Thực hiện Nghị định 100 của Chính phủ:

Tai nạn giảm, ý thức tăng

  • 08:12 | Thứ Năm, 16/07/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ngày 30-12-2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị định 100/2019/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (Nghị định 100). Chỉ sau hai ngày (1-1-2020), Nghị định này có hiệu lực thi hành. Sau 6 tháng đi vào cuộc sống, Nghị định 100 đã có những tác động mạnh mẽ, tích cực, đặc biệt là số vụ tai nạn giao thông giảm sâu và ý thức người dân tăng cao.
 
Thống kê 6 tháng đầu năm 2020, cũng là thời gian triển khai thực hiện Nghị định 100, tỉnh Quảng Bình xảy ra 61 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 30 người, bị thương 51 người. So với cùng kỳ năm 2019 giảm 37 vụ, (38%); giảm 17 người chết (36%); giảm 16 người bị thương (24%). Đây là những con số ấn tượng mà một trong những nguyên nhân quan trọng chính là nhờ việc triển khai thực hiện  Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt theo Nghị định 100.
 
Với các điều khoản tăng mức xử phạt tối đa đối với các hành vi phạm quy định về nồng độ cồn theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia, những ngày đầu áp dụng Nghị định 100 đã có không ít ý kiến trái chiều của người dân. Người thì cho rằng những mức phạt đó là quá nặng hay với mức quy định về nồng độ cồn của Nghị định 100 thì dù chỉ ăn hoa quả hay uống nước trái cây cũng có thể bị xử phạt; người thì hài lòng bởi tính răn đe của các điều khoản mới…
 
Những ý kiến trái chiều đã tạo nên cuộc tranh luận sôi nổi cả trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội. Và đến thời điểm này, sau 6 tháng triển khai, có thể khẳng định Nghị định 100 đã đạt được những kết quả quan trọng. Ngoài những “con số biết nói” chứng minh sự giảm mạnh của TNGT trong toàn quốc nói chung, Quảng Bình nói riêng, điều quan trọng nhất là ý thức của người dân.
 
Nếu trước đây trong những cuộc nhậu, tiệc cưới hay những hoạt động gặp gỡ, mọi người sau khi sử dụng bia rượu vẫn thoải mái điều khiển phương tiện, thì nay, với những mức phạt “khủng” và đáng ngại nhất là việc bị tước giấy phép lái xe, tình trạng điều khiển phương tiện sau khi sử dụng bia rượu đã giảm hẳn. 
Lực lượng chức năng ra quân thực hiện chủ đề năm ATGT 2020
Chị Nguyễn Thị Thu (phường Đồng Phú, TP. Đồng Hới) chia sẻ: Từ ngày Nghị định 100 có hiệu lực, trong mọi cuộc vui tôi đều từ chối bia rượu mà chỉ sử dụng nước suối hoặc nước ngọt. Trường hợp bất khả kháng thì tôi sử dụng dịch vụ lái xe thuê để bảo đảm an toàn giao thông và tránh bị xử phạt. Những ngày đầu tôi thấy nhiều người tuân thủ nghiêm Nghị định 100 vì sợ bị xử phạt, nhưng sau đó mọi người đã hiểu được việc không điều khiển phương tiện sau khi sử dụng bia rượu là hành vi văn minh, góp phần bảo đảm an toàn cho bản thân và mọi người. Tôi cho rằng đây là điều quan trọng bởi nó giúp mọi người tự giác thực hiện thay vì đối phó với lực lượng chức năng!
 
Không chỉ ở thành phố, trước đây tại nhiều địa bàn nông thôn, tình trạng người dân sử dụng bia rượu và điều khiển phương tiện giao thông diễn ra phổ biến, nhất là trong những tiệc cưới. Thế nhưng từ thời điểm Nghị định 100 được thực thi, tình trạng này đã giảm hẳn.
 
Anh Nguyễn Ngọc Thanh, xã Đức Hóa (Tuyên Hóa) cho biết: Nếu trước đây khi tham dự đám cưới, mọi người có thể thoải mái uống bia rượu, thì nay hoặc là chấm dứt hẳn, hoặc là phải phân công “tài xế” chở về nếu không muốn bị xử phạt. Nên có những đám cưới, số lượng nước ngọt, nước suối tăng và lượng bia rượu giảm hẳn. Và ngày càng ít dần đi những tin tức đau lòng về những vụ TNGT do ảnh hưởng của bia rượu.
 
“Là một người trẻ với những nhu cầu giao lưu, gặp gỡ mà ở đó không tránh khỏi rượu bia, nhưng tôi ủng hộ Nghị định 100 bởi nó an toàn cho tôi và cho cộng đồng!”, anh Thanh nhấn mạnh.
 
Mặc dù vẫn có những ý kiến trái chiều nhưng Nghị định 100 đã và đang góp phần hình thành thói quen văn minh cho người tham gia giao thông. Bởi lẽ pháp luật không cấm người dân sử dụng rượu, bia một cách hợp pháp mà chỉ cấm không sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông. Sự kiên quyết, không có tình trạng “giơ cao đánh khẽ” của cơ quan chức năng bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần thực hiện tốt chủ đề năm An toàn giao thông (ATGT) 2020 là “Đã uống rượu bia, không lái xe”, đưa Nghị định 100 lan tỏa và tác động mạnh mẽ trong cộng đồng.
 
Mục tiêu năm ATGT 2020 của nước ta là giảm từ 5-10% số vụ, số người chết, bị thương do tai nạn giao thông so với năm 2019. Riêng Quảng Bình, mục tiêu của năm 2020 là giảm TNGT từ 5 - 10% cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương so với năm 2019; giảm TNGT do nguyên nhân điều khiển phương tiện giao thông sau khi sử dụng rượu, bia.
 
“Với những nỗ lực và sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình, hưởng ứng của người dân, qua nửa chặng đường của năm 2020, tỷ lệ số vụ, số người chết và bị thương lần lượt giảm sâu với tỷ lệ 38%, 36% và 24% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là kết quả đáng mừng, tạo tiền đề và quyết tâm để thời gian tới, Quảng Bình tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong công tác bảo đảm ATGT, đặc biệt là việc kiên quyết xử phạt nghiêm minh những hành vi vi phạm nồng độ cồn được quy định tại Nghị định 100!”, ông Hoàng Đăng Cương, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Chánh Văn phòng Thường trực Ban ATGT tỉnh cho biết.
 
Tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm an toàn giao thông 6 tháng đầu năm 2020, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cũng yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị định 100. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia, phát huy kết quả 6 tháng đầu năm là “tai nạn giảm, ý thức tăng” Ban ATGT tỉnh Quảng Bình đã đặt ra các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể trong 6 tháng cuối năm nhằm bảo đảm trật tự ATGT nói chung, hiệu quả của Nghị định 100 nói riêng.  
 
Ngọc Mai