Vượt lên số phận

  • 08:34 | Chủ Nhật, 05/04/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Mặc dù mang trong mình di chứng tật nguyền, nhưng với khát khao trở thành người có ích, chị Cao Thị Mến (sinh năm 1967, ở thôn 2, xã Mỹ Trạch, huyện Bố Trạch) đã nỗ lực học hỏi, không “đầu hàng” trước số phận và trở thành điểm tựa giúp những phụ nữ nghèo, tàn tật trên địa bàn vươn lên trong cuộc sống.
 
Tuổi thơ không may mắn
 
Được sinh ra với thân hình bình thường trong một gia đình đông anh chị em, nhà nghèo, là chị cả, chị Cao Thị Mến phải cáng đáng nhiều công việc khi tuổi còn rất nhỏ. Chia sẻ về những năm tháng cơ cực, chị Mến nhớ lại: “Năm lên 7 tuổi, sau tôi là hai em nhỏ. Thấy bạn bè đồng trang lứa đến trường, tôi cũng xin ba mẹ để được đi học. Nhưng do gia đình khó khăn quá nên ba mẹ động viên tôi ở nhà trông em để ông bà có thời gian ra đồng cày cấy, duy trì cuộc sống của cả nhà. Khi đó, tôi đồng ý nhưng buồn lắm... Cứ tưởng không được đến trường như chúng bạn thì ở nhà chăm em để đỡ đần cho ba mẹ yên tâm với công việc. Nào ngờ, khi một lần cõng em đi chơi nhà bà con, tôi bất ngờ bị một viên đạn lạc đâm xuyên phần lưng dưới.”
  Tổ hợp tác đan mây xiên Mỹ Trạch góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho các phụ nữ nghèo, yếu thế.
Tổ hợp tác đan mây xiên Mỹ Trạch góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho các phụ nữ nghèo, yếu thế.
Kể từ đó, dù được ba mẹ chạy chữa khắp nơi, nhưng chị Mến đã không thể nào đứng dậy, đi lại được; mọi sinh hoạt hàng ngày hết sức khó khăn và phần lớn đều trông nhờ vào người thân. Cuộc sống vốn đã thiếu thốn giờ đây còn cơ cực bội phần. Chưa dừng lại ở đó, sau khi sinh thêm 2 đứa em nữa, mẹ chị Mến mất sớm do bị tai nạn chim đò, để lại gia cảnh “gà trống nuôi con” càng khiến cuộc sống chị Mến thêm phần bi đát.
 
“Năm tháng đó, tôi từng nghĩ quẫn, nếu có phép màu, bản thân cũng “đầu hàng” trước số phận vì vừa tàn tật lại không biết chữ. Nhưng cũng từ đó, trong tôi lại khát khao vươn lên, rồi tự mày mò đọc, viết, tìm hiểu những con số..., dần dần, tôi đọc chữ và tính toán được.”, chị Mến tâm sự.
 
Điểm tựa cho phụ nữ nghèo, tàn tật
 
Với những nỗ lực không mệt mỏi nên từ khá lâu, chị Cao Thị Mến trở thành nguồn động lực đối với nhiều phụ nữ nghèo, tàn tật trên địa bàn khi chị tạo dựng được niềm tin và giúp đỡ họ vươn lên tự làm chủ cuộc sống, trở thành những người “tàn nhưng không phế”.
 
Ông Phan Văn Trung, Chủ tịch UBND xã Mỹ Trạch cho biết: “Chị Cao Thị Mến là một phụ nữ đơn thân hiếm thấy trên địa bàn. Dù hoàn cảnh khó khăn, bị tàn tật từ nhỏ, không đi lại được, không được học hành nhưng rất chịu khó, ham học hỏi. Mọi nỗ lực đến nay đã được đền đáp khi chị đã làm chủ Tổ hợp tác đan mây xiên Mỹ Trạch. Hiện, tổ hợp tác của chị Mến hoạt động rất có hiệu quả, giải quyết việc làm cho nhiều phụ nữ lúc nông nhàn và phụ nữ tàn tật; sản phẩm được thị trường đón nhận, ưa chuộng. Không chỉ tạo việc làm ổn định cho bản thân, chị Mến trở thành điểm tựa cho nhiều phụ nữ nghèo, yếu thế trên địa bàn xã”.
 
Chị Mến kể: “Sau gần 35 năm chỉ biết ngồi một chỗ, thời điểm tôi như được sống lại, đó là vào khoảng vào năm 2007, khi dự án hỗ trợ người khuyết tật về khảo sát tại địa phương, tặng xe lăn rồi đầu tư cho đi tập huấn kỹ thuật và học nghề đan lát mây xiên... Có được cơ hội này, tôi tranh thủ mọi thời gian, quyết tâm rèn luyện và học cho bằng được. Sau khi có nghề, tôi trở về địa phương và việc đầu tiên là dạy nghề, động viên chị em phụ nữ nghèo, tàn tật trên địa bàn tham gia lớp học”.
 
Ban đầu, chị Mến cùng một số chị em mua mây về đan một số sản phẩm đơn giản, dần dần, khi thấy thị trường ưa chuộng, chị đã mạnh dạn đầu tư vốn, rồi đứng ra thành lập Tổ hợp tác đan mây xiên Mỹ Trạch; đồng thời vận động thêm nhiều chị em phụ nữ trong thôn cùng làm.
Chị Cao Thị Mến, người phụ nữ giàu nghị lực.
Chị Cao Thị Mến, người phụ nữ giàu nghị lực.
Từ vài thành viên ban đầu, đến nay, Tổ hợp tác đan mây xiên Mỹ Trạch có 15 thành viên. Với nguồn nguyên liệu từ mây tre nhập từ phường Quảng Long, Quảng Thuận... (thị xã Ba Đồn), mỗi tháng, tổ hợp tác sản xuất được 400-500 sản phẩm thủ công mỹ nghệ với phong phú các loại, như: rổ, rá, mẹt, bình hoa, lẵng hoa, giỏ đựng quả hay đồ vặt, khay, dĩa, mâm, lồng bàn...  Những sản phẩm đã được trưng bày và bán tại các triển lãm, hội chợ trên địa bàn, được khách hàng đánh giá cao từ mẫu mã đẹp đến chất lượng tốt. Giá bán dao động từ 100 đến 500 nghìn đồng/sản phẩm. Nhờ đó, các chị em có nguồn thu nhập ổn định, trang trải cuộc sống.
 
Chị Mến mong muốn, thời gian tới, nếu được hỗ trợ cho vay nguồn vốn ưu đãi, chị và các thành viên trong tổ hợp tác sẽ đầu tư thêm các thiết bị máy móc và dụng cụ để mở rộng sản xuất, cung cấp cho thị trường ngày càng nhiều những sản phẩm với mẫu mã phong phú, chất lượng cao hơn, giá thành hợp lý hơn.
 
“Dù các chị ở Tổ hợp tác đan mây xiên Mỹ Trạch chuyên cần hoạt động, sản xuất nhiều vật dụng bằng mây tiện dụng, nhưng hiện tại, các sản phẩm chưa bán được nhiều. Để các mặt hàng thủ công mỹ nghệ bằng mây ở Mỹ Trạch vươn ra thị trường, cần có sự hỗ trợ tích cực của các hội, đoàn thể. Nếu tìm kiếm được cơ hội, chính quyền địa phương sẽ tạo điều kiện để sản phẩm của tổ hợp tác tiếp cận gần hơn nữa với khách hàng. Có như vậy mới tạo được động lực sản xuất và nâng cao thu nhập cho chị em.”, Chủ tịch UNBD xã Mỹ Trạch Phan Văn Trung chia sẻ thêm.
 
Trong ngôi nhà ấm cúng rộng chừng 70m2 được dự án hỗ trợ xây dựng cho chị Mến, cũng là nơi Tổ hợp tác đan mây xiên Mỹ Trạch hoạt động, các chị em vừa đan mây vừa vui vẻ chuyện trò. Công việc cần sự khéo léo, cẩn thận nhưng vừa sức này không những đưa lại nguồn thu nhập cho chị em, mà còn giúp cho những phụ nữ nghèo và yếu thế có thêm động lực, niềm tin vào cuộc sống.
 
Hương Trà