Nông dân Lệ Thủy chủ động các giải pháp chống hạn cho cây trồng

  • 20:06 | Chủ Nhật, 28/06/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tình trạng nắng nóng kéo dài đang khiến nhiều địa phương trên địa bàn huyện Lệ Thủy đối mặt với tình trạng thiếu nước sản xuất trầm trọng. Trước thực tế đó, người dân đã chủ động nhiều giải pháp để chống hạn cho cây trồng. 
 
Khoan giếng tìm nước
 
Thôn Tây Thiện, xã Dương Thủy hiện có 198 hộ dân sinh sống, chủ yếu làm nghề nông nghiệp. Từ trước đến nay, người dân trong thôn đều sử dụng nguồn nước giếng để phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Mùa mưa thì tạm đủ, nhưng mùa khô thì thiếu nước trầm trọng, đặc biệt là tình trạng thiếu nước sản xuất. Người dân phải tự bỏ tiền túi thuê người khoan giếng để lấy nước phục vụ sản xuất.
 
Giống như nhiều hộ dân ở thôn Tây Thiện, hơn 2 tháng qua, cuộc sống của gia đình ông Phạm Văn Đúng luôn trong tình trạng thiếu nước tưới phục vụ sản xuất. Để khắc phục tình trạng này, gia đình ông đã thuê thợ về khoan giếng. Do nguồn nước ngầm trong khu vực bị cạn kiệt nên việc khoan giếng gia đình ông phải kéo dài đến lần thứ 3 và phải khoan sâu từ 40 đến 50m mới tìm được nguồn nước.
 Để có nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt, nhiều hộ dân Lệ Thủy đã thuê thợ về khoan giếng.
Để có nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt, nhiều hộ dân Lệ Thủy đã thuê thợ về khoan giếng.
Gia đình bà Phạm Thị Khuyên cũng bỏ ra 16 triệu đồng để thuê thợ về khoan giếng. Bà Khuyên cho biết: “Gia đình chủ yếu làm nghề nông, tuy nhiên, do hạn hán kéo dài, nguồn nước từ giếng cũ không đủ cho việc tưới cây trong vườn, vì vậy, gia đình chúng tôi phải khoan thêm giếng để chống hạn cho cây”.
 
Ngoài gia đình ông Đúng, bà Khuyên, để có nước sử dụng, mỗi hộ dân trong thôn đều phải thuê thợ khoan từ 2 đến 3 cái giếng, chi phí bỏ ra hàng trục triệu đồng. Đáng nói hơn, không phải tất cả nước giếng khoan được các hộ dân bơm lên đều trong và sử dụng được, có giếng, nước mùi hôi tanh, nổi váng và đục ngầu. Theo ông Võ Quang Vinh, Trưởng thôn Tây Thiện, hầu hết 198 hộ dân trong thôn đều khoan giếng để tìm nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt.
 
Vào mùa nắng hạn, nhu cầu của người dân tăng cao nên những thợ khoan giếng cũng không ngơi nghỉ. Anh Lê Viết Tùng, chủ một máy khoan giếng cho biết, để đáp ứng nhu cầu khoan giếng ngày càng cao của bà con, anh đã đầu tư một giàn khoan hơn 1 tỷ đồng để phục vụ cho công việc. Với mỗi hợp đồng khoan giếng, anh lấy giá khoảng 16 triệu đồng khi có nước, nhưng không thể bảo đảm 100% sẽ có nước, do hạn hán ngày càng nghiêm trọng, không phải khi nào khoan cũng thành công.
 
Sử dụng mô hình tưới nước tiết kiệm
 
Hiện nay, nhằm tiết kiệm nước sản xuất vào mùa khô hạn, nhiều hộ nông dân ở huyện Lệ Thủy đã chủ động đầu tư, áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm trên những diện tích đất canh tác.
 
Gia đình chị Võ Thị Lòng, thôn Hòa Luật Nam, xã Cam Thủy trước đây thường sử dụng cách tưới nước tràn bằng ống dẫn. Tuy nhiên, nhận thấy cách tưới này rất lãng phí nước, vào mùa khô hạn nguồn nước khan hiếm nên chỉ có thể bơm nước tưới cầm chừng, ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng. Qua tìm hiểu các cách tưới tiết kiệm, năm 2018, gia đình chị đã đầu tư gần 6 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới phun sương bán tự động. Nhờ lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm, gia đình chị vừa giảm chi phí nhân công, vừa yên tâm sản xuất trong mùa khô hạn.
 
Còn gia đình anh Nguyễn Thế Thuận, chị Phạm Thị Hoa, thôn An Định, xã Hồng Thủy có 5 sào đất, mỗi năm trồng 8-9 vụ rau nối tiếp nhau, cung cấp cho thị trường gần 10 tấn rau xanh các loại. Để tiết kiệm nước vào mùa hạn hán, gia đình anh chị đã mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm gần 15 triệu đồng. Chị Hoa cho biết: "Từ khi áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm, gia đình không còn phải đối mặt với tình trạng thiếu nước mỗi khi hạn hán kéo dài, toàn bộ diện tích canh tác đều được bao phủ bằng hệ thống tưới phun nhỏ giọt".
 
Công nghệ tưới nước tiết kiệm được nhiều nông dân sử dụng có những ưu điểm vượt trội so với cách tưới truyền thống, như: tiết kiệm nước, giảm công lao động, giảm chi phí sản xuất.... Tuy nhiên, không phải ai cũng mạnh dạn để lựa chọn và đầu tư một hệ thống tưới nước tiết kiệm. Nhiều nông dân vẫn còn e ngại do chi phí đầu tư ban đầu cao so với thu nhập.
 
Ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Lệ Thủy cho biết: "Hàng năm, huyện đều có chính sách khuyến khích các hộ nông dân mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm để góp phần duy trì và nâng cao hiệu quả sản xuất ở vùng đất vốn xảy ra tình trạng khô hạn thường xuyên. Riêng trong năm 2019, huyện đã hỗ trợ người dân lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm trên 10ha, mỗi ha 40 triệu đồng.
 
Tuy nhiên, nguồn kinh phí của huyện còn hạn hẹp nên chỉ xem xét, hỗ trợ những hộ đã đăng ký và đủ điều kiện".Vì vậy, để người dân có điều kiện đầu tư hệ thống tưới phun tiết kiệm, mở rộng diện tích sản xuất trong tình hình nắng hạn rất cần những chính sách ưu đãi và hỗ trợ kịp thời của các cơ quan chức năng.
 
Phạm Hà