Lặng nghe mệ kể...

  • 08:05 | Chủ Nhật, 05/04/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cách đây hơn 53 năm về trước, mệ vinh dự được 2 lần gặp Bác Hồ, được tặng huy hiệu của Người. Mệ bảo, 81 mùa xuân cuộc đời, nay đã ở vào cái tuổi “gần đất xa trời”, chưa bao giờ mệ nguôi quên ký ức tươi đẹp ấy. Niềm vinh dự đó không chỉ tiếp thêm động lực cho mệ hoàn thành mọi nhiệm vụ thời điểm ấy mà còn theo mệ đến tuổi xế chiều để nêu gương sáng cho con cháu noi theo. Mệ là Nguyễn Thị Sách, ở thôn Mỹ Đức, xã Sơn Thủy (huyện Lệ Thủy).
 
Theo chân cán bộ xã Sơn Thủy, chúng tôi tìm đến nhà mệ Nguyễn Thị Sách. Mặc dù suốt dọc đường đi đã nghe anh cán bộ xã kể về người phụ nữ “không chịu ngơi nghỉ” ấy, nhưng khi bắt gặp cảnh mệ đang mải mê chăm sóc mảnh vườn của gia đình, chúng tôi vẫn không khỏi bất ngờ. Tay cuốc, chân trần, mệ lom khom nhổ từng bụi cỏ bằng đôi mắt đầy nếp chân chim nhưng còn rất tinh anh. “Chẳng ngày nào mệ chịu ngồi yên một chỗ, không nhổ cỏ, làm vườn thì quét sân, quét đường. Mảnh vườn này cũng một tay mệ chăm chút. Con cháu bảo nghỉ ngơi mà mệ không nghe, cứ như thể không làm việc là mệ “đổ bệnh” ấy.”, chị Hồ Thị Phương Lan, con gái mệ Sách chia sẻ.
Với mệ Nguyễn Thị Sách, kỷ niệm hai lần được gặp Bác Hồ là ký ức tươi đẹp không thể nào quên.
Với mệ Nguyễn Thị Sách, kỷ niệm hai lần được gặp Bác Hồ là ký ức tươi đẹp không thể nào quên.
Gác chiếc cuốc vào góc vườn, mệ mời chúng tôi vào nhà rồi bắt đầu say sưa kể về câu chuyện của 53 năm trước với giọng điệu tự hào. Mệ kể, mệ sinh ra trong một gia đình nghèo khó, mồ côi cha từ lúc 8 tuổi. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên mệ chỉ học đến lớp 5, sau đó được huyện cho đi học bổ túc văn hóa. Năm 1958, mệ làm công an thôn Mỹ Đức. Năng nổ, nhiệt huyết, hết lòng vì công việc, mệ tiếp tục được tín nhiệm bầu giữ nhiều chức vụ quan trọng ở địa phương.
 
Nhớ lại cơ duyên được Bác Hồ tặng Huy hiệu của Người, mệ Sách kể: “Tôi nhớ mãi lần đó, sau khi phá cầu Dài phía nam thị xã Đồng Hới, cầu Lý Hòa ở Bố Trạch, ngày 19-4-1965, máy bay Mỹ tập trung đánh phá cầu Mỹ Đức, xã Sơn Thủy. Trong trận chiến bảo vệ cầu Mỹ Đức và làm bến phà qua sông Cẩm Lý, thay cho cầu Mỹ Đức bị phá sập, nhiều người dân địa phương thiệt mạng, bị thương. Một số chiến sỹ công binh làm bến phà hy sinh khi đang làm nhiệm vụ. Một số bị thương nặng phải đưa đi cấp cứu, trong đó có anh công binh tên Hà Minh Mẫn.
 
Anh bị thương nặng cần được tiếp máu nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Không ngần ngại, tôi liền hiến máu. Tuy nhiên, lượng máu vẫn chưa đủ để cứu sống anh. Các y, bác sỹ lúc đó chạy đôn chạy đáo tìm người cùng nhóm máu để hiến nhưng ai cũng bị thương không thể tiếp máu. Thế là tôi xung phong hiến thêm máu để cứu anh Mẫn. Mọi người can ngăn vì tôi vừa hiến xong sợ sức khỏe không bảo đảm nhưng tôi vẫn nhất quyết hiến máu. Thế rồi, may mắn nhờ hiến máu kịp thời, anh Mẫn đã qua cơn nguy hiểm...”
 
Chuyện cô gái Nguyễn Thị Sách hai lần tiếp máu cứu sống thương binh Hà Minh Mẫn sau đó được đăng báo. Bác Hồ đọc được, lập tức gửi ngay một Huy hiệu của Người vào Quảng Bình tặng Nguyễn Thị Sách. “Khỏi phải nói, lúc nhận Huy hiệu, tôi mừng đến phát khóc. Đó là vinh dự mà không phải ai cũng may mắn có được.”, mệ Sách bồi hồi nhớ lại.
 
Năm 1967, mệ Nguyễn Thị Sách, lúc đó là Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy, được vinh dự cùng đoàn chiến sỹ thi đua Quảng Bình ra Hà Nội báo cáo thành tích với Quốc hội và Chính phủ. Mệ kể: “Đây cũng là lần đầu tiên trong đời, tôi được gặp Bác Hồ bằng xương bằng thịt. Trong đoàn Quảng Bình đi lần đó có mấy người nữa, Bác gọi đích danh tôi, hỏi về chuyện hai lần hiến máu cứu thương binh Hà Minh Mẫn. Rồi Bác ân cần hỏi về chuyện công việc, chuyện chồng con.
 
Khi biết tôi 27 tuổi vẫn chưa nghĩ đến chuyện lấy chồng, Bác nhắc nhở: “Phấn đấu gì thì cũng phải tính đến chuyện chồng con nhé!”. Lúc đó, quá xúc động nên tôi chỉ biết cười trừ”. Trong lần đó, mệ Nguyễn Thị Sách báo cáo về thành tích Ban công an xã do mệ phụ trách đã lập nhiều thành tích tại địa phương để phục vụ chiến đấu và sản xuất. Sau đó, cùng với thành tích hiến máu cứu thương binh, mệ đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Hai.
 
Mệ bảo, vinh dự được gặp Bác Hồ, được Người tặng Huy hiệu lần thứ nhất chính là động lực để mệ phấn đấu, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao trên cương vị Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy lúc đó và nhờ vậy, mệ mới có cơ hội được gặp Bác thêm lần nữa. Điều vinh dự hơn nữa là trước khi được gặp Bác Hồ lần thứ hai, năm 1968, mệ là một trong hai phụ nữ Quảng Bình được Bác trao tặng Huy hiệu của Người. Mệ bảo, đó là huy hiệu khen thưởng phụ nữ đảm đang. Lần thứ hai được đeo Huy hiệu Bác Hồ lên ngực, động lực, niềm tin, sự tự hào trong mệ càng lớn, để rồi nhờ đó, người phụ nữ trung kiên ấy đã vượt qua muôn vàn khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ của người “đứng mũi chịu sào” ở địa phương.
 Mệ Nguyễn Thị Sách đang trò chuyện với phóng viên về ký ức 2 lần được gặp Bác Hồ.
Mệ Nguyễn Thị Sách đang trò chuyện với phóng viên về ký ức 2 lần được gặp Bác Hồ.
Năm 1968, mệ Sách là một trong những đại biểu ưu tú của Quảng Bình dự Đại hội chiến sỹ thi đua toàn quốc ở Hà Nội. Tại đây, mệ được gặp Bác Hồ lần thứ hai. “Lần này, tôi không được trực tiếp trò chuyện cùng Bác, nhưng những lời dặn ân cần của Người đối với đoàn đại biểu Quảng Bình, tôi vẫn mãi khắc ghi. Và đó chính là hành trang theo tôi cho đến tận bây giờ”, mệ Sách bộc bạch.
 
81 mùa xuân đi qua, từng đảm đương nhiều vị trí quan trọng ở địa phương, như: Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã, Trưởng Công an xã, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Sơn Thủy, Bí thư Chi bộ thôn Mỹ Đức..., mệ Nguyễn Thị Sách luôn dành trọn tâm huyết cho công việc. Người phụ nữ “giỏi việc nước, đảm việc nhà” ấy chưa bao giờ cho phép bản thân mình được nghỉ ngơi. Về hưu lúc cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn, chồng đi bộ đội, một mình mệ bươn chãi ngược xuôi nuôi mẹ già và 2 con thơ.
 
Năm 1994, chồng mất, gánh nặng lại đổ dồn lên vai mệ, nhưng chưa bao giờ mọi người thấy mệ than vãn câu nào. Vừa tất bật chăm lo cho con cái, vừa năng nỗ tham gia công tác Hội Phụ nữ rồi đến Hội Người cao tuổi ở địa phương, mệ cứ thế miệt mài với những công việc thầm lặng không tên. Và bây giờ, khi đã ở tuổi xế chiều, mệ vẫn “luôn tay luôn chân” với mảnh vườn nhà, con đường xóm. “Ký ức tươi đẹp của những năm tháng ấy sẽ theo tôi cho đến khi “nhắm mắt xuôi tay.”, mệ cười bảo, nụ cười móm mém, phúc hậu tỏa nắng cả chiều xuân.
 
Tâm An