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" được thực hiện có hiệu quả, xã có 5/5 thôn đạt danh hiệu thôn văn hóa, có 1.532/1.871 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, đạt 81,8%.
 
Ông Nguyễn Đức Thụ, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Ninh cho biết, nhờ tích cực xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn của xã đã có nhiều khởi sắc. Thay đổi rõ rệt nhất là hệ thống đường giao thông toàn xã đã được cứng hóa trên 90%, nhân dân tại các thôn tích cực tu sửa đường làng, ngõ xóm sạch đẹp. Đó là sự nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương.
 
Nhiều mô hình kinh tế phát huy hiệu quả
 
Để tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất vươn lên thoát nghèo bền vững, cùng với chính quyền và các đoàn thể của xã, Hội Nông dân xã đã tập trung phát động nhiều phong trào thi đua, chú trọng đến công tác tuyên truyền, hướng dẫn mọi người chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với thổ nhưỡng ở địa phương.
 
Mặt khác, hội đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh, huyện tổ chức các lớp dạy nghề, tập huấn, chuyển giao KH-CN, phối hợp với các ngân hàng tổ chức tốt việc tín chấp cho nông dân vay vốn và hướng dẫn sử dụng nguồn vốn đúng mục đích trong sản xuất, kinh doanh. Nhiều hội viên, nông dân sau khi được vay vốn của ngân hàng đã mạnh dạn đầu tư mở rộng các mô hình kinh doanh, trồng trọt, chăn nuôi của gia đình. 
 
Điển hình có mô hình kinh doanh vật liệu xây dựng của anh Từ Thủy Ngọc Hà (SN 1983), ở thôn Nguyệt Áng. Tốt nghiệp đại học năm 2007, anh Hà vào TP. Hồ Chí Minh tìm kiếm việc làm. Tuy nhiên, do không làm chủ được bản thân, bị bạn bè lôi kéo lấy cắp vật liệu xây dựng, anh bị kết án 12 tháng tù. Sau khi mãn hạn tù trở về quê, được sự giúp đỡ của Hội Nông dân xã, anh đã mạnh dạn vay vốn giải quyết việc làm và vay mượn của bố mẹ, anh chị để kinh doanh vật liệu xây dựng.
 
Với niềm đam mê trong lĩnh vực kinh doanh, buôn bán anh đã nghiên cứu tìm hiểu về phát triển kinh tế thị trường, nâng cao kiến thức cho bản thân. Nhờ đó, mô hình kinh doanh của anh ngày càng đứng vững và phát triển mạnh. Đến nay, tổng doanh thu bình quân của gia đình anh đạt trên 700-800 triệu đồng/năm, lãi thu được sau khi đã trừ chi phí là 300-350 triệu đồng/năm. Hàng năm, mô hình kinh doanh của anh đã giải quyết việc làm cho 5 lao động thường xuyên với mức lương trung bình là 5.000.000đ/người/ tháng.
 
Còn anh Trần Xuân Đồng (SN 1971), thôn Hòa Bình lại chọn cho mình hướng phát triển đầu tư mua sắm các thiết bị nông nghiệp hiện đại để cải thiện sản xuất, làm giàu trên chính mảnh quê hương. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất nông nghiệp truyền thống, với ý chí vượt khó vươn lên, dám nghĩ dám làm, cộng thêm tình yêu và sự đam mê gắn bó với ruộng đồng, năm 1999, nắm bắt cơ hội khi máy móc nông nghiệp trên địa bàn và các vùng lân cận còn khan hiếm, anh Đồng đã mạnh dạn vay vốn mua máy làm đất, máy gặt đập liên hoàn.
 
Hàng năm, mô hình kinh doanh của gia đình anh đã giải quyết việc làm cho 4 lao động thường xuyên với mức lương trung bình là 5.000.000đ/người/ tháng. Ngoài ra, anh còn tạo điều kiện hỗ trợ cung cấp hàng hoá gối nợ cho các hộ buôn bán kinh doanh nhỏ lẻ trong xã và địa bàn xung quanh. Đồng thời, anh tích cực hướng dẫn cách làm ăn, truyền đạt kinh nghiệm cho các hộ khó khăn giúp họ vươn lên trong sản xuất kinh doanh và ổn định cuộc sống. Từ năm 2015 đến nay, gia đình anh giúp đỡ cho 3 hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn trong thôn, cho vay tiền không lãi suất để phát triển sản xuất, góp phần đưa các hộ thoát nghèo.
 
Theo ông Nguyễn Đức Thụ, thời gian tới, xã tiếp tục phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng, nhân rộng những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, Tân Ninh sẽ nỗ lực nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội phù hợp với nhu cầu thực tế tại địa phương.
 
Phạm Hà