Tận thu đất san lấp làm ảnh hưởng hệ thống lưới điện 110kV

  • 10:24 | Thứ Hai, 25/05/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian qua, các ngành chức năng đã cấp phép cho một số cá nhân, doanh nghiệp tổ chức các phương tiện cơ giới hạ cốt nền, san gạt mặt bằng vùng gò đồi lấy đất để làm vật liệu san lấp ở các khu dân cư, khu đô thị mới… Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã có hiện tượng tận thu quá mức cho phép nguồn tài nguyên này làm ảnh hưởng đến hệ thống lưới điện trên địa bàn.
 
Anh Nguyễn Văn H., ở TDP 3, phường Bắc Lý(TP. Đồng Hới) cho biết, ở vùng gò đồi trên địa bàn phường Bắc Lý, do được cơ quan chức năng cấp phép hạ cốt nền cải tạo vườn nên một số cá nhân, doanh nghiệp đã tận thu đất để san lấp công trình. Nguồn thu từ tài nguyên đất đai trong quá trình khai thác không lớn nhưng lại làm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, hệ thống cáp thông tin, điện chiếu sáng, đặc biệt là hệ thống lưới điện 110kV.
Một vị trí cột110kV trên tuyến đường tránh TP. Đồng Hới trong khu vực tận thu đất san lấp.
Một vị trí cột110kV trên tuyến đường tránh TP. Đồng Hới trong khu vực tận thu đất san lấp.
Theo quan sát của chúng tôi, hệ thống lưới điện 110kV bị ảnh hưởng nhiều nhất do tình trạng tận thu đất san lấp tập trung ở các phường Bắc Lý, Bắc Nghĩa, khu vực đường tránh TP. Đồng Hới… Nhiều vị trí móng cột của hệ thống điện bị đe dọa về an toàn, kỹ thuật khi diện tích đất tiêu chuẩn dưới chân cột bị thu hẹp do hiện tượng tận thu quá mức cho phép.
 
Ông Hoàng Chiến Sinh, Đội trưởng Đội quản lý vận hành lưới điện cao thế (Công ty Điện lực Quảng Bình) cho biết: Hiện, đơn vị đang quản lý, vận hành tuyến đường dây 110kV, gồm mạch đơn, mạch kép với chiều dài 318km trên địa bàn toàn tỉnh. Từ trạm 220kV Đồng Hới đến trạm 110kV Bắc Đồng Hới, đoạn đi qua khu công nghiệp Tây Bắc Đồng Hới, đường tránh TP. Đồng Hới, tính sơ bộ có khoảng 30 vị trí móng cột bị ảnh hưởng. Tình trạng này đã kéo dài trong thời gian qua, đồng thời đơn vị cũng đã có báo cáo, kiến nghị nhưng đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp giải quyết hiệu quả.
 
"Hệ thống lưới điện thì do đội quản lý, vận hành nhưng phía đơn vị khai thác lại có giấy phép tận thu nên chúng tôi rất khó để xử lý khi xảy ra hiện tượng đào đất làm ảnh hưởng đến móng cột điện, dây tiếp địa", ông Hoàng Chiến Sinh nói.
 
Theo tiêu chuẩn kỹ thuật, mỗi cột điện của hệ thống lưới điện 110kV, tùy theo kết cấu, chất liệu (thép, bê tông) phải bảo đảm diện tích đất dưới chân móng từ 60-80m2. Tuy nhiên, trong thực tế ở mỗi vị trí móng cột (11, 28, 29 thuộc tuyến 110kV) trong khu vực tận thu đất đều bị bóc tách đến sát chân công trình làm ảnh hưởng đến an toàn hệ thống của toàn tuyến đường dây này. 
  Tuyến đường dây 110 kV sẽ bị ảnh hưởng do nền móng không vững chắc.
Tuyến đường dây 110 kV sẽ bị ảnh hưởng do nền móng không vững chắc.
Vào mùa mưa bão, hệ thống tiếp địa của cột điện bị đứt do nguyên nhân từ các hoạt động tận thu đất san lấp nếu cột bị sét đánh trúng sẽ làm ảnh hưởng đến các trạm biến áp, không chỉ gây nguy cơ cháy nổ, mất điện cục bộ mà còn tổn hại đến quá trình sản xuất, kinh doanh của các cá nhân, doanh nghiệp.
 
Hệ thống lưới điện 110kV do Đội quản lý vận hành lưới điện cao thế (Công ty Điện lực Quảng Bình) quản lý có nhiệm vụ cung cấp điện cho tỉnh Quảng Bình và truyền tải điện năng cho các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Ngoài các phụ tải là hộ gia đình, cá nhân, hệ thống lưới điện này còn cung cấp cho các khu công nghiệp, khu chế xuất nhằm góp phần phát triển kinh tế-xã hội trong khu vực, đồng thời bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Do vậy, cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng trong công tác bảo vệ hành lang an toàn lưới điện 110kV, bảo đảm cho lưới điện vận hành an toàn, liên tục trong mọi tình huống.
 
Trần Minh Văn