Hội thảo "Chia sẻ kết quả và tham vấn về nghiên cứu đánh giá thị trường lao động"

  • 09:48 | Thứ Sáu, 17/07/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Ngày 16-7, tại TP. Đồng Hới, Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) phối hợp phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tỉnh Quảng Bình tổ chức hội thảo “Chia sẻ kết quả và tham vấn ý kiến về nghiên cứu đánh giá thị trường lao động”.

Đây là hoạt động thuộc khuôn khổ dự án “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại” (gọi tắt là TMSV), do IOM, Hội đồng Anh (British Council) và Tổ chức Tầm nhìn thế giới quốc tế tại Việt Nam phối hợp với Bộ Công an thực hiện dưới sự tài trợ của Bộ Nội vụ Vương quốc Anh. 

Các đại biểu thảo luận tại hội thảo “Chia sẻ kết quả và tham vấn ý kiến về nghiên cứu đánh giá thị trường lao động”.
Các đại biểu thảo luận tại hội thảo “Chia sẻ kết quả và tham vấn ý kiến về nghiên cứu đánh giá thị trường lao động”.
Tham dự hội thảo có đại diện đến từ Bộ Công an, Bộ LĐ-TB-XH và Sở LĐ-TB-XH, Hội Liên hiệp Phụ nữ và Công an của 5 tỉnh, thành phố thực hiện dự án, gồm: Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình.
 
Hội thảo nhằm hướng tới mục tiêu chính triển khai các can thiệp và hoạt động của Dự án “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại” phù hợp với bối cảnh tại từng địa phương; giảm thiểu tính dễ bị tổn thương đối với nạn nô lệ thời hiện đại thông qua truyền thông thay đổi hành vi, nâng cao tỷ lệ truy tố, hỗ trợ phục hồi và tái hòa nhập cho nạn nhân. 
 
Thông qua hợp tác nhiều bên, dự án hướng đến việc thay đổi hành vi, thúc đẩy các cơ hội sinh kế thay thế, tăng cường tiếp cận với hệ thống tư pháp địa phương cũng như các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân. Cách thức tiếp cận này sẽ giúp tối đa hóa những nỗ lực chung trong việc giảm thiểu tính dễ bị tổn thương và có nguy cơ trở thành nạn nhân của nô lệ thời hiện đại và mua bán người. 
 
Tại Quảng Bình, dự án TMSV triển khai từ tháng 2-2020 đến tháng 3-2021 với phạm vi hoạt động thí điểm tại TP. Đồng Hới và huyện Bố Trạch. 
 
Theo đó, tại hội thảo, các đại biểu cùng thảo luận, khuyến nghị về những kết quả nghiên cứu, đánh giá thị trường, nhu cầu lao động, góp phần cho dự án nhận diện rõ hơn những hỗ trợ phù hợp cho những đối tượng dễ bị tổn thương, đặc biệt là nhóm người có ý định di cư trái phép và có nguy cơ cao bị mua bán người.
 
Đồng thời, thông qua việc chia sẻ, trao đổi và học hỏi kinh nghiệm sẽ thúc đẩy và tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành tại mỗi tỉnh và liên tỉnh góp phần đẩy lùi vấn nạn này.
 
 N.L