Cần có giải pháp ngăn chặn trâu thả rong phá hoại mùa màng

  • 16:25 | Thứ Bảy, 18/07/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Từ đầu vụ hè-thu năm 2020 đến nay, người dân thôn Lệ Kỳ 1, xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh luôn trong tâm trạng lo lắng với nạn trâu thả rong phá lúa, hoa màu. Hơn 10 ha lúa và khoảng 1,5 ha hoa màu ở vùng Đồng Lầu, Ổ Gà của bà con đã bị những đàn trâu thả rong phá hoại. Các hộ gia đình đã phải gieo, dặm lại nhiều lần.
 
Hàng đêm, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Lệ Kỳ phải cử cán bộ phối hợp với lực lượng dân quân và các hộ có lúa, hoa màu thiệt hại thường xuyên túc trực để vây bắt trâu. Tuy nhiên, đàn trâu quá hung hãn nên rất khó bắt giữ.
 
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Lệ Kỳ, xã Vĩnh Ninh cho biết: "Đàn trâu này có số lượng khoảng 60 con là của 10 hộ dân ở xã Nghĩa Ninh, thành phố Đồng Hới, nhưng các hộ này đã thả hoang trong rừng từ khoảng 5-7 năm nay. Và ngay cả chủ trâu như ông Đào Văn Phiễu ở thôn 5, xã Nghĩa Ninh cũng khó nhận biết được đặc điểm, số lượng đàn trâu của mình. Do thả hoang nhiều năm trong rừng, nên đàn trâu rất hung dữ, nhiều khi vây bắt bản thân tôi đã bị thương. Hơn nữa đàn trâu chỉ ra phá hại vào ban đêm, vào khoảng 23 giờ đến sáng nên cũng rất khó ngăn chặn. Các chủ trâu thì phó mặc cho chúng tôi, bắt được con nào họ chuộc con ấy, chứ họ thì bất lực”.
Đàn trâu thả rong bị bắt giữ.
Đàn trâu thả rong bị bắt giữ.
Được biết, nạn trâu thả rong phá hoại mùa màng của người dân ở thôn Lệ Kỳ 1 xảy ra từ đầu vụ đông-xuân 2019-2020, người dân cũng đã dùng nhiều biện pháp để xua đuổi, bắt giữ, nhưng đến bây giờ vẫn chưa chấm dứt được.
 
Trong gần 1 năm qua, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Lệ Kỳ đã bắt giữ 4 đợt được 29 con trâu và 1 con bò phá hoại lúa, hoa màu; trong đó có đợt bắt giữ được nhiều nhất là 17 con vào thời điểm khi lúa đông-xuân đang trong giai đoạn chuẩn bị thu hoạch.
 
Sau khi bắt giữ đàn trâu, Hợp tác xã cũng đã nhiều lần thông báo, liên hệ với Hợp tác xã Trung Nghĩa, xã Nghĩa Ninh (TP. Đồng Hới) để tìm chủ trâu, và đã xử phạt theo quy ước, thỏa thuận trên 17 triệu đồng, để bồi thường cho các hộ bị thiệt hại, đồng thời trả công cho lực lượng bắt giữ. 
 
Bà Đặng Thị Liên, hộ nông dân có lúa bị thiệt hại cho biết: “Vụ hè -thu này, gia đình tôi sản xuất được 2,5 sào ruộng vùng Cửa Kho, nhưng khi lúa đang vào giai đoạn đẻ nhánh thì đàn trâu vào phá hại lúa. Vừa rồi, Hợp tác xã có bắt được trâu và trả tiền đền bù cho gia đình 500.000 đồng, nhưng cũng chỉ đủ tiền mua phân đạm để bón lại cho lúa. Sau khi bón đạm xong được khoảng 10 ngày thì đàn trâu lại tiếp tục phá hoại. Tôi chỉ biết trông chờ vào các biện pháp ngăn chặn của Hợp tác xã chứ gia đình thì bất lực”.
 
Cũng trong tình trạng lúa bị thiệt hại như bà Liên, ông Trần Văn Tường đề nghị: “Tôi cũng như nhiều hộ dân ở đây rất bức xúc với nạn trâu thả rong hại lúa, đặc biệt là hiện nay lúa đang trong thời kỳ trổ đòng, nếu trâu tiếp tục phá hại thì nông dân chúng tôi coi như mất trắng vụ này. Tôi đề nghị các cấp, các ngành liên quan vào cuộc thực hiện quyết liệt các biện pháp để chấm dứt tình trạng này, bảo đảm ổn định sản xuất cho những người nông dân như gia đình chúng tôi”.
Lúa hè-thu của bà Đặng Thị Liên bị trâu phá hại.
Lúa hè-thu của bà Đặng Thị Liên bị trâu phá hại.

Theo ông Lê Văn Khanh, người dân thôn Lệ Kỳ 1, xã Vĩnh Ninh thì đàn trâu thả rong này có phạm vi hoạt động khá rộng, từ khu vực cánh rừng phía Tây xã Vĩnh Ninh vào đến phía Bắc sông Long Đại. Đàn trâu này được thả rong trong rừng khá lâu, bản tính rất hoang dã nên nguy hiểm đối với mọi người. Vả lại đàn trâu thường ra bìa rừng phá hoại vào ban đêm nên rất khó bắt giữ.

“Hiện nay, lúa hè- thu đang trong giai đoạn trổ đòng, nếu đàn trâu tiếp tục phá hại thì các hộ dân thôn Lệ Kỳ 1 sản xuất lúa ở khu vực này sẽ bị thiệt hại nặng. Vì vậy, cùng với việc tiếp tục kiến nghị, đề xuất lên các cấp, các ngành liên quan giải quyết, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Lệ Kỳ đã triển khai giải pháp trước mắt là thuê máy múc đất đào hệ thống hầm hào phía Tây của vùng ruộng để ngăn chặn và tiếp tục cắt cử người theo dõi, túc trực vào ban đêm để xua đuổi đàn trâu sập hầm, bắt giữ”, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Lệ Kỳ cho biết thêm.
 
Hà Ngọc Khang
(Đài TT-TH Quảng Ninh)