Những người đi qua "địa ngục trần gian"

  • 08:42 | Thứ Ba, 28/04/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Năm 2017, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ, tôi may mắn tìm được ông Trần Bá Huỳnh (xã Mai Hóa, huyện Tuyên Hóa), người cựu tù Phú Quốc của chế độ miền Nam Việt Nam và trao cho ông tập hồi ký “Những năm tháng không thể nào quên” mà ông là tác giả. Qua câu chuyện của ông, tôi biết thêm trên địa bàn huyện Tuyên Hóa vẫn còn nhiều đồng đội, đồng chí từng vào sinh ra tử “nơi địa ngục trần gian” nhà tù Phú Quốc, hiện vẫn đang còn sống.
 
Bẵng đi thời gian hơn ba năm, trở lại thăm ông Trần Bá Huỳnh vào những ngày tháng tư lịch sử, lời ông như một hơi thở dài: “Lúc anh em trao trả tại sông Thạch Hãn (tỉnh Quảng Trị) điểm mặt gồm 21 người cùng huyện Tuyên Hóa, bây giờ chỉ còn 4, mà ai nấy tuổi cũng đã cao, sức yếu, nhớ nhớ, quên quên”.
 
Khác với những cựu tù Phú Quốc khác, ông Trần Bá Huỳnh vẫn còn lưu lại tập hồi ký “Những năm tháng không thể nào quên”. Ông viết để gìn giữ, giáo dục thế hệ con cháu biết tôn trọng, trân quý xương máu thế hệ cha ông đi trước, tôn trọng những thành quả cách mạng…, từ đó, phấn đấu, giữ gìn, phát huy. Gói gọn trong 9 trang giấy A4 ố vàng là một quãng thời gian dài người lính Cụ Hồ đi qua chiến trận, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Gian khổ, ác liệt nhưng oai hùng, bi tráng. Rồi bị tù đày, nếm trải đủ cung bậc tra tấn, cực hình, khổ ải, đau thương. 
Cuộc sống đời thường của cựu tù Phú Quốc Trần Bá Huỳnh bên con cháu.
Cuộc sống đời thường của cựu tù Phú Quốc Trần Bá Huỳnh bên con cháu.
Sau hai năm nhập ngũ, tháng 3-1963, ông Trần Bá Huỳnh viết đơn tình nguyện vào Nam chiến đấu, đi “B dài”. Tháng 8-1963, đơn vị ông Trần Bá Huỳnh hành quân vào Nam, từ huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An đến Làng Ho, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Tại đây, bổ sung quân tư trang, thay đổi phiên hiệu, tiếp tục hành quân bộ vào chiến trường Trị Thiên. Kể từ cuối năm 1963, Phân khu Trị Thiên lựa chọn 20 cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị ông Huỳnh thành lập bộ khung đại đội công binh mang phiên hiệu C14.
 
Tháng 7-1965, tiểu đội ông Huỳnh phối hợp với bộ đội huyện Hương Trà đánh chiếm quận lỵ Hương Thủy. Trận đánh không cân sức, đồng đội hy sinh, bản thân ông Huỳnh bị thương, bị địch bắt làm tù binh. Hành trình của người tù “án không án” Trần Bá Huỳnh bắt đầu từ quận lỵ Nam Hòa, đến trại giam Mang Cá. Một tháng sa, chúng đưa ông vào Đà Nẵng. Từ xà lim Đà Nẵng, địch tiếp tục chuyển tù nhân vào Sài Gòn. Tám tháng ở xà lim Ky Me, Sài Gòn, kẻ thù độc ác, tàn bạo, dã man, dùng cực hình tra tấn ông chết đi sống lại.
 
Địch tiếp tục chuyển ông Trần Bá Huỳnh về trại giam Biên Hòa. Tại đây, ông bắt liên lạc được với chi bộ Đảng trong nhà tù, tham gia đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, cải thiện chế độ sinh hoạt cho tù nhân. Năm 1967, chúng đưa tù binh ra đảo Phú Quốc. Tại nhà tù Phú Quốc, ông Huỳnh gặp một số đồng chí quê Quảng Bình, như: Nguyễn Văn Tố (xã Châu Hóa); Nguyễn Văn Luận (xã Ngư Hóa); Trần Đức Thiện (xã Quảng Thạch); Võ Xuân Nhiều (xã Quảng Xuân)...
 
Theo lời giới thiệu của ông Trần Bá Huỳnh, tôi qua sông Gianh về xã Châu Hóa tìm gặp ông Nguyễn Văn Tố. Hóa ra ông Tố lại là người không mấy xa lạ đối với đội ngũ làm báo chí như chúng tôi khi ông từng giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Châu Hóa gần hai nhiệm kỳ (1994-2000).
 
Ông Nguyễn Văn Tố (SN 1940), trước khi đi “B dài” là thầy giáo. Đại đội 17 DKZ thuộc Trung đoàn 6, Quân khu Trị Thiên-Huế của ông Tố chiến đấu chủ yếu tại chiến trường Trị Thiên. Tháng 6-1966, đơn vị tổ chức phục kích địch càn quét từ Huế ra trên Quốc lộ 1A. Trong trận đánh này, ông Tố bị bom vùi, bị thương nặng và bị địch bắt. Hành trình tù đày của ông Tố cũng tương tự như ông Trần Bá Huỳnh. Địch ban đầu đưa ông về giam, tra tấn thừa sống thiếu chết tại Mang Cá. Không khuất phục được ý chí kiên trung của người tù cộng sản, chúng chuyển ông đến giam tại Non Nước, Đà Nẵng. Gần Tết Mậu Thân 1968, ông Nguyễn Văn Tố bị đưa ra nhà tù Phú Quốc.

 

Các cựu tù thăm lại  "địa ngục trần gian " nhà tù Phú Quốc năm 2013.
Các cựu tù thăm lại "địa ngục trần gian" nhà tù Phú Quốc năm 2013.
“Tết đầu tiên trên đảo Phú Quốc là một cái Tết để đời không thể nào quên. Bọn cai tù bắt tù nhân cởi trần nằm phơi nắng trên cát đúng một ngày. Đêm da tù nhân bị bỏng rộp lên, đau đớn không tả xiết. Càng về sau thì cực hình càng dã man hơn. Có trường hợp đồng chí Thuận người xã Đồng Hóa bị đánh đập đến liệt người, chúng lấy đinh đóng vào ống chân lồi cả tủy ra, lấy nước sôi đổ vào người. Sức cùng lực tận phải hy sinh. Lạ một điều là vào các dịp lễ lớn, hay những ngày trọng đại của dân tộc, cai tù Phú Quốc lại lôi tù nhân ra đánh đập, tra tấn dã man mà không cần lý do”.
 
Những năm tháng lao tù Phú Quốc, gia đình ông Trần Bá Huỳnh ly tán. Con gái chết vì bom Mỹ. Mẹ già nhận giấy báo tử gửi về, sống lay lắt trong ốm đau. Vợ đi lấy chồng khác. Ông Huỳnh trở về như một kỳ tích. Thương ông bệnh tật lúc trái gió trở trời lại nuôi nấng mẹ già, bà Cao Thị Nghèng, quê ở xã Châu Hóa chắp nối cùng ông thành duyên chồng vợ. “Trở về với quê hương, với người thân, sống cuộc đời đạm bạc. Cuộc sống dù khó khăn, đắp đổi qua ngày... nhưng tài sản tôi để lại cho các con chính là niềm tin. Từ trong ngục tù, từ cõi chết, tôi hồi sinh cũng nhờ tin vào Đảng, tin tưởng ngày thống nhất, Nam-Bắc về chung một nhà”- ông Trần Bá Huỳnh lạc quan chia sẻ.
 
Với ông Nguyễn Văn Tố, quê hương, gia đình dang rộng vòng tay đón ông trong hạnh phúc vỡ òa. Rời quân ngũ, từ cõi chết, ngục tù đứng lên, ông lại tiếp bước sự nghiệp “gõ đầu trẻ”. Sau đó, ông Tố chuyển sang làm Chủ nhiệm HTX, Bí thư chi bộ và Bí thư Đảng ủy xã Châu Hóa.
 
Một ngày của năm 1974, khi còn đứng trên bục giảng, ông Nguyễn Văn Tố nhận tin giấy báo tử của chính mình gửi về gia đình. “Chiến tranh là thế… ranh giới giữa cái sống và cái chết thực sự quá mong manh. Còn thời gian để sống là còn để lại phúc cho cháu con”- ông Nguyễn Văn Tố tự hào.
 
Ngày hội thống nhất non sông năm nay, ông Trần Bá Huỳnh phía bên này sông Gianh hẹn ông Nguyễn Văn Tố phía bên kia sông Gianh. Hai đồng đội ông tuổi cao, ở xa không hội ngộ được. Gặp gỡ chỉ để nắm tay nhau, ngồi với nhau thêm một lần… Ai biết có còn lần sau nữa!?
Ngô Thanh Long