Bảo hiểm y tế-tấm thẻ nhân văn

  • 07:19 | Thứ Tư, 01/07/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Một khi đã ốm đau, bệnh nặng, người dân không thể tránh khỏi việc tốn kém chi phí điều trị, nhất là với người nghèo, khó khăn lại chồng thêm khó khăn. Những lúc ấy, tấm thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc, như một “chiếc phao cứu sinh” của người bệnh và gia đình…
 
“Chiếc phao cứu sinh”
 
Những ngày cuối tháng 6-2020, có mặt tại Bệnh viện đa khoa huyện Minh Hóa, chứng kiến cảnh bệnh nhân từ nhiều nơi đến khám chữa bệnh (KCB) tại bệnh viện, chúng tôi nhận thấy mỗi người một tâm trạng, nhưng dường như họ đã vơi bớt đi phần lo lắng khi có BHYT hỗ trợ. Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết bệnh nhân đến KCB tại bệnh viện đều có thẻ BHYT, dường như mọi người đã nhận thức được giá trị của việc tham gia BHYT.
 
Bác sỹ Đinh Viễn Anh, Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Minh Hóa cho biết, thời gian gần đây, người dân trên địa bàn đến KCB tại bệnh viện hầu hết đều có thẻ BHYT và được hưởng chính sách ưu đãi của BHYT. Nếu như trước đây, nhiều gia đình gặp khó khăn phải lao đao với chi phí KCB thì giờ đây họ có thể yên tâm khi có Quỹ BHYT hỗ trợ. Đó là một tín hiệu mừng, bởi người dân đã nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của tấm thẻ BHYT đối với bản thân và gia đình.
 
Dù phải nằm điều trị dài ngày tại bệnh viện, nhưng bà Đinh Thị Ái Loan (SN 1963, ở xã Hồng Hóa, Minh Hóa) rất yên tâm chữa bệnh, vì mọi chi phí, thuốc thang đều được Quỹ BHYT hỗ trợ. Theo bác sỹ Đinh Viễn Anh, bà Loan là bệnh nhân bị viêm đường mật và xơ gan, phải thường xuyên điều trị tại bệnh viện.
 
Nếu như bệnh nhân Loan không có thẻ BHYT mà phải điều trị thường xuyên, dài ngày thì số tiền viện phí phải từ hàng chục triệu đến hàng trăm triệu đồng. Với một người dân có điều kiện kinh tế bình thường như gia đình bà Loan thì chắc chắn chi phí KCB của bà sẽ làm kiệt quệ kinh tế gia đình.
 
Tác dụng của tấm thẻ BHYT càng quý giá hơn đối với những bệnh nhân chạy thận. Để duy trì sự sống, bệnh nhân phải chạy thận lọc máu mỗi tuần 3 lần, mỗi lần chạy chi phí tiền thuốc mất hơn 600 nghìn đồng, tính ra mỗi năm chỉ riêng tiền thuốc đã mất gần 90 triệu đồng.
 BHXH tỉnh tập huấn kỹ năng khai thác phát triển BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình cho đại lý thu.
BHXH tỉnh tập huấn kỹ năng khai thác phát triển BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình cho đại lý thu.
Ông Trần Vinh ở xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa bị bệnh suy thận phải chạy thận hơn 6 năm nay. Khi mới phát hiện căn bệnh hiểm nghèo này, gia đình ông suy sụp, bởi không biết lấy tiền đâu mà chữa trị. Cũng may, cán bộ đại lý BHXH tại xã đã đến nhà tuyên truyền cho gia đình biết được chính sách nhân đạo của BHXH Việt Nam, đó là BHXH vẫn chấp nhận hồ sơ tham gia BHYT cho ông Vinh khi biết ông đã mắc bệnh. Điều này không giống với các loại bảo hiểm thương mại khác. Trước đó, gia đình đã phải vay mượn khắp nơi để chữa trị cho ông và nay thẻ BHYT thực sự là "chiếc phao cứu sinh". Có thẻ BHYT, mỗi đợt khám chữa bệnh ông Vinh đã được giảm 80% chi phí.
 
Bác sĩ Trần Thái Anh, Trưởng  khoa Nội thận-Tiết niệu, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới, chia sẻ: "Khi đến điều trị, nghe bệnh nhân nói có BHYT, bác sĩ thấy nhẹ lòng. BHYT có lợi cho tất cả mọi người nhưng với những bệnh nan y như suy thận nó càng có ý nghĩa như một “chiếc phao cứu sinh”. Không có BHYT, người bệnh phải chi trả khoản tiền rất lớn". Bác sỹ Anh cho biết thêm, hiện Khoa Nội thận-Tiết niệu đang điều trị thường xuyên, dài ngày cho 140 bệnh nhân bị suy thận nặng, có nhiều bệnh nhân đã chạy thận trên 10 năm. Và nếu không có thẻ BHYT, chắc chắn, hầu hết bệnh nhân khó có thể trụ nổi, bởi chi phí thuốc men cho chạy thận rất cao, tốn kém.
 
Chia sẻ rủi ro, hoạn nạn
 
BHYT được Đảng và Nhà nước xác định là một trong những chính sách quan trọng, là trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội, góp phần tích cực vào việc ổn định xã hội, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Luật BHYT đã được Quốc hội thông qua ngày 14-11-2008 và có hiệu lực từ ngày 1-7-2009. Để đánh dấu sự kiện Luật BHYT có hiệu lực, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 1-7 hàng năm là “Ngày BHYT Việt Nam”. Ngày 13-6-2014, Quốc hội đã thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016.
 
Theo đó, BHYT là hình thức bảo hiểm để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân không vì mục đích lợi nhuận, do Nhà nước tổ chức thực hiện và toàn dân tham gia để bảo vệ sức khỏe cho mỗi người khi chẳng may ốm đau, tai nạn, nhằm bảo đảm an sinh xã hội. BHYT mang lại công bằng về chăm sóc sức khỏe cho mọi người, đặc biệt là người nghèo, người cận nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng xa. Tham gia BHYT là cách tốt nhất để mọi người giúp nhau chia sẻ rủi ro khi bị ốm đau, bệnh tật.
 
Những năm gần đây, việc mở rộng quyền lợi hưởng BHYT giúp cho người có thẻ BHYT tiếp cận tối đa các dịch vụ kỹ thuật y tế tiên tiến. Hiện nay, hầu hết thuốc, dịch vụ kỹ thuật đều được Quỹ BHYT chi trả khi KCB đúng tuyến. Với mức đóng không cao nhưng khi không may mắc bệnh, kể cả những bệnh hiểm nghèo, phải chi phí lớn, người tham gia BHYT sẽ được khám, chữa bệnh chu đáo, không phân biệt giàu nghèo. Người có thẻ BHYT khi đi KCB đúng tuyến được Quỹ BHYT chi trả 80%-95% hoặc 100% chi phí khám chữa bệnh tùy thuộc vào nhóm đối tượng. Thực hiện KCB bằng thẻ BHYT giúp người nghèo và cận nghèo bớt đi gánh nặng chi tiêu cho gia đình khi ốm đau.
 
Số liệu của BHXH tỉnh Quảng Bình cho thấy, tính đến nay, toàn tỉnh có 775.606 người tham gia BHYT. Tuy nhiên, hiện vẫn còn gần 10% dân số của tỉnh chưa tham gia BHYT. Mặc dù thời gian qua, công tác truyền thông chính sách, pháp luật BHYT đã được đẩy mạnh; hình thức và nội dung tuyên truyền cũng được đổi mới nhằm tiếp cận gần hơn tới người dân; nhận thức của phần lớn người dân về chính sách BHYT đã được nâng lên nhưng vẫn còn không ít người dân chưa tham gia BHYT do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân khó khăn về kinh tế. Điều này đang tạo ra “lỗ hổng” trong hệ thống an sinh xã hội, khiến nhiều người có nguy cơ rơi vào “bẫy” nghèo đói nếu chẳng may ốm đau, tai nạn
 
Phát triển BHYT bền vững trong điều kiện kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn đòi hỏi cơ chế, chính sách phù hợp, sự năng động, tích cực của những người làm công tác BHXH, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan liên quan. Để tăng tỷ lệ bao phủ BHYT ở địa phương theo kế hoạch, BHXH tỉnh đang thực hiện các giải pháp, trong đó chú trọng mở rộng đối tượng tham gia BHYT, tập trung vào nhóm đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình.
 
Theo BHXH tỉnh Quảng Bình, để tạo thuận lợi cho người dân tham gia BHYT, toàn tỉnh đã phát triển được 562 lý thu BHXH, BHYT, có mặt hầu hết ở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Đến nay, hệ thống dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh đã được hoàn thành, đã giảm bớt thủ tục hành chính; đồng thời tạo thuận lợi trong việc quản lý xuyên suốt quá trình tham gia BHYT của người dân. Đây là tiền đề tiến tới thực hiện thẻ BHYT điện tử cho người dân trong thời gian tới.
 
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Hiện nay, ngoài việc nâng cao chất lượng dịch vụ KCB, ngành Y tế đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền để những người bệnh đến khám và điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh hiểu được giá trị, ý nghĩa của BHYT, từ đó, tự nguyện tham gia. Bên cạnh đó, Sở Y tế còn yêu cầu các bệnh viện, cơ sở KCB tích cực cải cách hành chính, giảm thời gian làm thủ tục để người dân được KCB một cách nhanh chóng và chất lượng nhất”.
 
Phan Phương