Đến với bệnh nhân nghèo từ chữ "Tâm"

  • 08:16 | Thứ Ba, 30/06/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tôi may mắn được làm việc với ông Phạm Quang Lịch, Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo (BTBNN) tỉnh Quảng Bình từ thời mới tái lập tỉnh đầy gian khó. Có những cơ duyên trong công việc và trong cuộc sống đã mang đến cho tôi sự kính trọng ông-một bậc đàn anh, một người cán bộ tâm huyết, năng động, một nhân cách rất đáng nể trọng mà tôi muốn gói gọn trong mấy chữ: “Tâm”, “Đức” và “Tận tụy”.
 
Trước khi trở thành Chủ tịch Hội BTBNN tỉnh, ông Phạm Quang Lịch đã trải qua hơn 40 năm liên tục làm việc trong cơ quan Nhà nước, với 29 năm làm công tác ngân hàng, 12 năm làm công tác tài chính, từng đảm nhiệm nhiều trọng trách, trong đó có thời gian dài giữ cương vị Giám đốc ngành. Ở lĩnh vực nào, ông cũng xông xáo, tích cực tháo gỡ khó khăn, tìm tòi những giải pháp đột phá để hoàn thành nhiệm vụ.
 
Những tưởng sau hơn 40 năm liên tục lăn lộn với công tác, khi nhận quyết định nghỉ hưu, ông sẽ dành thời gian cho những ngày nghỉ ngơi, hưởng thụ tuổi già, chăm sóc sức khỏe bản thân và vui vầy với gia đình, con cháu. Nhưng, cái “Tâm” trong ông vẫn còn nhiều day dứt trước những công việc xã hội, để rồi vừa mới nghỉ hưu, ông lại nhận trách nhiệm Chủ tịch Hội Khuyến học phường Hải Đình và đã khởi động phong trào khuyến học, khuyến tài ở địa phương. 
 Ông Phạm Quang Lịch (ngoài cùng bên phải) trao quà hỗ trợ cho bệnh nhân nghèo. (Ảnh: M.Huệ)
Ông Phạm Quang Lịch (ngoài cùng bên phải) trao quà hỗ trợ cho bệnh nhân nghèo. (Ảnh: M.Huệ)
Lại cũng là cơ duyên, lãnh đạo tỉnh đề nghị ông đảm nhận trách nhiệm lãnh đạo Hội BTBNN tỉnh, ông đã nhận lời không một chút do dự dù biết rằng đó là một công việc không hề dễ dàng và nhẹ nhàng. Ông trở thành vị Chủ tịch Hội đầu tiên cũng từ cái “Tâm” của một người giàu lòng yêu thương và nhân ái. Kể từ khi thành lập vào tháng 3-2003 đến nay, ông đã trải qua 17 năm công tác liên tục với 3 nhiệm kỳ Chủ tịch hội.
 
Đúng là “vạn sự khởi đầu nan”, ngay từ những ngày đầu thành lập Hội, mọi việc đều mới mẻ, chưa biết bắt đầu từ đâu, tháo gỡ bằng cách nào. Ông đã chọn cách làm hiệu quả, rút ngắn thời gian tiếp cận định hướng công việc, đó là học tập kinh nghiệm của những địa phương trong nước. Thế là ông cùng đồng sự lập tức lên đường tìm đến Hội BTBNN TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Kiên Giang.
         
Sau chuyến đi, ông cùng Ban Chấp hành Hội thảo luận, phân tích những thuận lợi và khó khăn, xác định Hội muốn hoạt động có hiệu quả phải có một hệ thống mạng lưới tổ chức vững mạnh. Thế là chỉ trong một thời gian ngắn, Hội đã xây dựng một chương trình làm việc với các ban, ngành liên quan và các địa phương trong tỉnh, thành lập được 23 chi hội cơ sở. Hội cũng bắt tay vào việc xây dựng nguồn lực tài chính để thực hiện các chương trình bảo trợ bệnh nhân nghèo trong tỉnh. Với 9 chương trình do Hội xây dựng, trong suốt 3 nhiệm kỳ hoạt động, nguồn tài chính bảo trợ cho bệnh nhân nghèo thông qua Hội đã lên tới trên 40 tỷ đồng.
         
Nhờ có mạng lưới tổ chức mạnh và nguồn tài chính đáp ứng yêu cầu nên trong 17 năm qua, ông đã cùng với Ban Chấp hành Hội và cán bộ, nhân viên Văn phòng Hội về tận các địa phương trong tỉnh để kết hợp với ngành Y tế tổ chức tầm soát bệnh tật, phát hiện, phân loại các bệnh nhân để đưa vào chương trình bảo trợ của Hội.
 
Để nắm được thông tin chính xác, khách quan, ông đã không quản ngại điều kiện khí hậu, địa hình, thời tiết khắc nghiệt, về tận những địa phương vùng sâu, vùng xa, làng, bản hẻo lánh. Không ít lần, chính ông cũng rơi vào những tình huống không may về sức khỏe trong những chuyến đi như vậy, nhưng bằng nghị lực và sự tận tụy, ông đã vượt qua tất cả.
 
Năm nay, ông Phạm Quang Lịch đã bước qua tuổi 80, tuổi thượng thọ, nhưng ông vẫn tham gia không mệt mỏi các hoạt động bảo trợ bệnh nhân nghèo, bởi ông đã làm được điều mà Bác Hồ thường dạy: “Cái gì tốt thì nhỏ mấy cũng nên làm, cái gì xấu thì nhỏ mấy cũng nên tránh”.   
 
 Nguyễn Khắc Thái