Kỳ vọng của cử tri về kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khóa XVII

  • 08:41 | Thứ Sáu, 10/07/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Cần ưu tiên nguồn lực để tạo việc làm cho thanh niên miền núi
 
* Đoàn viên Ngô Văn Cường, xã Xuân Hóa, huyện Minh Hóa
 
Qua theo dõi kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khóa XVII, tôi thấy kỳ họp diễn ra nghiêm túc, các báo cáo trình tại kỳ họp đã đánh giá khá sát tình hình kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng trong 6 tháng đầu năm 2020; đặc biệt là những nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong phòng, chống dịch Covid-19. Phần thảo luận rất sôi nổi, các đại biểu HĐND tỉnh đã có những quan điểm rõ ràng trong việc đưa ra nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế cũng như đề xuất các giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
 
Bản thân tôi là một đoàn viên thanh niên đang có nhiều ấp ủ, dự định trong lập nghiệp, phát triển kinh tế, nên tôi rất quan tâm đến những nghị quyết mà HĐND tỉnh thông qua lần này; đặc biệt là Nghị quyết phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác và Nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội.
 
Tôi cũng mong tỉnh ta sẽ thực hiện thành công chương trình giảm nghèo bền vững và giải quyết việc làm; ưu tiên nguồn lực thực hiện chương trình tạo việc làm cho thanh niên nông thôn, đặc biệt là thanh niên ở miền núi. Trong đó, cần tăng cường hoạt động tư vấn, kết nối người lao động là thanh niên với người sử dụng lao động; tích cực hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp trẻ khôi phục sản xuất, tạo thêm việc làm mới cho người lao động, đặc biệt là những người bị mất việc làm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19...
 
P.Phương (thực hiện)
 
Quan tâm giải quyết những nguyện vọng chính đáng của người dân
 
* Ông Trần Xuân Thắng, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Thanh Hải, xã Thanh Trạch, Bố Trạch
 
Qua theo dõi kỳ họp HĐND tỉnh, tôi cũng như bà con công giáo trên địa bàn thôn Thanh Hải, xã Thanh Trạch vui mừng trước những thành quả về phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà đã đạt được trong thời gian khó khăn chung do dịch bệnh Covid-19 vừa qua. Bà con tin tưởng với những quyết sách sát đúng của HĐND tỉnh, Quảng Bình sẽ ngày càng phát triển lớn mạnh hơn, đời sống tinh thần và vật chất của người dân được nâng cao hơn.
 
Riêng thôn Thanh Hải hiện có 217 hộ, 943 nhân khẩu, trong đó có 174 hộ công giáo với 786 nhân khẩu. Những năm qua, nhờ ơn Đảng, Nhà nước, bà con lương giáo ở Thanh Hải đoàn kết một lòng, chung sức xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt bà con đã đồng lòng mở rộng, xây dựng các tuyến đường hoa kiểu mẫu; đoàn kết, giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần... Đến nay, toàn thôn không có hộ nghèo là điều kiện thuận lợi để bà con tập trung xây dựng thôn kiểu mẫu, góp phần quan trọng trong chặng đường xây dựng và về đích nông thôn mới nâng cao của xã Thanh Trạch.
 
Nhân dịp này, thay mặt thôn Thanh Hải, tôi mong muốn, các cấp, các ngành quan tâm giải quyết những nguyện vọng chính đáng của bà con. Hiện nay, hoạt động hút cát khơi thông, nạo vét luồng 2 bên bờ biển cửa sông Gianh ở địa phận xã Thanh Trạch có nhiều tranh cãi. Bà con thôn Thanh Hải đề nghị chính quyền chỉ đạo, hướng dẫn tạo điều kiện để việc hút cát tại đây xong thì xử lý theo cách truyền thống (nhấn chìm ở ngoài biển), tránh việc tập kết, gây hiện tượng bị xâm lấn ngày càng sâu, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của bà con và các thế hệ mai sau.
 
Hương Trà (thực hiện)
 
Quan tâm hơn nữa đến sự phát triển kinh tế-xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số 
 
* Bà Lâm Phạm Thị Lâm, Trưởng bản Cáo, xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa
 
Những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và tỉnh, cuộc sống của đồng bào Mã Liềng ở bản Cáo nói riêng, đồng bào dân tộc thiểu số huyện Tuyên Hóa nói chung đã có nhiều thay đổi. Thông qua các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng chuyển biến tích cực. Bà con tuyệt đối tin tưởng và thực hiện nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Cần quan tâm hơn nữa đến đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số
Cần quan tâm hơn nữa đến đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số
Tuy nhiên, đời sống của người dân miền núi còn gặp nhiều khó khăn. Một phần do nhận thức của bà con còn thấp, trình độ phát triển kinh tế còn nhiều hạn chế. Nhân kỳ họp HĐND tỉnh lần này, thay mặt cho người dân bản Mã Liềng, tôi mong muốn tỉnh tiếp tục quan tâm hơn trong phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao dân trí cho bà con. Hiện tại, đại bộ phận người dân tộc thiểu số ở xã Lâm Hóa vẫn còn rất thiếu đất để sản xuất.
 
Với bà con, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, việc cấp đất sản xuất là điều kiện quan trọng để mỗi người dân tự vươn lên trong cuộc sống. Bởi nếu như trước đây, bà con chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ hàng tháng của Nhà nước, thì nay thông qua các chương trình hỗ trợ chăn nuôi bò, lợn, gà, người dân đã tự chăn nuôi, phát triển đàn để bán.
 
Bên cạnh đó, đồng bào muốn tỉnh quan tâm đến chế độ, chính sách cho cán bộ y tế thôn, bản. Với đồng bào dân tộc thiểu số, đây là lực lượng quan trọng nhằm chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chính sách về y tế của Nhà nước. Hiện tại, trên địa bàn các bản dân tộc thiểu số của huyện Tuyên Hóa, đồng bào cũng rất cần tỉnh đầu tư xây dựng các công trình nước sạch hợp vệ sinh, đồng thời, xây mới, sửa chữa nhà ở cho bà con.  
 
  Dương Công Hợp (thực hiện)
 
Quan tâm đến các chính sách cho công nhân sau dịch bệnh Covid-19
 
* Anh Nguyễn Thanh Sơn, công nhân Công ty CP Sản xuất vật liệu xây dựng CIB, Quảng Xuân, Quảng Trạch
 
Qua theo dõi kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khóa XVII , tôi rất vui mừng, phấn khởi trước những kết quả đạt được về kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2020.
 
Tại kỳ họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận những vấn đề quan trọng về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2020 và các giải pháp, nhiệm vụ trong thời gian tiếp theo. Đặc biệt, các đại biểu cũng đã thảo luận những vấn đề nổi cộm mà cử tri quan tâm trong thời gian qua như: Tình hình phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và các giải pháp ổn định sau dịch bệnh; phòng, chống cháy rừng mùa khô; phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT; chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số; rà soát hộ nghèo, cận nghèo công bằng; công tác khám, chữa bệnh cho người dân; sắp xếp, bố trí công chức cấp xã sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã; giải pháp tái đàn lợn sau dịch bệnh tả lợn châu Phi; các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh... Từ đó đề ra những quyết sách đúng đắn, kịp thời nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn để thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2020.
Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Thời gian tới, tôi mong muốn các đại biểu HĐND tỉnh tiếp tục nêu cao tinh thần, trách nhiệm trước nhân dân, tiếp tục quan tâm đến những vấn đề mà cử tri trong tỉnh quan tâm, phản ánh để kịp thời kiến nghị lên cơ quan chức năng có giải pháp phù hợp.
 
Đối với những chính sách liên quan đến công nhân lao động, thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm thời đóng cửa hoặc cắt giảm giờ làm ảnh hưởng đến đời sống của công nhân lao động. Vì vậy, tôi mong muốn các đại biểu HĐND tỉnh quan tâm hơn nữa đến các chính sách cho công nhân lao động như: tiền lương, BHXH, tạo việc làm, kịp thời động viên, khích lệ tinh thần cho công nhân lao động, nhất là công nhân có hoàn cảnh khó khăn trong các doanh nghiệp sau ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
 
Đoàn Nguyệt (thực hiện)
 
Cần quan tâm nhiều hơn nữa đến việc phát triển giáo dục vùng biên giới
 
* Thầy giáo Ngô Mậu Tình, Phó Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú tiểu học và THCS Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy
 
Những ngày qua, tôi thường xuyên theo dõi kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2016-2021 qua các phương tiện thông tin đại chúng. Tôi rất vui mừng trước những kết quả đạt được của tỉnh nhà trong những tháng đầu năm 2020. Trong phần thảo luận, các đại biểu HĐND tỉnh cũng đã làm rất tốt vai trò, trách nhiệm của mình đối với cử tri. Nhiều vấn đề đưa ra trao đổi tại kỳ họp rất dân chủ, công khai, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri.
 
Qua kỳ họp và trong thời gian tới, tôi mong các đại biểu HĐND, lãnh đạo tỉnh cùng các cơ quan, ban, ngành quan tâm hơn nữa vấn đề phát triển giáo dục vùng cao, vùng biên giới như: Đưa môn tin học vào giảng dạy chính thức cho cấp tiểu học bằng việc tăng biên chế giáo viên dạy bộ môn này. Các cấp chính quyền tiếp tục hỗ trợ sách giáo khoa, dụng cụ học tập cho học sinh vùng biên giới, nhất là vào thời điểm đầu năm học mới; tăng cường công tác dạy nghề phù hợp cho học sinh, nhất là những nghề nông nghiệp, cơ khí để về phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, tạo thêm công ăn việc làm cho bà con.
 
Đồng thời, tăng cường hỗ trợ để bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế-xã hội, củng cố an ninh-quốc phòng; chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục để đồng bào xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp để góp phần phát triển du lịch…
 
Xuân Vương (thực hiện)