Chuyển biến trong công tác đào tạo nghề và xuất khẩu lao động

  • 08:45 | Thứ Hai, 27/07/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, Nghị quyết số 05-NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Tuyên Hóa về đào tạo nghề cho lao động nông thôn và xuất khẩu lao động (XKLĐ) đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài đã thực sự đi vào cuộc sống. Qua thực hiện nghị quyết, đã tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động trong toàn Đảng bộ và nhân dân, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế nguồn nhân lực trên địa bàn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao thu nhập, đời sống của người dân, đưa Tuyên Hóa giảm nghèo nhanh và bền vững.
 
Ông Lương Công Đức, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Tuyên Hóa cho hay: “Thực hiện bước đột phá được Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015-2020 xác định và Nghị quyết số 05-NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đề ra, UBND huyện đã xây dựng và ban hành Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn và XKLĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, giai đoạn 2016-2020".
 
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, bằng những giải pháp, hành động cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và được nhân dân đồng tình, hưởng ứng, hoạt động đào tạo nghề và XKLĐ đã trở thành điểm sáng trong lĩnh vực lao động-việc làm của huyện Tuyên Hóa những năm qua. Đây là bước đột phá quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống chật chất, tinh thần của người dân và giảm tỷ lệ hộ nghèo của toàn huyện”.
 Diện mạo nông thôn mới của nhiều địa phương ở huyện Tuyên Hóa khởi sắc từ xuất khẩu lao động.
Diện mạo nông thôn mới của nhiều địa phương ở huyện Tuyên Hóa khởi sắc từ xuất khẩu lao động.
Từ năm 2016 đến 2019, huyện Tuyên Hóa đã triển khai được 65 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, với 2.000 học viên, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đến nay đạt 40,6%; trong đó, đào tạo nghề đạt 32,2%. Hầu hết lao động qua đào tạo nghề đã có cơ hội tìm kiếm việc làm trên thị trường lao động trong và ngoài nước, vận dụng kiến thức được đào tạo vào thực tế sản xuất trong hộ gia đình, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Sau đào tạo, một số nghề được lao động ứng dụng ngay vào sản xuất tại chỗ, như: nuôi ong lấy mật, kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và tiểu thủ công nghiệp.
 
Điển hình tại Hợp tác xã Mây tre đan Vân Sơn, xã Kim Hóa thu hút và tạo việc làm cho 35 lao động tại địa phương đã qua đào tạo nghề mây tre, có thu nhập bình quân từ 4,5 đến 5 triệu đồng người/tháng. Ngoài ra, nhiều lao động khác tại các xã: Tiến Hóa, Châu Hóa, Sơn Hóa, Thạch Hóa, Mai Hóa, Thanh Hóa, Lê Hóa… sau khi được đào tạo nghề đã tìm kiếm được việc làm, có thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống gia đình.
 
Hàng năm, HĐND huyện đã đưa chỉ tiêu về XKLĐ vào nghị quyết phát triển kinh tế-xã hội, UBND huyện xây dựng kế hoạch và giao chỉ tiêu cụ thể cho các xã, thị trấn triển khai thực hiện. Huyện phối hợp với các cấp, ngành, đơn vị liên quan tuyên truyền nâng cao nhận thức về hiệu quả công tác xuất khẩu lao động; khảo sát nhu cầu lao động, tư vấn trực tiếp cho người lao động tại các thôn, bản, tiểu khu nhằm định hướng hình thức, thị trường lao động hiệu quả, phù hợp với khả năng, điều kiện của từng lao động.
 
Chính quyền các địa phương cũng đã chú trọng công tác cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa, giảm phiền hà, công khai và minh bạch; hình thành mối liên thông trong tạo nguồn, quản lý lao động giữa địa phương với doanh nghiệp XKLĐ nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài được thuận lợi trong thực hiện các thủ tục như vay vốn tín dụng, học ngoại ngữ, học nghề.
 
“Đến nay, XKLĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài thực sự có bước chuyển biến mạnh mẽ, tạo được bước đột phá quan trọng. Số lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài hàng năm đều tăng và vượt chỉ tiêu đề ra. Nếu như năm 2016, toàn huyện có khoảng 304 người đi XKLĐ thì đến nay, con số này đã tăng lên tới 2.280 người. Bình quân mỗi năm, số tiền của người lao động ở nước ngoài gửi về cho gia đình trên địa bàn huyện đạt trên 400 tỷ đồng. Cùng với các giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn huyện, hiệu quả của Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn và XKLĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài giai đoạn 2016-2020” đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện từ 31,7% đầu năm 2016 xuống còn 9,51% vào cuối năm 2019.”, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Tuyên Hóa Lương Công Đức nhấn mạnh.
 
Tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết, nhiều hộ gia đình trên địa bàn các xã như: Tiến Hóa, Mai Hóa, Phong Hóa, Đồng Hóa, Thuận Hóa, Kim Hóa, Thanh Thạch... đã có từ 2 đến 3 lao động đi làm việc ở nước ngoài và có thu nhập khá. Hiện, toàn huyện có 1.018 lao động đang làm việc tại các nước: Đài Loan, Malaysia, Trung Đông, có thu nhập bình quân (sau khi trừ mọi chi phí ăn ở) từ 15 đến 20 triệu đồng/người/tháng và 762 lao động đang làm việc tại các nước: Hàn Quốc, Nhật Bản có thu nhập từ 25-35 triệu đồng/người/tháng. Nguồn thu nhập từ xuất khẩu lao động đạt cao và ổn định, đã góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện từ 23,78 triệu đồng/năm (năm 2016) lên 35,2 triệu đồng/năm (năm 2019).
 
Huyện Tuyên Hóa đang phấn đấu đến năm 2025 có tỷ lệ lao động được đào tạo nghề đạt 38%, hàng năm, giải quyết việc làm cho 3.200 đến 3.500 lao động, XKLĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài từ 400 đến 450 người. Để thực hiện thành công mục tiêu này, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Tuyên Hóa đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành từ huyện đến cơ sở triển khai đồng bộ, toàn diện các hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn và XKLĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
 
Trên cơ sở điều kiện thực tế của địa phương, huyện đã đề ra các giải pháp sát thực nhằm tiếp tục gắn công tác dạy nghề với các lợi thế sẵn có của địa phương, định hướng, lựa chọn nghề phù hợp để đào tạo cho lao động, góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động từ lĩnh vực nông-lâm-ngư nghiệp sang các lĩnh vực khác.
 
Hiền Chi