Nâng cao tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt chuẩn: Vẫn còn lắm khó khăn

  • 10:01 | Chủ Nhật, 28/06/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nước sạch là một nhu cầu cơ bản thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày và là một đòi hỏi bức bách trong việc bảo vệ sức khỏe, cải thiện sinh hoạt cho người dân. Tuy nhiên, nước sinh hoạt vùng nông thôn hiện nay ở tỉnh Quảng Bình mới chỉ “đủ dùng nhưng chưa đủ sạch”. Tuy các cấp, ngành đã có nhiều nỗ lực nhưng việc cấp nước sạch đạt quy chuẩn ở vùng nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn.
 
Tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn còn thấp
 
Những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, sự nỗ lực của các cấp chính quyền và nhân dân, nhiều dự án cấp nước sinh hoạt đã được đầu tư xây dựng trên địa bàn toàn tỉnh. Đến nay, điều kiện cung cấp nước sạch của người dân ở nhiều vùng nông thôn trong tỉnh đã được cải thiện một phần đáng kể.
 
Hiện trên địa bàn nông thôn toàn tỉnh đã đầu tư 113 hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung với tổng công suất thiết kế 42.743m3/ngày đêm. Trong đó, có 82 công trình sử dụng nước mặt và 31 công trình sử dụng nước ngầm. Tuy nhiên, số lượng công trình được đầu tư vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của người dân, tỷ lệ người dân khu vực nông thôn được sử dụng nước đạt quy chuẩn vẫn đang rất thấp (đạt 32%), các công trình phần lớn có công nghệ xử lý đơn giản, chất lượng nước đầu ra chưa bảo đảm theo QCVN 02:2009/BYT.
 Nhiều công trình nước sạch nông thôn hệ thống xử lý nước lạc hậu, đơn giản nên chất lượng nước khó đạt quy chuẩn theo Bộ Y tế.
Nhiều công trình nước sạch nông thôn hệ thống xử lý nước lạc hậu, đơn giản nên chất lượng nước khó đạt quy chuẩn theo Bộ Y tế.
Tìm hiểu tại xã Cao Quảng (Tuyên Hóa), địa phương có 3 công trình nước sinh hoạt tập trung gồm: công trình cấp nước sinh hoạt khe Táu, khe Trồi và khe Lũy, nguồn nước bảo đảm cho khoảng 85% hộ dân sử dụng. Hiện tại, các công trình cấp nước sinh hoạt ở địa phương đều có bể lọc nhưng chỉ lọc thô chứ không qua hệ thống xử lý công nghệ cao.
 
Khi chúng tôi hỏi về chất lượng nước thì ông Mai Xuân Tuyên, Chủ tịch UBND xã Cao Quảng cho biết: Nguồn nước ở đây lấy từ suối về nên bằng mắt thường thấy trong và sạch, người dân đã sử dụng nhiều năm nay không thấy ảnh hưởng gì. Thi thoảng cũng có cán bộ tới lấy mẫu nước để kiểm định nhưng không thường xuyên và không thấy phản hồi lại.
 
Còn tại xã Đồng Hóa, những năm trước đây, người dân luôn thiếu nguồn nước sinh hoạt. Năm 2006, công trình cấp nước sinh hoạt thôn Đồng Giang và Đại Sơn được đưa vào sử dụng nhưng chất lượng nước cũng chỉ hợp vệ sinh. Các thôn còn lại đều phải sử dụng giếng khơi truyền thống. Tại thôn Đồng Phú, do giếng khơi không có nước, nhiều người dân trong thôn đã góp kinh phí làm đường ống dẫn nước suối về dùng.
 
Những công trình do dân tự làm phần lớn đều không có bể lọc nên về mùa mưa, nước thường bị đục bẩn. Anh Phan Thanh Hồng, một người dân địa phương cho biết: "Nơi đây có nước dùng là tốt rồi, chứ chất lượng nước thì chúng tôi cũng không biết có sạch không, cứ thấy trong là dùng. Nhà nào có điều kiện thì mua máy lọc nước gia đình về lọc qua, không có điều kiện thì cũng phải sử dụng nguồn nước này vì không có nguồn nước nào khác."
 
Nước sạch đạt quy chuẩn được hiểu là nguồn nước trong, không màu, không mùi, không vị, không chứa các độc chất và vi khuẩn gây bệnh cho con người. Nước sạch phải bảo đảm 14 tiêu chí, trong đó các tiêu chí về: Nitrat, clorua, asen, sắt, chì, mangan, thủy ngân... theo quy chuẩn của Bộ Y tế. Hiện, tỷ lệ người dân tỉnh ta sử dụng nước theo QCVN 02:2009/BYT mới đạt 46,28%.
 
Còn nước hợp vệ sinh là nguồn nước không màu, không mùi, không vị, không chứa các thành phần có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, có thể dùng để ăn uống sau khi đun sôi. Hiện tỷ lệ người dân tỉnh ta sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh đạt 92,43%. Tuy nhiên, nước hợp vệ sinh chỉ được đánh giá sạch về cảm quan nhưng chưa được xét nghiệm theo QCVN 02:2009/BYT thì cũng vẫn chưa an toàn cho người sử dụng vì có thể còn chứa các hóa chất độc hại.
 
Nhằm phát huy hiệu quả hoạt động của các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, nhất là các công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy ở khu vực miền núi, năm 2018, UBND tỉnh đã ký Quyết định số 4476/QĐ-UBND ban hành Đề án “Nâng cao hiệu quả khai thác, vận hành và sử dụng bền vững các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung”.
 
Theo đó, đề án được triển khai ở toàn bộ khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh, nhằm góp phần đưa tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98%, đạt chuẩn QCVN 02:2009/BYT 70% theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đến năm 2020. Đến nay, đề án đã từng bước nâng cao tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, góp phần giảm dần khoảng cách giữa nông thôn với đô thị.       
 
Vẫn còn lắm khó khăn...
 
Hiện nay, người dân nông thôn đã có ý thức cao về việc sử dụng nước sạch trong ăn uống và sinh hoạt hàng ngày. Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa các công trình nước sinh hoạt tập trung ở nông thôn đã góp phần đáng kể giúp người dân có nước sạch, nước hợp vệ sinh để dùng. Tuy nhiên, để người dân sử dụng nước sạch đúng quy chuẩn thì vẫn còn là "bài toán khó" đối với các sở, ban, ngành liên quan.
 
Huyện Tuyên Hóa có 22 công trình cấp nước tập trung nhưng chỉ có công trình cấp nước sinh hoạt cụm xã Tiến Hóa, Văn Hóa, Châu Hóa và công trình cấp nước sinh hoạt xã Mai Hóa do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường quản lý là đạt QCVN:01 và QCVN:02, các công trình còn lại chất lượng nước chỉ hợp vệ sinh. 
  Nước sinh hoạt vùng nông thôn hiện nay ở tỉnh ta mới chỉ “đủ dùng nhưng chưa đủ sạch”.
Nước sinh hoạt vùng nông thôn hiện nay ở tỉnh ta mới chỉ “đủ dùng nhưng chưa đủ sạch”.
Huyện Minh Hóa cũng tương tự, toàn huyện có 21 công trình cấp nước sinh hoạt nhưng phần lớn là nguồn nước tự chảy từ suối. Phần lớn các công trình được xây dựng nhiều năm trở về trước, do thiếu kinh phí đầu tư nên việc thiết kế, thi công không đồng bộ, hệ thống xử lý nước lạc hậu, đơn giản nên chất lượng nước khó đạt quy chuẩn theo Bộ Y tế.
 
Bên cạnh đó, một số địa phương đã có nước sạch sinh hoạt nhưng việc nhận thức về vai trò của nước sạch đối với sức khỏe và đời sống chưa cao, nhiều nơi người dân do không muốn chi phí vào việc sử dụng nước nên còn duy trì thói quen sử dụng nguồn nước truyền thống mà chưa chuyển sang sử dụng nước từ các công trình cấp nước hoặc có sử dụng song rất hạn chế về số lượng. 
 
Ông Nguyễn Trường Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh cho biết: Hiện nay, những công trình cấp nước sinh hoạt tập trung do các đơn vị chuyên môn quản lý, theo dõi thì chất lượng nước luôn bảo đảm còn một số công trình cấp nước do UBND xã quản lý, vận hành thiếu chuyên môn nên chưa quan tâm đến việc nâng cao chất lượng nước.
 
Một số công trình do các cá nhân, tổ chức nước ngoài tài trợ không qua khâu kiểm tra, thẩm định của các cơ quan chuyên ngành nên không bảo đảm được yêu cầu kỹ thuật để có nguồn nước chất lượng cao. Ngoài ra, sự tác động mạnh của biến đổi khí hậu làm nguồn nước nhiều công trình cạn kiệt, xâm nhập mặn, sự tác động của con người... làm cho một số nguồn nước ô nhiễm nên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng nguồn nước.
 
Để nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch đạt chuẩn, trong thời gian tới, các địa phương cần chuyển đổi mô hình quản lý vận hành, khai thác công trình, kêu gọi các doanh nghiệp, cá nhân đủ năng lực tham gia đấu thầu quản lý, vận hành, khai thác công trình, đẩy mạnh xã hội hóa công tác đầu tư xây dựng và quản lý, khai thác các công trình nước sạch nông thôn.
 
Bên cạnh đó, chính quyền các cấp, ngành chức năng cần quan tâm hơn nữa công tác xét nghiệm, đánh giá chất lượng nước sinh hoạt trên địa bàn. Ðồng thời, công bố các chỉ số, kết quả xét nghiệm công khai, rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và yên tâm sử dụng nước sinh hoạt.
 
Thanh Hoa